Tập quán ăn uống của người Kozak

Người Kozak ở vùng Stavropol, tây nam nước Nga, là cộng đồng dân tộc cực kỳ hiếu khách. Không phải ngẫu nhiên mà câu phương ngôn “Mỗi vị khách đều là người do Chúa trời phái đến” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong mỗi gia đình Kozak. 

Phụ nữ Kozak đón khách vào nhà với món bánh mì truyền thống. Ảnh: ETOKAVKAZ.RU
Phụ nữ Kozak đón khách vào nhà với món bánh mì truyền thống. Ảnh: ETOKAVKAZ.RU

Theo trang mạng Etokavkaz.ru (Nga), đối với người Kozak, những vị khách đường xa đến chơi nhà luôn được chủ nhà đón tiếp nồng nhiệt, được mời ngồi ở những vị trí trang trọng nhất trong bàn tiệc, bất kể trong nhà còn có người lớn tuổi hơn. Tuy nhiên, trước đây có một quy tắc mà mỗi vị khách cần lưu ý, đó là trong bàn tiệc bao giờ cũng có một vị trí mà khách dù quý đến đâu đi nữa cũng không được phép ngồi. Vị trí đó được dành cho “Ataman”, tức là nhà lãnh đạo, thủ lĩnh của người Kozak. Vào thời Đế quốc Nga, đây là danh hiệu chính thức của các chỉ huy quân sự tối cao quân đội Kozak. Ngay cả khi “Ataman” không có mặt, chỗ ngồi đó vẫn là bất khả xâm phạm.

Người Kozak vốn có lòng tự trọng rất cao, họ luôn coi trọng danh dự của bản thân, không muốn bị người khác xúc phạm hay bôi nhọ. Trước đây, đàn ông và phụ nữ Kozak không được ngồi cạnh nhau mà phải ngồi đối diện qua bàn ăn. Quy định này để tránh những người đàn ông uống quá chén có những hành vi không chuẩn mực. Ngày nay, tục lệ này đã thay đổi, khách đến nhà sẽ được ngồi tùy ý, điều quan trọng để khách được hài lòng. Theo thông lệ, chủ nhà mời rượu, nhưng họ không ép khách phải uống. Và để không xảy ra những tình huống quá chén và làm hỏng ngày lễ, họ không đặt sẵn những chai rượu trên bàn. Phụ nữ sẽ rót rượu phục vụ khách, khi thấy ai đó đã uống nhiều, họ sẽ không tiếp thêm rượu nữa. 

Trong mỗi bữa tiệc sẽ có bốn ly rượu bắt buộc phải chúc. Ly đầu tiên dành cho quân đội Kozak với những chiến công to lớn đối với Tổ quốc. Ly thứ hai dành cho thủ lĩnh “Ataman”. Ly thứ ba để tưởng nhớ những người đã khuất. Ly thứ tư để chúc sức khỏe cho tất cả những ai có mặt trong bữa tiệc. Sau đó, họ mới uống mừng các sự kiện và chúc rượu lẫn nhau.

Ngoài ly “Na pososhok” (Lên đường may mắn) phổ biến ở Nga, người Kozak còn có muôn vàn lý do khác để nâng ly và giúp khách có cơ hội nán lại bàn tiệc. Ly “Vòng quanh” phải uống với từng người một trong bàn. Ly “Đứng dậy” để uống khi muốn rời khỏi bàn. Ly “Áo choàng” uống khi mặc áo choàng và đội mũ. Ly “Hiên nhà” uống lúc bước ra ngoài sân. Còn có cả ly “Chạm với mõm ngựa” khi người đàn ông Kozak đã cưỡi ngựa ra đến tận ngoài cánh đồng, họ chạm ly vào mõm chú ngựa rồi uống cạn. Nguồn gốc của ly “Lên đường may mắn” của người Kozak khá thú vị. Chủ nhà đưa cho khách một cây gậy ba-toong (posok) rồi đặt một ly rượu lên trên. Người khách phải uống cạn ly rượu sao cho không bị đổ ra ngoài. Thông thường, khách sẽ dùng răng ngậm lấy chiếc ly rồi cho vào miệng uống. Nếu bị đổ, anh ta sẽ phải qua đêm ở nhà gia chủ, bởi chủ nhà không muốn để khách của mình ra về trong tình trạng không còn tỉnh táo. 

Trong bữa ăn hằng ngày, người cha là người đầu tiên trong nhà được bắt đầu ăn. Những nhà không có điều kiện thường đặt một chiếc bát lớn bằng gỗ ở giữa bàn, sau đó các thành viên trong gia đình lần lượt múc súp hoặc cháo bằng thìa. Sau nghi thức cầu nguyện, người cha nếm thử món ăn trước, sau đó đến người mẹ và cuối cùng các con mới được phép ăn. 

Phần lớn những người từng tiếp xúc với các gia đình người Kozak đều có chung nhận xét rằng, đàn ông hiếm khi thể hiện tình cảm với phụ nữ và trẻ em. Họ hiếm khi ôm con vào lòng hay nắm tay vợ khi đi dạo ngoài phố. Lối cư xử kỳ lạ này bắt nguồn từ những đặc điểm lịch sử của dân tộc Kozak ở Nga. Những cuộc chiến tranh kéo dài đã khiến những ngôi làng Kozak chỉ còn lại những góa phụ và trẻ mồ côi. Để họ không chạnh lòng hay ghen tị với những người khác, đàn ông Kozak thường không công khai thể hiện tình yêu của họ dành cho gia đình.

Tập quán ăn uống của người Kozak chứa đựng những câu chuyện đặc sắc về nguồn gốc và ý nghĩa của những quy định đã hình thành từ lâu đời, giúp chúng ta hiểu hơn về những nét văn hóa, lịch sử đầy tính nhân văn của dân tộc này.