Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ đứng thứ 3 các tỉnh vùng trung du miền núi phía bắc

Tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho biết, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực, 15/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc được hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc được hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,45% (cùng kỳ năm 2022 là 7,97%), nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng cao trong cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc; GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng (tăng 4,3 triệu đồng), đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng.

Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện; chỉ số PCI và chỉ số PAR Index được duy trì trong tốp đầu của vùng (trong đó, chỉ số PAPI, SIPAS nằm trong tốp 10 cả nước, đứng thứ 2 trong vùng; chỉ số PCI, PAR INDEX nằm trong nhóm 20 địa phương cả nước, nhóm 5 tỉnh trong vùng).

Giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm vượt tiến độ, về đích trước thời hạn. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đạt kết quả tích cực; đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các quy hoạch vùng huyện Tam Nông, Thanh Ba.

Kết cấu hạ tầng trọng điểm tiếp tục được quan tâm đầu tư, 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ, trong đó có 7/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành; dần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ liên vùng, kết nối các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.

Việc đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp được triển khai nhanh; hoàn thành giải phóng mặt bằng 78ha đất khu công nghiệp, trong đó, hoàn thành 50ha khu công nghiệp Phú Hà (giai đoạn 1), 28ha khu công nghiệp Cẩm Khê; hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp Vạn Xuân, Bắc Lâm Thao, thị trấn Sông Thao… với tổng diện tích 265ha. Từ đầu năm đến nay có 920 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 19,2 nghìn tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ đứng thứ 3 các tỉnh vùng trung du miền núi phía bắc ảnh 1

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty trách nhiệm hữu hạn JNTC tại khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm phát triển bền vững; hết năm 2023, toàn tỉnh có thêm hai huyện cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả quan trọng, đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên (tăng thêm 110 sản phẩm, một sản phẩm đạt 5 sao, vượt mục tiêu kế hoạch đến năm 2025)...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, nhất là công nghiệp sản xuất truyền thống đã tác động đến đời sống, việc làm, thu ngân sách của địa phương.

Tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm còn chậm, trong đó có 9/18 dự án trọng điểm, 8/15 dự án thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cho ý kiến còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm… đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, tỉnh Phú Thọ xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 7,5% trở lên; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt từ 67 triệu đồng trở lên; tổng vốn đầu tư đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng trở lên; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt từ 6.872 tỷ đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,6% trở lên; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 94% trở lên…