Tổng thống Putin: Nga sẽ gửi lương thực miễn phí hỗ trợ châu Phi

Phát biểu tại phiên họp Diễn đàn Đối tác Nga-châu Phi, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các nước Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở thành phố St. Petersburg ngày 27/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi ở thành phố St. Petersburg ngày 27/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin TASS, ngày 30/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẽ trích một phần thu nhập gia tăng từ việc ngũ cốc tăng giá để hỗ trợ châu Phi, thông qua việc giao lương thực miễn phí.

Phát biểu tại một buổi họp báo, Tổng thống Putin cho biết, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sẽ khiến mặt hàng này trên tăng giá nhẹ trên thị trường thế giới, đồng nghĩa các công ty Nga sẽ được hưởng lợi và kéo theo thu nhập từ thuế liên quan mặt hàng này cũng tăng.

Ông khẳng định, Moskva sẽ chia sẻ một phần thu nhập này với các nuớc nghèo nhất và chuyển giao cho họ một lượng thực phẩm nhất định, đồng thời nhấn mạnh điều này "sẽ không gây bất lợi cho Nga".

Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Đối tác Nga-châu Phi, Tổng thống Putin đã tuyên bố sẽ cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các nước Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea.

Cùng ngày, Tổng thống Putin cho biết, khoảng 200 nghìn tấn phân bón xuất khẩu từ nước này đang bị kẹt tại các cảng Baltic.

Tổng thống Nga cho rằng, các nước phương Tây đang gây khó khăn cho việc xuất khẩu phân bón của Nga và động thái này "là không hợp lý," gây ảnh hưởng lợi ích của các nước nghèo nhất trong bối cảnh Nga đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực ngày 17/7 vừa qua mà các bên tham gia không thể đạt thỏa thuận gia hạn.

Thỏa thuận nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các cảng ở Biển Đen trong thời điểm xung đột, được Nga và Ukraine ký kết với sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 và đã được gia hạn nhiều lần.

Ngày 17/7, Nga đã không nhất trí gia hạn thỏa thuận với lý do các yêu cầu của Moskva liên quan hoạt động xuất khẩu phân bón và thực phẩm của nước này trong khuôn khổ thỏa thuận không được tuân thủ.

Nga khẳng định chỉ quay lại tham gia thỏa thuận khi các yêu cầu về việc tạo điều kiện cho các loại thực phẩm và phân bón của nước này tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng hơn được đáp ứng.