Đột phá về cải cách hành chính ở Phú Thọ

Thực hiện công tác đột phá về cải cách hành chính theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ 18 và 19, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao tỷ lệ hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân tại bộ phận một cửa huyện Thanh Thủy.
Giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân tại bộ phận một cửa huyện Thanh Thủy.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tăng cường công tác cải cách hành chính. Những nội dung quan trọng được huyện Thanh Thủy tập trung ưu tiên đó là: cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện; sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bộ máy các phòng, ban, đơn vị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số... Trong quá trình triển khai, huyện luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận “một cửa” các cấp trên địa bàn.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Thanh Thủy Phan Mạnh Hùng, cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đã giúp các thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực ở huyện được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Được thành lập năm 2018, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ đã góp phần giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, giúp giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ và từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong 5 năm qua, số lượng thủ tục hành chính được thực hiện giải quyết tại Trung tâm là 1.405 thủ tục, chiếm 97,4% số thủ tục hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của 16 sở, ngành; trong đó thủ tục hành chính trực tuyến là 1.228 thủ tục, chiếm 87,4%...

Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ Nguyễn Xuân Long chia sẻ: Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm tiếp nhận và giải quyết hơn 1,6 triệu hồ sơ với tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn chiếm hơn 99%; tỷ lệ khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân và tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm luôn đạt 100% rất hài lòng và hài lòng, chưa phát sinh phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà của đội ngũ công chức, viên chức; chưa có khiếu nại về chất lượng, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm.

Trong nội dung Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ 19 tiếp tục xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện khâu đột phá duy nhất về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Do vậy, những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện trên tinh thần bám sát yêu cầu của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao chỉ tiêu, kế hoạch cho từng sở, ngành, địa phương chủ động thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm phát hiện thủ tục, quy định không cần thiết, không hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc rút ngắn thời gian thực hiện,...

Kết quả thống kê sơ bộ, từ năm 2021 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 71 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh trong các lĩnh vực tư pháp, thông tin truyền thông, nông nghiệp và nông thôn, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương, ngoại vụ, khoa học và công nghệ, văn hóa-thể thao và du lịch. Tỉnh đã công bố mới và thay thế 1.220 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 581 thủ tục hành chính; bãi bỏ 108 thủ tục hành chính không còn phù hợp thực tiễn tại địa phương,... Những kết quả nêu trên đã góp phần vào kết quả chung của tỉnh trong việc duy trì và nâng cao bộ chỉ số hằng năm. Kết quả xếp hạng bốn chỉ số: PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI các năm 2020, 2021 và 2022 luôn duy trì ở mức khá so với 63 tỉnh, thành phố.

Việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện công khai, minh bạch thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử, hệ thống thông tin báo cáo, công tác kiểm tra và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Nhờ mạnh dạn cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đã tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đây còn được coi đây là thước đo hiệu quả giải quyết công việc hành chính của địa phương ■