Tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Đền thờ Lý Nam Đế

NDO -

Chiều 31/3, tại huyện Tam Nông, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Đền thờ Lý Nam Đế" tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Đền thờ vua Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông ngày nay.
Đền thờ vua Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông ngày nay.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà sử học, nhà nghiên cứu cho rằng, hiện nay, Đền thờ Lý Nam Đế có quy mô quá nhỏ so với nơi thờ tự của các vị vua khác của dân tộc, quy hoạch cảnh quan chung quanh chưa tương xứng với vai trò, vị trí, công lao của Lý Nam Đế - vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam; các hạ tầng cảnh quan chưa đáp ứng cho du khách thập phương về dâng hương tưởng niệm.

Mặt khác, Đền thờ Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông hiện mới chỉ là di tích lịch sử cấp tỉnh, trong khi, Đền thờ của Ngài tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Do đó, nhiều ý kiến tập trung phân tích, đánh giá và khẳng định công lao to lớn của Lý Nam Đế trong lịch sử dân tộc. Đồng thời, đề nghị Trung ương sớm xem xét công nhận Đền thờ Lý Nam Đế tại xã Vạn Xuân là di tích lịch sử cấp quốc gia; tiếp tục mở rộng quy hoạch, đầu tư di tích Đền thờ Lý Nam Đế trở thành điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, xứng tầm với công lao của vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam, vị Anh hùng dân tộc thời Tiền Lý và các tướng sĩ của Ngài.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần thống nhất ngày giỗ của Lý Nam Đế. Như hiện nay, tại Hoài Đức, ngày giỗ là 2/5 (âm lịch), ở Tam Nông là ngày 20/3 (âm lịch), có nơi giỗ vào ngày 10/3 (âm lịch). Vì vậy, việc thống nhất ngày giỗ Lý Nam Đế sẽ giúp cho cấp ủy, chính quyền và người dân có căn cứ để tổ chức Lễ giỗ cho Ngài hằng năm...

Theo sử sách, vua Lý Nam Đế (có tên gọi khác là Lý Bôn, Lý Bí) sinh ngày 12/9 năm Quý Mùi (tức ngày 17/10 năm 503) tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người thông minh, sớm hiểu biết.

Lớn lên, ông được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư hà khắc, tàn bạo nên ông bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác mà bỏ quan về quê chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ.

Căm thù giặc Lương tàn bạo, ông đã triệu tập nhân dân cùng các hào kiệt nổi dậy chống lại quân Lương từ năm 541 đến cuối năm 542. Sau khi đánh đuổi quân xâm lược, tháng giêng năm 544, ông tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đóng đô ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội), dựng quốc hiệu là Vạn Xuân.

Tháng 6 năm Ất Sửu (545), nhà Lương cất quân sang đánh Giao Châu. Vua Lý Nam Đế đem quân kháng cự nhưng bị thua và lui về giữ động Khuất Lão (thuộc khu 10 xã Vạn Xuân ngày nay) và giao binh quyền cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục cầm quân chống giặc.

Tại đây, vua Lý Nam Đế mất vào ngày 20/3 năm Mậu Thìn - 548. Sau khi nhà vua băng hà, các tướng sĩ cùng nhân dân mai táng và lập đền thờ tại gò Cổ Bồng, động Khuất Lão.

Hằng năm vào ngày kỵ của Lý Nam Đế, người dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Ngài và các tướng sĩ với tấm lòng tôn kính và biết ơn.