Tọa đàm, trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì

NDO - Sáng 26/9, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân; Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), đồng chủ trì tọa đàm.

Dự tọa đàm có một số đại biểu Quốc hội, luật sư, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, các đồng chí của Tổ soạn thảo các dự án luật cùng lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí.

Tọa đàm, trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì ảnh 1

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân phát biểu khai mạc tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân cho biết: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến thông qua: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật Căn cước và xem xét, cho ý kiến: Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Bên cạnh đó, việc đấu giá biển số xe ô-tô, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn thu ngân sách cho nhà nước cũng được dư luận rất quan tâm.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong đề nghị tọa đàm sẽ tập trung trao đổi, làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách, nhất là những điểm mới, sửa đổi trong các dự án luật và những thủ tục liên quan việc đấu giá biển số xe ô-tô.

Sau buổi tọa đàm, Cục Truyền thông Công an nhân dân có kế hoạch tổ chức cho phóng viên thâm nhập thực tế tại các địa bàn cơ sở nhằm phản ánh chân thực, khách quan, sinh động thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng Công an để làm nổi bật tính cần thiết khi ban hành các dự án luật, tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Tọa đàm, trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì ảnh 2

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, giới thiệu nội dung một số dự án luật quan trọng.

Tại tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, đã giới thiệu về sự cần thiết phải ban hành các bộ luật; cung cấp, chia sẻ một số nội dung chính trong các dự thảo luật; giải đáp những vấn đề dư luận quan tâm liên quan các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV, tại kỳ họp thứ sáu, đang được đông đảo dư luận quan tâm, như: Luật Căn cước; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Tại tọa đàm, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan các dự thảo luật và được đại diện Bộ Công an, đại biểu Quốc hội thẳng thắn trả lời, trao đổi cởi mở.

Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các thông tin liên quan việc tổ chức đấu giá biển số xe ô-tô, vấn đề hiện đang được nhiều người dân quan tâm, cũng được đề cập và thảo luận.

Giải đáp những câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề liên quan đấu giá biển số xe ô-tô, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Bộ Công an) cho biết, đến nay đã tiến hành thành công bốn buổi đấu giá. Đã có 95 biển số ô-tô đấu giá thành công với tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 133 tỷ đồng. Đây là số tiền dự thu. Hiện đã có 7 cá nhân nộp tiền trúng đấu giá, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết, theo quy định của Nghị định 39/2023/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết đấu giá biển số xe ô-tô từ ngày 1/7/2023 và quy chế đấu giá, người trúng đấu giá có tối đa 15 ngày để hoàn thành việc nộp tiền, làm thủ tục nhận biển trúng đấu giá. Cũng theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô và Nghị định 39/2023/NĐ-CP không có quy định cấm người trúng đấu giá bỏ cọc.

Trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, biển số sẽ được đưa về kho, tiếp tục được đưa ra đấu giá lại. Tuy nhiên, người trúng đấu giá mà không nộp tiền nhận biển số sẽ mất 40 triệu đồng tiền đặt cọc.