Người Bashkir, hay còn gọi là Bashkorts, thuộc nhóm các dân tộc Turk, là cư dân bản địa của vùng Bashkiria với dân số tập trung ở đây khoảng 1,6 triệu người.
Ngoài ra, họ còn cư ngụ rải rác ở một số vùng Chelyabinsk, Orenburg, Perm, Tyumen, Sverdlovsk của Nga và ở một số quốc gia như Ukraine, Hungary, Kazakhstan...
Người Bashkirs theo Hồi giáo dòng Sunni. Truyền thống, lối sống và phong tục của họ mang nhiều nét đặc trưng khác biệt so với các dân tộc khác trong nhóm Turk.
Văn hóa du mục
Đến cuối thế kỷ 19, người Bashkir sống theo lối bán du mục. Họ đi du mục vào mùa hè và ở trong các túp lều tròn phủ da hoặc nỉ trên các thảo nguyên.
Nhưng theo thời gian họ dần dần chuyển sang lối định canh định cư, sống trong những ngôi nhà gỗ hoặc nhà xây bằng gạch nung, rồi sau đó là nhà hiện đại.
Người Bashkir rất hiếu khách. (Ảnh: Stylishbag.ru) |
Người Bashkir theo chế độ phụ hệ, trong gia đình có sự khác biệt rõ ràng về phận sự của nam giới và nữ giới. Người lớn tuổi được đặc biệt tôn trọng, giữ vai trò chủ trì các ngày lễ, hóa giải xung đột và bảo vệ các phép tắc gia phong.
Người Bashkir rất hiếu khách. Những vị khách luôn được chào đón bằng một bàn tiệc thịnh soạn và nhận được quà tặng khi ra về. Trong gia đình, mỗi đứa trẻ mới ra đời đều được tổ chức lễ đặt tên hết sức linh đình.
Vũ điệu Mặt trời của dân tộc Buryat ở xứ sở Bạch Dương
Khi người cha qua đời, nhà cửa và tài sản đều được chuyển cho người con trai út, trong khi những người anh, người chị trong gia đình sẽ chỉ được chia tài sản khi cha họ còn sống và khi họ lập gia đình.
Mũ đội đầu của phụ nữ Bashkir được trang trí rất tỉ mỉ. (Ảnh: Stylishbag.ru) |
Những người Bashkir giàu có được phép đa thê, bởi đạo Hồi cho phép họ cùng lúc được có tới 4 người vợ. Trước đây, người Bashkir cho con cái kết hôn khá sớm, khi cô dâu mới 13-14 tuổi, còn chú rể mới 15-16 tuổi.
Đâu đó vẫn còn tục lệ đính ước cho những đứa trẻ từ khi còn trong nôi. Theo đó, đám cưới coi như đã được tiến hành khi cha mẹ hai bên cùng uống sữa ngựa lên men “kumis” hoặc mật ong pha loãng từ một chiếc bát sứ “piala”.
Cô dâu được trao một khoản sính lễ gọi là “kalym”, có thể là 2-3 con ngựa, bò, vài bộ trang phục, đôi giày, khăn quàng cổ hoặc áo choàng sơn, mẹ cô dâu được tặng một chiếc áo khoác lông cáo.
Truyền thống đa màu sắc
Các lễ hội chính của người Bashkir được tổ chức vào mùa xuân và mùa hè. Mùa xuân, người dân khắp vùng Bashkortostan linh đình tham gia lễ hội Kargatuy, khi những con quạ đen linh thiêng bay tới, đánh thức đất trời khỏi giấc ngủ đông kéo dài.
Đây là dịp để người Bashkir cầu mong các thế lực tự nhiên mang lại cho họ sự sung túc và mùa màng bội thu. Trước đây, chỉ có phụ nữ và trẻ em được tham gia lễ hội, nhưng ngày nay, đàn ông đã có thể cùng gia đình nhảy múa, sau đó ăn cháo lễ và để những phần thừa trên những tảng đá dành riêng cho những chú quạ đen.
Trẻ em Bashkir tham gia lễ hội bắn cung truyền thống. (Ảnh: Stylishbag.ru) |
Khi công việc đồng áng mùa xuân kết thúc cũng là lúc Ngày lễ Sabantuy bắt đầu. Tất cả cư dân trong làng cùng tập trung ở một khu đất trống và tham gia các cuộc thi như đấu võ, thi chạy, đua ngựa và kéo co.
Sau khi trao thưởng cho những người chiến thắng, một bàn ăn chung được bày ra với nhiều món ăn, phổ biến nhất là món “beshbarmak” truyền thống (thịt luộc xắt nhỏ ăn kèm với mì sợi).
Gốm sứ Gzhel - Viên ngọc sáng mãi của nền văn hóa Nga
Trước đây, nghi thức này được thực hiện để cầu xin các vị thần linh làm cho đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu và theo thời gian, nó trở thành một ngày lễ chung của mùa xuân. Ngày nay, cư dân của vùng Samara tổ chức Kargatuy và Sabantuy hằng năm, qua đó làm sống lại truyền thống của những ngày lễ độc đáo này.
Người Bashkir có rất nhiều lễ hội truyền thống. (Ảnh: Stylishbag.ru) |
Ngoài ra, các ngày lễ Hồi giáo truyền thống của đạo Hồi cũng được duy trì, từ lễ Uraza Bairam (kết thúc nhịn ăn) đến lễ Eid al-Adha (kết thúc lễ hành hương Hajj với nghi lễ bắt buộc là hiến tế một con cừu đực, lạc đà hoặc bò), hay lễ Maulid Bayram (tôn vinh Nhà tiên tri Muhammad).
Truyền thống của người Bashkir không chỉ là một phần lịch sử của riêng dân tộc này, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại của nước Nga.
Tất cả đều hướng tới việc gìn giữ các giá trị gia đình, chỉ ra cách mỗi người cần ứng xử khi chung sống với nhau, và quan trọng hơn cả là duy trì mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa con người và thế giới tự nhiên.