Tôn vinh sự giản dị của Bác Hồ qua câu chuyện đôi dép cao su

Tổ chức tại đình Kim Ngân trong khu phố cổ Hà Nội, chương trình “Huyền thoại bước chân” giới thiệu về sự ra đời của đôi dép cao su của Bác Hồ. Câu chuyện đôi dép cao su đã tôn vinh sự giản dị trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của Bác.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu về sự ra đời của đôi dép Bác Hồ trong không gian đình Kim Ngân.
Giới thiệu về sự ra đời của đôi dép Bác Hồ trong không gian đình Kim Ngân.

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), chiều 19/5, tại di tích đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Dự án tinh hoa Làng nghề Việt và Công ty Dép lốp cao su đã khai mạc chương trình “Huyền thoại bước chân”.

Đôi dép cao su của Bác Hồ được ra đời vào chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, được chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc. Từ những ngày ở chiến khu cho đến mãi sau này, đôi dép cao su đã gắn bó với Bác Hồ, thể hiện sự giản dị trong cuộc sống của người.

Đôi dép cao su ấy thường được gọi với cái tên thân thương: Đôi dép Cụ Hồ. Sau này, đôi dép cao su được làm từ lốp ô tô cũ được làm thành nhiều kiểu khác nhau như: Dép Bác Hồ 1947, dép Bộ đội 1954, dép Khe Sanh 1968, dép Giải phóng quân 1975… Những đôi dép cao su được bộ đội ta sử dụng rộng rãi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong không gian sự kiện “Huyền thoại bước chân”, Ban tổ chức đã giới thiệu một số hình ảnh và mẫu dép về đôi dép cao su được tái chế từ lốp xe đã theo chân nhiều đoàn quân trong thời kỳ chiến tranh thế kỷ trước.

Tại đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Trường đã trình diễn giới thiệu một số các công đoạn làm ra đôi dép cao su.

Qua sự kiện, Ban tổ chức không chỉ giới thiệu hình ảnh đôi dép cao su và câu chuyện lịch sử gắn với Bác Hồ mà còn muốn nêu cao tinh thần học tập, làm theo tấm gương “Cần-Kiệm-Liêm-Chính” của Người.

Bên cạnh hoạt động giới thiệu về đôi dép Bác Hồ, đình Kim Ngân còn có các không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống lâu đời khác, như: Không gian giao lưu trà Việt, không gian trải nghiệm làm tranh Kim hoàng dát vàng…

Chương trình kéo dài đến hết ngày 21/5.