Chiều 18/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội và quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, còn có hai loại ý kiến khác nhau về tên gọi của dự thảo Luật.
Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với phương án đổi tên luật thành Luật Căn cước để phù hợp với việc bổ sung đối tượng áp dụng của luật là người gốc Việt Nam. Theo đó, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận.
Trong số này có những người có trình độ cao muốn cống hiến cho đất nước nhưng vướng về giấy tờ tùy thân, số còn lại phần lớn là những người yếu thế, dễ bị tổn thương; qua nhiều thế hệ không được cấp giấy tờ tùy thân và gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền cơ bản của con người.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Thực tiễn hiện nay, các cơ quan quản lý không có giấy tờ, dữ liệu quản lý đối tượng này nên gặp khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự và dễ bị một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền.
Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng người gốc Việt Nam và quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, tên gọi căn cước công dân không phù hợp với những người đang chấp hành hình phạt tù, bởi họ đã bị tước một số quyền công dân trong thời gian chấp hành án và bị hạn chế một số quyền trong giao dịch hành chính, dân sự… Do đó, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là cần thiết và phù hợp với việc bổ sung đối tượng áp dụng của luật.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định việc quản lý và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam như Chính phủ trình là cần thiết, tuy nhiên đối tượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng hơn 31 nghìn người), không phải là đối tượng áp dụng chủ yếu trong Luật.
Việc sử dụng tên gọi căn cước công dân vẫn phù hợp đối với người đang chấp hành hình phạt tù vì họ vẫn là công dân và chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, nên việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là chưa phù hợp.
Ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ hiện vẫn còn 2 ý kiến khác nhau về tên của dự án Luật; đề nghị trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan cần làm rõ những ưu, nhược điểm của từng phương án (thay đổi tên luật và không thay đổi tên luật) để bảo đảm khách quan.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dù chọn phương án nào cũng nên có một loại giấy tờ để cấp cho người gốc Việt Nam. Đồng thời, trong dự án luật cũng nên làm rõ thế nào là người gốc Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với việc bổ sung người gốc Việt Nam vào đối tượng áp dụng của luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, nhất là bảo vệ các quyền liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính, bảo vệ tài sản.
Bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đây là vấn đề có tính chất lịch sử, tồn tại đã lâu do nhiều nguyên nhân, trong đó có chiến tranh, di cư. Người gốc Việt Nam cũng là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận.
Phần đông những người này là những đối tượng đặc thù, yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, cần được quan tâm, bảo vệ. Do vậy, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là cần thiết, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Về tên dự án Luật là Luật Căn cước công dân hay Luật Căn cước, bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh điều quan trọng là cần thiết kế các quy định đối với nhóm người gốc Việt Nam trong dự án Luật này như thế nào để đáp ứng được các mục tiêu kỳ vọng và hài hòa với tên gọi của Luật.
Về thu thập, khai thác và sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đồng tình khi dự thảo Luật có sự phân loại những thông tin bắt buộc thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, những thông tin thu thập khai thác tối đa khi công dân tự nguyện cung cấp để tránh việc thu thập quá nhiều thông tin chưa sử dụng tới, gây lãng phí. Thậm chí, nếu quản lý chưa tốt còn có thể lộ lọt thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị cũng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ các thông tin cần thu thập để vừa bảo đảm quyền riêng tư của công dân, người gốc Việt Nam, vừa giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân, thực hiện hiệu quả việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu để có những quy định chặt chẽ về việc chia sẻ, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.
Do đây là dự án Luật thu hút nhiều quan tâm của đại biểu Quốc hội và người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị từ nay đến Kỳ họp thứ 6, Chính phủ quan tâm công tác truyền thông, giới thiệu để xã hội, người dân thấu hiểu các quy định mới của dự án Luật, cũng như mục đích, ý nghĩa của các quy định đang còn nhiều ý kiến khác nhau, để tạo sự đồng thuận cao khi luật ban hành và có hiệu lực thi hành.