Kết quả cuộc thăm dò ý kiến sau bỏ phiếu, được cơ quan khảo sát Quorum/YouTrend công bố đầu tiên, cho thấy liên minh trung hữu giành được 42,6% số phiếu bầu, tiếp theo là liên minh trung tả do đảng Dân chủ lãnh đạo, với 27,8%-28,3%, đảng Phong trào 5 sao (M5S) 16,1-16,4%, liên minh trung dung 7%-7,4% và các đảng khác 6,1%.
Còn theo kết quả 1 cuộc thăm dò của RAI, cơ quan phát thanh và truyền hình nhà nước Italia, liên minh trung hữu dự kiến giành được 41-45% số phiếu bầu, trong đó FdI có khả năng giành được 22-26% số phiếu.
Liên minh trung tả có khả năng giành được khoảng 25,5-29,5% và M5S giành được 13,5-17,5%, trong khi tỷ lệ bỏ phiếu cho liên minh trung dung là 6,5-8,5%.
Về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, số liệu sơ bộ cho thấy chỉ có 64,67% cử tri Italia đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử này, một con số thấp đáng kể tại 1 quốc gia có mức độ tham gia chính trị cao trong lịch sử. Cách đây 4 năm, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 74%.
Trước đó, Bộ Nội vụ Italia thông báo tính đến 19 giờ, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu Hạ viện là 51,14%, giảm so với 58,40% ở cùng giai đoạn của cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Theo các kết quả trên, Italia có thể sẽ có 1 nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử. Nước này sẽ phải mất vài tuần mới thành lập được 1 chính phủ mới.
Dự kiến, Quốc hội mới sẽ được triệu tập vào ngày 13/10 để bầu ra Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện.
Sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella có thể bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo đảng để thảo luận về chính phủ mới.
Thủ tướng được bổ nhiệm sẽ đưa ra 1 danh sách các bộ trưởng, sẽ phải được Tổng thống phê chuẩn và sau đó là Quốc hội đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.