Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực làm trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine

Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin ngày 11/10 cho biết, trong cuộc gặp ngày 13/10 tới ở Astana (Kazakhstan) với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ thảo luận về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine và khả năng Ankara đóng vai trò trung gian trong tiến trình này.
0:00 / 0:00
0:00
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin phát biểu trong 1 cuộc họp báo ở Istanbul. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin phát biểu trong 1 cuộc họp báo ở Istanbul. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn trên Kênh truyền hình TV24, ông Kalyn cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cánh cửa cho ngoại giao phải luôn được mở. Tổng thống Erdogan sẽ thảo luận khả năng của giải pháp ngoại giao cho tình hình ở Ukraine và hòa giải trong tiến trình này”.

Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc gặp giữa các nhà đàm phán 2 nước.

Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc cũng đã làm trung gian để Nga và Ukraine đạt thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đi qua Biển Đen, góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Trong bài phát biểu gần đây tại thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để có thể đưa cuộc xung đột Nga-Ukraine hướng tới kết thúc trong hòa bình.

Trong đó, mục tiêu của Ankara là tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine, ông Volodymyr Zelensky.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh kéo dài đến hết năm 2023 hiệu lực của sắc lệnh năm 2014 về các biện pháp chống trừng phạt liên quan đến lệnh cấm vận thực phẩm. Sắc lệnh đã được đăng tải trên Cổng thông tin pháp lý chính thức của Nga ngày 11/10.

Ngày 6/9/2014, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh “Về việc áp dụng một số biện pháp kinh tế đặc biệt nhằm bảo đảm an ninh của Nga”.

Sau đó, trên cơ sở văn bản này, Chính phủ Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Na Uy, Australia và Canada một số loại thịt và sản phẩm từ sữa, cá, rau và trái cây.

Sau đó, ngày 13/8/2015, Chính phủ Nga đã bổ sung thêm Albania, Montenegro, Iceland, Liechtenstein và Ukraine vào danh sách các quốc gia cấm nhập khẩu nông sản, nguyên liệu thô và thực phẩm vào Nga.