Tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu

Ngày 12/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc còn nguyên vẹn.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm khí đốt Russkaya ở Krasnodar, miền nam Nga. Ảnh: TASS/TTXVN
Trạm khí đốt Russkaya ở Krasnodar, miền nam Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Người đứng đầu nước Nga đã đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại phiên họp toàn thể "Năng lượng toàn cầu trong thế giới đa cực", trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Tuần Năng lượng Nga lần thứ năm (REW 2022) diễn ra ở thủ đô Moskva.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không hạn chế nguồn cung và sẵn sàng cung cấp thêm khí đốt giai đoạn thu đông.

Đối với các nhánh của tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc bị hư hỏng, theo ông Putin, có thể được sửa chữa, nhưng điều này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu các nhánh này tiếp tục hoạt động và được bảo đảm an toàn.

Liên quan đến các sự cố tại các tuyến Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2, Tổng thống Putin cho rằng đây là hành động tấn công khủng bố nhằm phá hoại an ninh năng lượng của toàn lục địa, đồng thời âm mưu làm rạn nứt quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Putin cũng cho rằng, có thể chuyển hướng cung cấp khí đốt cho châu Âu được vận chuyển qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới biển Baltic sang hệ thống đi qua Biển Đen, bằng cách lập 1 trung tâm khí đốt lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu các đối tác quan tâm đến vấn đề này.

Theo ông Putin, kế hoạch này khả thi về mặt kinh tế vì mức độ an toàn ở khu vực Biển Đen sẽ cao hơn nhiều.

Người đứng đầu nước Nga cũng cho biết, nước này sẽ không bán dầu mỏ và khí đốt cho những nước áp dụng giá trần. Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga là đối tác đáng tin cậy và "luôn hoàn thành nghĩa vụ của mình".

Trong khi đó, cùng ngày, Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Alexei Miller cho biết, tập đoàn này có thể nhanh chóng tăng nguồn cung cho thị trường châu Á.

Ông cũng cho biết các tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc bị hư hại sẽ mất ít nhất 1 năm để khôi phục, và Nga hiện vẫn chưa được phép tiếp cận khu vực gặp sự cố.