Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy tiềm lực to lớn của toàn dân trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ ra mắt mô hình “Dòng họ Vàng tự quản về an ninh trật tự gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Lễ ra mắt mô hình “Dòng họ Vàng tự quản về an ninh trật tự gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Đánh giá về chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nòng cốt là lực lượng công an và Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát huy hiệu quả, thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo nhân dân.

Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xây dựng, củng cố và nhân rộng phù hợp đặc điểm của từng đơn vị, địa phương, vùng, miền; nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua đó, sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đã được phát huy trong công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng sự hạn chế nhận thức của đồng bào, nhiều đối tượng cầm đầu, núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền, tập hợp quần chúng, lôi kéo họ, như “Nhà nước Mông” của Dương Văn Mình (Tuyên Quang); các loại đạo lạ xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai như “Bà Cô Dợ”; “Âm thanh và ánh sáng”; “Con đường đổi mới”; Hội Thánh Ðức Chúa trời Mẹ ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam...

Trước tình hình nêu trên, nhất là khi triển khai Chương trình phối hợp số 09, Công an các tỉnh đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân và quần chúng có đạo được Nhà nước công nhận chấp hành tốt mọi chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh thành lập các tổ công tác, mở các cuộc vận động tuyên truyền, phản bác các luận điệu sai trái của đối tượng xấu.

Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không tin, nghe theo đạo lạ... Nhờ đó, người dân nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo luận điệu xấu của các đối tượng.

Tuyên Quang là một trong những địa phương bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Ngay từ khi thành lập, Dương Văn Mình đã khuếch trương tên, tuổi, âm mưu lợi dụng ly khai, tự trị thành lập “Nhà nước Mông” do Mình làm thủ lĩnh. Thôn Ngòi Sen được coi là “chiếc nôi” hình thành tổ chức tà đạo bất hợp pháp này. Thời gian qua, với nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có hiệu quả của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã góp phần vận động quần chúng nhân dân không tin, không nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, tự nguyện tháo dỡ “nhà đòn” và “phông trắng”, dần xóa bỏ được tổ chức tà đạo này. Ðồng bào Mông đã hiểu rằng chỉ có lao động, tích cực làm kinh tế thì mới có được cuộc sống yên vui trên chính mảnh đất quê hương mình, thôn, bản mình, ngôi nhà của mình.

Ðại tá Ðỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo 138 tỉnh

Chương trình phối hợp số 09 đã thành công khi đã đem lại lòng tin, sự tin tưởng của người dân đối với lực lượng công an, sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, đoàn thể. Số tin báo phát hiện, tố giác của người dân về các hoạt động của nhóm người có biểu hiện hoạt động trái pháp luật cũng như các loại tội phạm xuất hiện trên địa bàn với cơ quan chức năng ngày càng tăng.

Tại Vĩnh Phúc, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lan tỏa với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” và gắn với nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Kết quả, trong 10 năm, quần chúng nhân dân cung cấp gần 26.000 nguồn tin tố giác tội phạm, trong đó hơn 14.600 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra, bắt giữ tội phạm.

Nhiều mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của các tỉnh đã được Bộ Công an tổng kết, nhân rộng trên toàn quốc như: mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật gắn với hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Công an tỉnh phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên rà soát, nắm cụ thể số hộ nghèo, hộ cận nghèo để có các hoạt động hỗ trợ. Tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ tháng 7 đến ngày 19/8 hằng năm tại nhiều địa điểm.

Trong ngày hội, nhân viên y tế tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, thay thủy tinh thể miễn phí cho hơn 4.500 người dân, các cơ quan xây tặng nhà tình nghĩa, phòng học, nhà văn hóa thôn, và hàng nghìn suất quà tặng gia đình chính sách, hộ nghèo, các cháu vượt khó. Mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự tại khu vực biên giới” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến nay đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp xây dựng 435 mô hình về an ninh, trật tự; duy trì hiệu quả 73 mô hình tổ quần chúng tự quản về an ninh, trật tự tại 1.779 điểm với sự tham gia của hàng chục nghìn người…

Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cần đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phối hợp trong xây dựng và triển khai phong trào; có phương án xử lý hiệu quả, dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự ngay từ cơ sở; thay đổi tư duy, có giải pháp mới để thông tin về phong trào lan tỏa sâu rộng đến được tất cả người dân...