Tỏa sáng nhờ sức sáng tạo và tình yêu nghề

Thời gian qua, nhiều nhà giáo Hà Nội liên tục đổi mới, sáng tạo trong phương pháp quản lý, dạy học, đóng góp công sức đem lại diện mạo mới cho những ngôi trường, mang những tiếng cười hạnh phúc cho các học trò mỗi khi đến trường.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Lê Thị Na Sa (Trường tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình) có nhiều sáng tạo trong phương pháp giáo dục để thu hút học sinh tiểu học.
Cô Lê Thị Na Sa (Trường tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình) có nhiều sáng tạo trong phương pháp giáo dục để thu hút học sinh tiểu học.

Nhà giáo Cao Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) để lại ấn tượng với các thành viên Hội đồng xét duyệt và đồng nghiệp với câu chuyện vận động học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường chính để các em học sinh được thụ hưởng điều kiện học tập tốt hơn.

Người “thổi hồn” cho ngôi trường khó khăn

Với 30 năm gắn bó với nghề giáo, năm 2018, cô Mai được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường tiểu học Đường Lâm. Thời điểm đó, trường vẫn còn một điểm trường lẻ với hai lớp học sơ sài, điều kiện dạy và học kém hơn điểm trường chính. Với mong muốn học sinh và giáo viên ở điểm trường lẻ không bị thiệt thòi so với thầy, trò ở điểm trường chính, cô hiệu trưởng đã quyết tâm thuyết phục cha mẹ đưa học sinh về điểm trường chính để các con có môi trường giáo dục tốt hơn.

Trước khi thực hiện kế hoạch này, cô đã tiến hành cải tạo cơ sở vật chất điểm trường chính, để khi đón học sinh về các con sẽ hứng thú môi trường tại đây. Cô Mai cùng tập thể các giáo viên của trường đã cải tạo điểm trường chính thành môi trường sư phạm có không gian xanh, sáng, đẹp, an toàn. Kinh phí ngân sách hạn hẹp, việc huy động nguồn lực xã hội hóa khó khăn, cho nên cô Mai đã kết nối với sinh viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội và Trường đại học Công nghiệp Seoul, Hàn Quốc. Các nhóm sinh viên đến giao lưu, vẽ tặng nhà trường những bức tranh tường...

Cùng với đó, cô Mai phát động cuộc thi trang trí lớp học. Được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên và cha mẹ học sinh, các lớp học được trang trí đẹp mắt. Cô còn tạo các thư viện mở và thiết kế góc sân chơi vận động cho học sinh, là những điểm đến yêu thích của các con mỗi giờ ra chơi và sinh hoạt tập thể.

“Khi giáo viên của trường thi giáo viên dạy giỏi, tôi đã trao đổi với cha mẹ học sinh ở điểm trường lẻ đưa con đến điểm trường chính học tạm hai tuần để hỗ trợ các cô. Hết hai tuần, tôi lại thuyết phục để các em học ở đây thêm bốn tuần nữa… Dần dần sau hai tháng học tại điểm trường chính, học sinh yêu thích địa điểm mới, cha mẹ cũng quen với cung đường đưa đón con. Kết quả, sau khi đã trải nghiệm thực tế về môi trường học tập tốt hơn hẳn ở điểm trường lẻ, tất cả cha mẹ đã đồng ý để con học ở điểm trường chính.

Truyền lửa cho đồng nghiệp, cha mẹ và học sinh

Cô giáo Lê Thị Na Sa, giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Dũng (quận Ba Đình) mới đây đã vinh dự đại diện cho giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình tham gia báo cáo tại Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ VII năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức. Điều mà những người có mặt tại buổi báo cáo của cô Lê Thị Na Sa cảm nhận được đó là năng lượng tích cực của một giáo viên trẻ, có tư duy dạy học hiện đại và tình yêu với các em học trò.

Điều này đã được cha mẹ học sinh học ở lớp cô Na Sa ghi nhận khi thấy các con về nhà kể chuyện học ở lớp rất vui. Cô lập sổ theo dõi học sinh hằng ngày. Những tiến bộ dù nhỏ nhất cũng được cô động viên, khích lệ và cuối tháng trẻ được nhận quà trong “Siêu thị A5”. Trên bàn cô, có một chiếc hộp có tên “Chiếc hộp thần kỳ” và một lọ kẹo nhiều mầu sắc. Mỗi khi học sinh có điều gì buồn, lo lắng mà không muốn chia sẻ với ai, các em có thể viết điều đó ra giấy thả vào hộp và lấy một chiếc kẹo ở hộp bên cạnh ăn. Nhờ chiếc hộp “thần kỳ” đó mà cô giáo nắm bắt được tâm lý học sinh và kết hợp cùng cha mẹ giải tỏa những vướng mắc cho các con.

Cô giáo Trương Thị Hiền Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Dũng cho biết, cô giáo Lê Thị Na Sa luôn thay đổi các hình thức và phương pháp dạy học để thu hút học sinh tham gia, tránh cảm giác tiết học nhàm chán. Đặc biệt, cô Na Sa áp dụng tốt phương pháp dạy học “Học thông qua chơi” nhằm phát huy hết những năng lực và phẩm chất của học trò. Thông qua các trò chơi, học sinh chủ động tìm hiểu và nắm bắt kiến thức một cách chủ động dưới sự hướng dẫn của cô. Ở mỗi tiết học, sự tương tác giữa cô và trò diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái. Chính vì vậy, học sinh luôn cảm thấy việc học tập rất nhẹ nhàng, là niềm vui khi mỗi ngày đến trường.