Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân

NDO - Sáng 8/11, Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023).
Toàn cảnh Tọa đàm khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân.
Toàn cảnh Tọa đàm khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân.

Hội thảo trân trọng nhận được sự quan tâm, tham dự của các đồng chí: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Các đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cùng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 1

Đồng chí Lê Quốc Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ và đồng chí Phan Xuân Thủy chủ trì Hội thảo.

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo có nhiều nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tên tuổi, hoặc có thời gian gắn bó với nhạc sĩ Văn Cao, như Giáo sư Phong Lê, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng..., cùng nhiều nhà nghiên cứu thế hệ sau như Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý...

Tham gia chương trình còn có đại diện gia đình, thân hữu của nhạc sĩ Văn Cao, phóng viên các cơ quan báo chí.

Hội thảo gồm 20 tham luận và các ý kiến của các diễn giả về những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao; lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy,

Các ý kiến cũng nhằm làm rõ, phân tích, đánh giá những đặc điểm và những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, phong cách trong các sáng tác của Văn Cao qua các giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của ông về âm nhạc, hội họa, thơ ca; để thấy rõ hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là kết tinh của nỗ lực miệt mài học hỏi, sáng tạo, đổi mới, dấn thân của Văn Cao cho nghệ thuật, cho văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 2

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng phân tích, lý giải sâu hơn về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị và những di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đất nước, và làm thế nào để phát huy giá trị của những di sản đó.

Các diễn giả chia sẻ những ý kiến về di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao trong cả ba lĩnh vực âm nhạc, thơ ca và hội họa.

Buổi hội thảo cũng là dịp để các diễn giả trò chuyện, cũng như chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm hay những cảm nhận về nhạc sĩ…

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 3

Triển lãm bên lề Hội thảo trưng bày 100 bức tranh minh họa và 100 bìa sách của Văn Cao.

Ngay trước thềm Hội thảo, đại biểu chiêm ngưỡng bộ sưu tập 100 bức tranh minh họa và 100 bìa sách do ông vẽ.

Trước đó, chiều 6/11 cũng tại Báo Nhân Dân đã diễn ra một talkshow mini giữa các diễn giả là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Thành Chương và nhà thơ Hữu Việt, về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác và những thăng trầm trong hành trình nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 4
Bài hát Tiến quân ca mở đầu cho Tọa đàm khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân.

Mở đầu chương trình Hội thảo, các đại biểu đã được thưởng thức những nhạc phẩm nổi tiếng tiêu biểu qua từng thời kỳ sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, trong đó có tác phẩm: Tiến quân ca, Suối Mơ, Mùa xuân đầu tiên... do các nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam và các phóng viên, biên tập viên của Báo Nhân Dân cùng biểu diễn.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 5

Khi ca khúc Tiến quân ca vang lên, các đại biểu xúc động đứng lên...

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 6

Tác phẩm Suối mơ được nữ ca sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 7

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trao tặng món quà đặc biệt kính tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao, Báo Nhân Dân đã trao tặng món quà đặc biệt kính tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao là bức tranh khắc đồng bản nhạc bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao. Bằng công nghệ, Ban Tổ chức đã phục chế lại thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao và đưa vào bức tranh bài hát do chính tay nhạc sĩ viết.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 8

Nhạc sĩ Văn Thao, họa sĩ Nghiêm Thành đại diện gia đình nhạc sĩ nhận bức tranh.

Tại buổi Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã trao tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao nhận bức tranh đồng khắc họa chân dung nhạc sĩ Văn Cao và bản nhạc bài hát “Mùa xuân đầu tiên”. Nhạc sĩ Văn Thao, họa sĩ Nghiêm Thành đại diện gia đình nhạc sĩ nhận bức tranh.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 9

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn.

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp là đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”. Hội thảo tiến hành vào thời điểm chỉ còn đúng một tuần nữa là tròn 100 năm Ngày sinh của người nghệ sĩ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam - Nhạc sĩ, Họa sĩ, Nhà thơ Văn Cao.

“Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin gửi lời chào trân trọng, lời biết ơn sâu sắc đến tất cả các vị khách quý, quý vị đại biểu, đại diện gia đình cố nghệ sĩ Văn Cao và những người yêu văn học, nghệ thuật, yêu quý và kính trọng Văn Cao.

Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ XX, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông trong số họ đều đồng thanh, đồng tâm nói rằng: Người nghệ sĩ đó là Văn Cao!

Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sĩ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 10

Trước năm 1945, trong lĩnh vực âm nhạc, năm 16 tuổi, Văn Cao viết “Buồn tàn thu”, rồi các ca khúc lãng mạn, trữ tình như “Bến xuân”, “Suối mơ”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Thu cô liêu”, “Cung đàn xưa”… Trong thơ, năm 17 tuổi, ông viết “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế”, rồi “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”..; ông viết thơ, viết văn đăng ở Tiểu thuyết thứ Bảy…

Về Hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý như “Cô gái dậy thì”, “Sám hối”, “Nửa đêm”, nhất là bức tranh “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử”… Những bản nhạc của Văn Cao như “Buồn Tàn Thu”, “Suối Mơ”, “Thiên Thai”, “Trương Chi”... được in ra đều do ông trình bày bìa và đi rất gần với trường phái lập thể.

Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, bằng bài hát lừng danh “Tiến quân ca” cuối năm đó, Văn Cao đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ.

Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, rồi các ca khúc, hành khúc như là sự tiên tri kỳ lạ: “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Chiến sĩ Việt Nam”, tiếp đó là “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”, đặc biệt là ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” và “Trường ca Sông Lô…

Ngoài ca khúc, sau này ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như “Sông Tuyến”, “Biển đêm”, “Hàng dừa xa”..; sáng tác nhạc phim cho phim truyện "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim tài liệu “Anh bộ đội cụ Hồ” của Xưởng phim Quân đội Nhân dân... Vì nhiều lý do, kể cả chiến tranh, những dời chuyển, dâu bể, rất nhiều sáng tác hội họa của Văn Cao đã không được giữ gìn, thưởng thức và được giới thiệu như các tác phẩm âm nhạc và thơ ca của ông. Chỉ có thể nêu một số tác phẩm như “Dân công miền núi”, “Chợ vùng cao”, “Lớn lên trong kháng chiến”, “Thái Hà ấp đêm mưa”…

Giai đoạn tiếp theo của Văn Cao, trong âm nhạc là tác phẩm nổi tiếng “Mùa xuân đầu tiên”…; trong hội họa là “Chân dung bà Băng”, “Cổng làng”, “Phố Nguyễn Du”, “Cây đàn đỏ”, “Cô gái và đàn dương cầm”… Ông vẽ hàng trăm bìa sách, hàng trăm bức minh họa, đồ họa Báo Văn nghệ. Trong thơ là “Ba biến khúc tuổi 65”, “Thời gian”, “Phố Phái”, “Những bó hoa”…Các bài thơ được tập hợp trong tập “Lá”, “Tuyển tập thơ Văn Cao”.

Chỉ cần lấy ngẫu nhiên các tác phẩm âm nhạc như “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Tiến quân ca”, “Sông Lô”, “Mùa xuân đầu tiên”… đã thấy đó là những bảo chứng cho dấu ấn khai phá, mở lối, vượt lên chính mình, đặt nền móng rất quan trọng cho sự phát triển của nền tân nhạc và thơ ca Việt Nam, từ lãng mạn đến cách mạng - kháng chiến cho đến thời khắc rất sớm của thời kỳ đổi mới; của ca khúc, hành khúc và trường ca của nhạc, của thơ.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 11

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sĩ đa tài, thích "lãng du" qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba "miền" ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau. Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Cụ thể và hiển nhiên nhất là thể loại tình ca, hùng ca, trường ca trong âm nhạc và trường ca trong thơ Việt Nam hiện đại.

Về hội họa, Tạ Tỵ - người gắn bó và đi đầu trong phong cách hội họa lập thể ở Việt Nam, đã khẳng định: Văn Cao là người rất sớm đưa trường phái lập thể vào hội họa Việt Nam. Và một số nhà nghiên cứu đã nói, không dừng lại ở đó, dường như ông còn thể hiện phong cách trừu tượng, siêu thực, ấn tượng trong các sáng tác của mình.

Trong lĩnh vực thi ca, dù viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông thể hiện sự coi trọng tính tư tưởng và chất suy tư trong ngôn ngữ và thi pháp nghệ thuật của người cầm bút. Văn Cao đã nhận ra tính tư tưởng là vấn đề cốt yếu nhất để thơ có thể trường tồn theo thời gian và thực hiện sứ mệnh thiêng liêng.

Văn Cao đã tạo cho riêng mình một thế giới thơ bằng trí tưởng tượng phong phú và sự sắp đặt ngôn từ một cách tài hoa, đánh thức mọi giác quan của bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Đó là nỗi đau đớn khi chứng kiến những bi kịch chất chồng của cõi nhân sinh, của những kiếp đời nô lệ trong các bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Ngoại ô mùa đông 1946, Linh cầm tiến, Ly khách...

Những sáng tác của Văn Cao, nhất là âm nhạc và thơ ca, tuy không dồi dào về số lượng nhưng tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ

Đó còn là sự nhạy cảm, sự trải đời của người nghệ sĩ chân chính khiến Văn Cao lựa chọn và chấp nhận dấn thân trên hành trình nghệ thuật, dám cất lên tiếng nói của lòng mình trước sự tha hóa, sự băng hoại đạo đức, phẩm giá của con người, cảnh báo sự xuất hiện nguy cơ đe dọa sự phát triển đất nước: “Đất nước đang lên da lên thịt/ Đất nước còn đang nhỏ máu ngày ngày/ Ta muốn gói cuộc đời gọn gàng như trái vải/ Đã thấy loài sâu nằm tròn trong cuống/ Chúng muốn các em nhỏ mới biết đi phải rụng/ Mòn mỏi dần sức vỡ đất khai hoang/ Làm rỗng những con người, lùi dần niềm hi vọng/ Héo dần mầm sáng tạo, mất phẩm giá con người/ Chúng nó ở bên ta, trong ta, lẻn lút/ Đào rỗng từng kho tiền gạo, thuốc men” (“Những người trên cửa biển”).

Cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ 20 nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhọc nhằn: “Có tuổi thanh niên/ Như cây mùa xuân mới mọc/ Bị tước dần vỏ non… Nhưng vượt lên tất cả, lối sống khiêm nhường, bình dị, nhẫn nhịn; tình yêu thương và trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông vượt lên nỗi đau, nỗi bất hạnh, luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.

Bằng tài năng như là thiên bẩm, bằng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà ở cả ba lĩnh vực - âm nhạc, thơ và hội hoạ. Ông được Nhà nước ta trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng...”

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ kính đề nghị các đại biểu chí tập trung cao cho mấy nhóm vấn đề sau:

“Thứ nhất, trao đổi, thảo luận, đánh giá về phẩm chất, bản lĩnh, tài năng, phong cách nghệ thuật của Văn Cao; lý giải mạch nguồn, các yếu tố làm nên phẩm chất, tài năng lớn lao ấy.

Thứ hai, phân tích, đánh giá những đặc điểm và những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, phong cách trong các sáng tác của Văn Cao qua các giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của ông về âm nhạc, hội họa, thơ ca; để thấy rõ hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là kết tinh của nỗ lực miệt mài học hỏi, sáng tạo, đổi mới, dấn thân của Văn Cao cho nghệ thuật, cho văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Thứ ba, bằng cái nhìn khoa học biện chứng, lịch sử và nhân văn, phân tích, lý giải sâu hơn về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến, những giá trị và những di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đất nước.

Thứ tư, chúng ta cần làm gì, làm như thế nào để phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ quý giá, lớn lao mà Văn Cao để lại ở cấp quốc gia cũng như ở Nam Định - cố hương của ông, ở Hải Phòng - nơi ông được sinh ra và lớn lên; ở Hà Nội - nơi ông hoạt động nghệ thuật dài lâu và các địa phương, các tổ chức văn hóa, văn nghệ khác trong cả nước.

Kết quả của Hội thảo là cơ sở khoa học để Ban Tổ chức xây dựng các luận cứ, các kiến nghị nhằm kiến nghị tư vấn, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, văn nghệ, trong đó có chính sách ghi nhận, tôn vinh, đãi ngộ danh nhân văn hóa, văn nghệ; giữ gìn và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.

Giáo sư Phong Lê: Văn Cao – Một chân dung lớn

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 12

GS Phong Lê phát biểu mở đầu.

Là đại biểu mở đầu tham luận tại Hội thảo, GS Phong Lê với bề dày nghiên cứu của mình đã đưa ra những nhận định sâu sắc về sự nghiệp sáng tác của Văn Cao, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc và văn học, cũng như những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước.

GS Phong Lê nhận định:

“Nói Văn Cao, không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, mà ngay từ 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của Tiến quân ca, rồi trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944, ở Tân Trào, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca.

Kể từ ấy, Quốc ca đã vang lên trong ngày 17/9/1945 ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, rồi sáng 2/9/1945 ở Quảng trường Ba Đình trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc.

Sau Tiến quân ca còn là hoặc càng là một sự nghiệp còn lớn hơn, trên một hành trình dài với rất nhiều nguồn mạch, tỏa ra nhiều hướng, soi vào đấy - là cả một dàn giao hưởng của đời sống kháng chiến, với Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam; Công nhân Việt Nam; với Làng tôi Ngày mùa; với Hải quân Việt Nam Không quân Việt Nam, với Trường ca Sông Lô Tiến về Hà Nội; và với Ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến 1975 với tác phẩm Mùa xuân đầu tiên như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt; dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến.

Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn mà cả dân tộc phải chịu ơn, nói Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn - mà tôi không phải phân vân khi chọn từ này, bởi ông là tác giả của không ít bài thơ làm tổ được trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, ít ra là thế hệ tôi.

Một số bài thơ rất được người đọc nhớ và thuộc trước 1945 như Quê lòng, Đêm mưa, Ai về Kinh Bắc, Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc...

Bên nhiều bài lẻ, Văn Cao còn có cả một tập thơ có tên viết âm thầm trong những năm khó khăn do sự kiện Nhân văn-Giai phẩm mà ông vướng phải, kéo dài từ 1956 đến 1986.

Sau thơ, còn là văn, văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy - năm 1943, như Dọn nhà, Siêu nước nóng… góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp…

Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước 1945, với các bức tranh có tên Thái Hà ấp đêm mưa, Cuộc khiêu vũ của những người tự tử trong một Triển lãm nghệ thuật năm 1943.

Bấy nhiêu điều về một nghệ sĩ lớn, với đóng góp trên nhiều lĩnh vực thơ văn, nhạc, họa; và ở lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, hoặc để lại dấu ấn sâu đậm như Văn Cao, tôi- một công dân Việt bình thường, chỉ có thể nói được đôi điều, với sự ngưỡng mộ và tấm lòng biết ơn. Để có thể phác dựng hoặc đi sâu vào sự nghiệp đó cần các chuyên gia trên từng lĩnh vực, và tôi rất chờ đợi, rất mong được đọc, được học trong dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh Văn Cao vào 15/11/2023 này’”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân: Từ “Buồn tàn thu” đến “Mùa xuân đầu tiên”: Cuộc hành trình của một tài năng lớn

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 13

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tham luận.

Bản tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tập trung phân tích về những nét độc đáo trong sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao.

TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết:

‘“Tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: Thu cô liêu, Suối mơ, Trương Chi, Thiên Thai (1941)...

Những năm đầu thập kỷ 40, trong ông xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc như Gò Đống Đa (1940), Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang (1941). Có thể coi đây là những ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao. Đó là thể loại hành khúc.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là Tiến quân ca. Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11/1944.

Ngày 13/8/1945, Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông trở thành tác giả của quốc ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này.

Với mảng hành khúc cách mạng, Văn Cao còn để lại các ca khúc như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Thăng Long hành khúc ca, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội...

Trong thời kỳ này, ông còn viết những ca khúc trữ tình nhưng tính chất âm nhạc không còn giống thời kỳ đầu. Đây là những ca khúc trữ tình lạc quan, thấm đượm tình yêu nước, yêu đời như: Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948).

Nói về thể loại âm nhạc trong ca khúc của Văn Cao, chúng ta thường nói tới 2 loại hình: các bài hát trữ tình mang âm hưởng dân ca hoặc tiết tấu nhịp nhàng, uyển chuyển như Cung đàn xưa, Mùa xuân đầu tiên, Làng tôi, Ngày mùa... Thể loại thứ hai là hành khúc như các bài Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Tiến về Hà Nội... và thể loại thứ ba là trường ca, khi nhắc tới trường ca của Văn Cao ta chỉ nhắc tới một tác phẩm, đó là Trường ca Sông Lô... nhưng trên thực tế, tư duy trường ca không chỉ có trong tác phẩm Trường ca Sông Lô mà trước đó, trong các sáng tác thời kỳ đầu như Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Đàn chim Việt (1948)... đã xuất hiện những yếu tố trường ca. Đây cũng là một đặc điểm trong tư duy sáng tạo thanh nhạc của Văn Cao mà trong những bài hát thông thường (hai đoạn) không thể hiện hết được.

Trong thể loại trường ca thì tác phẩm đỉnh cao của Văn Cao chính là Trường ca Sông Lô. Cùng với Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Bộ đội về làng của Lê Yên (thơ Hoàng Trung Thông), nhạc sĩ Văn Cao đã vượt lên những hình thức âm nhạc thông thường, ghi vào biên niên sử bằng âm thanh những tác phẩm thể loại lớn in đậm dấu ấn sáng tạo, được công chúng đón nhận và sống mãi với thời gian.

Đến mùa xuân năm 1975, sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền nam thống nhất đất nước, chúng ta mới được nghe Mùa xuân đầu tiên của ông. Một nhịp điệu 3/4 (gần như valse) nhịp nhàng, thánh thót như sau mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, âm nhạc đã về tới đích của chính mình.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 14

Mỗi một ngày mới trên đất mẹ Việt Nam thân yêu và nhiều nơi trên thế giới, giai điệu Tiến quân ca - quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mà tác giả là nhạc sĩ Văn Cao lỗi lạc lại vang lên hùng tráng, tràn đầy niềm tự hào dân tộc, gợi nhắc lòng ta tưởng nhớ tới một nghệ sĩ tài hoa, một chiến sĩ cách mạng, một nhạc sĩ đầu đàn của nền âm nhạc chuyên nghiệp nước ta, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I) - nhạc sĩ Văn Cao. Đất nước mãi ghi công ông.

--------

Kết thúc bài tham luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ: "Mỗi một lần nghe Quốc ca của tác giả Văn Cao vang lên, chúng tôi là những nhạc sĩ sáng tác và vừa làm lý luận cũng như công tác biểu diễn luôn thấy trong lòng mình mắc nợ với tác giả vì chưa có được bản chuẩn về bản phổ cũng như diễn tấu đúng tinh thần của Văn Cao, đúng tinh thần của bài hát Quốc ca của đất nước chúng ta. Đây là điều trăn trở rất lâu của chúng tôi, với mong muốn trong những ngày đại lễ, các dịp quan trọng, trong khoảnh khắc thiêng liêng, chúng ta có được một bản Quốc ca vang lên đúng nghĩa.

Theo tôi, ngoài việc đúng nghĩa về giai điệu, ca từ của nhạc sĩ Văn Cao, chúng ta cần phải có yếu tố nghệ thuật âm nhạc như phải có tiết tấu, hòa thanh, giữ lại như một bản nguyên vẹn đúng tinh thần của nhạc sĩ Văn Cao, để cả nước và quốc tế cảm nhận thấy khi thể hiện bằng nhạc cụ nào, cũng giữ nguyên được tinh thần của ca khúc. Hiện nay, các bản Quốc ca đều đang được hoá âm phối khí khác nhau. Vì vậy, tại diễn đàn này, tôi cũng bày tỏ tiếng nói của các nhà chuyên môn về âm nhạc để chúng ta cùng nghiên cứu.

Thực tế, nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao hiện đang được trình diễn "tam sao, thất bản", không bản nào giống với ý đồ của nhạc sĩ Văn Cao. Chúng tôi muốn trong chương trình sắp tới về bảo tồn phát huy giá trị của văn học nghệ thuật nói chung nên có chương trình số hóa và giữ lại tất cả tác phẩm văn học, nghệ thuật, âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao bằng cách giữ lại bản nhạc, file âm thanh, giữ lại bản diễn mẫu nhất cho con em sau này”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Văn Cao vẫn bên chúng ta hằng ngày

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 15

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha phát biểu.

Văn Cao đã rời xa dương thế 28 năm (10/7/1995) nhưng hình như trong tâm trí tôi và cả dân tộc Việt Nam, ông vẫn bên ta hằng ngày.

16 tuổi, trong mùa thu thương nhớ nhà tiểu thuyết tài danh Vũ Trọng Phụng yểu mệnh (1912-1939), Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên “Buồn tàn thu”. Rồi sau đó, Văn Cao đã bay lên với “Thiên thai”, “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”... Chính “Tiến quân ca” mà sau này trở thành Quốc ca Việt Nam được viết vào mùa đông 1944 là mốc chuyển đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo âm nhạc Văn Cao. Đấy là lời đoạn tuyệt với âm nhạc lãng mạn để bước sang địa hạt âm nhạc cách mạng, một hành trình vụt lớn như Phù Đổng trong 6 mùa thu.

Không chỉ từng thăng hoa trong lãng mạn, Văn Cao đã thăng hoa thật phi thường, thật chất ngất khi viết “Không quân Việt Nam”, “Bài ca chiến sĩ hải quân” , “Bắc Sơn” in hằn hình ảnh người dân quân du kích. Nhiều người không biết sự biến chuyển trong tư tưởng thẩm mỹ Văn Cao trước và sau cách mạng rõ rệt nhất khi ông viết lại trường ca “Trương Chi”.

Thật khiếm khuyết nếu chỉ nhắc riêng tới âm nhạc Văn Cao. Ngay từ nhỏ bước vào văn nghệ, Văn Cao đã tam tấu cả nhạc-thi-họa. Tâm trạng của một người muốn dứt tung xiềng xích nô lệ để được hít thở bằng lá phổi của người tự do được thể hiện trong bức tranh “Những người tự tử” ở triển lãm “duy nhất” năm 1944. Tác phẩm “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”một lưu giữ duy nhất bằng chữ về nạn đói năm 1945.

Chính cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp đã khiến cho tài năng Văn Cao đạt đến độ sáng rực rỡ. Nghe tiếng chuông nhà thờ rung hoàng hôn, Văn Cao có “Làng tôi”, gặp ngày mùa, Văn Cao có “Ngày mùa” đẹp như một bức tranh màu nước. Văn Cao vẽ và triển lãm bức tranh “Cây đàn đỏ” và đặc biệt là dự báo ngày chiến thắng bằng hành khúc “Tiến về Hà Nộitrước ngày sự thật diễn ra 6 năm sau.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 16

Tư tưởng luôn luôn vươn tới sự mới mẻ trong nghệ thuật thúc giục Văn Cao tìm tòi trong cảm thụ và cảm xúc ở mọi loại hình nghệ thuật. Điển hình là bức tranh “Người thổi sáo” được vẽ bằng họa phái lập thể với cậu bé thổi sáo có hai mầu.

Sau cuộc phê phán Nhân văn - Giai phẩm, Văn Cao chìm vào im lặng. Nhiều năm ông không viết ca khúc mà viết tiểu phẩm piano, làm thơ trong im lặng, vẽ bìa, minh họa để kiếm sống cực nhọc ngày qua ngày. Sau ngày giải thống nhất, trong mùa xuân 1976 là khúc khải huyền “Mùa xuân đầu tiên”. Tuy nhiên, đến sau khi Văn Cao tạ thế, “Mùa xuân đầu tiên” mới được khai sinh và lớn nhanh trong lòng người. Văn Cao đã đưa người lính ra đi ở “Tiến quân ca” và đưa người lính trở về ở “Mùa xuân đầu tiên”

Năm 1985, Văn Cao đã thực sự phục sinh khi viết ba bài thơ Quy Nhơn và được báo “Văn nghệ” giới thiệu sau bao năm bặt tiếng. Mọi cảm xúc phục sinh được Văn Cao viết trong bài thơ “Ba liên khúc ở tuổi 65”. Từ đấy dường như Văn Cao trẻ lại. Sau “Cuộc vận động sáng tác quốc ca mới” năm 1981, Quốc hội đã khẳng định thêm lần nữa rằng “Tiến quân ca” của Văn Cao là “Quốc ca Việt Nam”.

Ngày 10/7/1995, sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V khoảng một tháng, Văn Cao đã bay lên cõi Thiên Thai cùng giai điệu Thiên Thai. 28 năm sau ngày mất và một trăm năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung. Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình”.

Nguyễn Trương Quý: Tiếng hát Văn Cao, phức cảm lưu lạc và hội tụ

Nhà văn trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ cái nhìn những phức cảm lưu lạc và hội tụ trong các văn bản lời ca của Văn Cao, có sự đối chiếu với thơ, văn và một số quan niệm của Văn Cao, nhằm nhìn rõ hơn vị thế đại diện của thế hệ sinh vào những năm 1920, tiếp nối thế hệ nghệ thuật tiền chiến.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 17

Nhà văn trẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý phát biểu.

"Hành trình sáng tác của Văn Cao (1923-1995) gần như trùng khớp với những giai đoạn phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam từ mạt kỳ thuộc địa sang thời kỳ cách mạng và kéo dài đến giai đoạn đổi mới, trong đó đậm nét là giai đoạn hai thập niên 1940-1950. Hai thập niên này đóng vai trò bản lề trong lịch sử kiến tạo nước Việt Nam hiện đại mà các tác phẩm của Văn Cao đã dự một phần quan trọng. Đây cũng là thời thanh xuân trong cuộc đời và sáng tác của Văn Cao, vì lẽ đó sự can dự của ông được xem như tấm gương phản chiếu những biến động của các thanh niên cùng thế hệ.

Đây cũng có thể gọi là thế hệ cách mạng, bởi lẽ ở lứa tuổi hai mươi, họ là lực lượng đã tham gia vào các nhóm phái hay lực lượng chính trị mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa khác nhau trong cao trào giải phóng dân tộc 1945.

Văn Cao đã học trường Bonnal (Hải Phòng), ngôi trường bậc tiểu học đầu tiên vùng duyên hải, tham gia các hoạt động hướng đạo và đã có những chuyến phiêu lưu vào tận Huế, Sài Gòn. Ông chia sẻ những cảm thức lưu lạc này, như là câu chuyện ông tự thuật trong trường ca "Những người trên cửa biển":

"…Tôi không có quê hương

Nghe đâu như Thái Bình, Hà Nam, Phủ Lý

Như Nam Định

… Ai biết Hải Phòng là đâu

Từ giã bờ tre mái rạ

Đến đây là chỗ cùng đường".

Cảm thức lưu lạc có lẽ không chỉ riêng Văn Cao mà những thanh niên theo đuổi nghiệp văn chương nghệ thuật giai đoạn sau 1940 đối diện như các bài thơ chủ đề tha hương của Nguyễn Bính hoặc rõ hơn là các truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao, hai người đồng hương vùng Sơn Nam với Văn Cao, hay Nguyên Hồng, một tác giả sinh trưởng cùng ở Hải Phòng.

Trong hoàn cảnh Hà Nội bị oanh tạc, triển lãm Duy Nhất lần thứ hai được tiến hành vào ngày 8/12/1944 với sự có mặt của Toàn quyền Decoux, được tờ Trung Bắc nhận xét: “Trong gian phòng rộng rãi, trang hoàng giản dị, những ánh đèn điện nhẹ tỏa ánh sáng vào mấy trăm bức tranh, vẽ đủ lối, đủ màu sắc, người ta có cảm giác như bước chân vào một khu vườn có hoa trăm thứ đang đua nhau… Những nghệ sĩ Việt Nam, dìu dắt bởi những ông thầy Tây phương, dùng tài hoa của mình để đón lấy những bông hoa đẹp của trời Tây, đem hương sắc trời Tây mà tô điểm cho cảnh vật nước nhà, quả đã gần đi đến đích”.

Văn Cao tham dự triển lãm với 3 bức, trong đó một bức được Tạ Tỵ cho biết có tên là Cuộc khiêu vũ của những người tự tử (Le Bal aux suicidés), “đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc”.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 18

Một bài báo đã dành một phần ca ngợi “đặc sắc của Văn Cao, nhà họa sĩ trẻ tuổi nơi đồng chua nước mặn”.

Bài viết trên gián tiếp gợi ý vào lúc đó Văn Cao được biết đến như một họa sĩ và thi sĩ hơn là một nhạc sĩ, đồng thời ghi nhận ấn tượng mạnh mẽ về chủ đề hội họa. Tuy vậy, Văn Cao không bán được bức nào, như hồi ức của ông, không thể sống được bằng nhuận bút thơ, truyện và âm nhạc: “Hàng ngày tôi nhờ mấy họa sĩ nuôi cơm và giúp đỡ phương tiện cho làm việc. Cuộc sống lang thang ấy không thể kéo dài nhiều ngày. Muốn tìm việc làm thì không có chỗ. Hà Nội lúc ấy lại đang đói. Năm ấy rét hơn mọi năm. Tôi ngủ mặc nguyên quần áo. Có đêm phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu”.

Cho đến trước khi được những người cán bộ Việt Minh giao nhiệm vụ và được chu cấp, Văn Cao vẫn là một nghệ sĩ lang thang, mang nét tương đồng các nghệ sĩ underground tìm kiếm cơ hội sáng tạo ở các đô thành lớn trên thế giới. Tân nhạc với tư cách một loại hình nghệ thuật mới, vào thời kỳ này vẫn chiếm vai trò khá khiêm tốn trong khung cảnh văn hóa địa chúng, vì thế những ca khúc của Văn Cao dễ hiểu giống như những thể nghiệm của tuổi trẻ hơn là một hình thức chuyên môn nhà nghề. Tính chất của “cuộc sống lang thang” dường như đã để lại những dấu ấn trong những bài hát này.

Trong các sáng tác của Văn Cao, số lượng ca khúc lãng mạn không nhiều, chỉ có 7 bài: Buồn tàn thu (1939), Thu cô liêu (1940), Thiên Thai (1941), Cung đàn xưa, Trương Chi (1942), Suối mơ, Bến xuân (1943). Tuy nhiên, bên cạnh ngôn ngữ âm nhạc pha trộn hình thức ca khúc Tây phương và nét giai điệu ngũ cung, chất liệu đề tài và dụng công trong ca từ khiến cho các bài hát rất dễ nhận diện một phong cách khác biệt với các ca khúc cùng thời.

Các bài hát của Văn Cao khi được phổ biến sau 1945 đều nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối về giá trị của chúng: “Nhân bài Tiến quân ca, những nhạc phẩm ấy cũng “lên” theo: trai gái trẻ già đâu đâu cũng hát Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, lời đã nên thơ mà nét nhạc lại mềm mại, uyển chuyển, đúng với tinh thần chuộng đẹp của người Việt Nam muôn thuở. Đài phát thanh lúc ấy hát các bản nhạc của Văn Cao suốt ngày, nghe cách mấy cũng không chán. Ở ngoài đường, ở trong nhà, ai cũng hát những bản nhạc “thần diệu của Văn Cao””.

7 ca khúc này đến giờ được xếp vào số những bài hát phổ biến nhất của dòng âm nhạc lãng mạn thời kỳ đầu tân nhạc, tựu trung gợi ra những khung cảnh thoát ly thực tại hoặc ở một nơi chốn xa lạ.

Phức cảm lưu lạc còn tiếp tục trong giai đoạn cách mạng và kháng chiến của Văn Cao, đương nhiên do hoàn cảnh tạo ra, nhưng cũng cho thấy sự tiếp nối một đặc điểm cố hữu trong nội dung âm nhạc Văn Cao. Các bài hát với tư cách là sản phẩm đóng góp vào sự nghiệp tuyên truyền cách mạng, tựa như những nhật ký kháng chiến chung chứ không còn là trải nghiệm riêng tư, ghi lại hành trình đã được dự báo trong bản hành khúc được lấy làm quốc ca nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - “bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”: Từ “Rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa, từ xa quê trong lớp cây già” (Làng tôi, 1947) đến “Rồi rời sang xóm khác, nhớ lúc ai nhìn theo” (Ngày mùa, 1948) trong bức tranh làng quê kháng chiến, hay những địa danh gắn với các sự kiện chiến đấu hoặc một nơi chốn lịch sử: “Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó, ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng” (Bắc Sơn, 1945), “Từ Bắc Sơn kia thời tung cánh… Nhớ ai trên mấy đồi Yên Thế” (Đàn chim Việt, 1945), “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Volga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao” (Sông Lô, 1947).

Lộ trình phiêu dạt chỉ chấm dứt khi Văn Cao cùng đoàn quân “tiến về Hà Nội” như khung cảnh trong bài hát viết năm 1949: “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về, cả cuộc đời tươi vui về đây”. Văn Cao được kết nạp vào Đảng Cộng sản vào ngày 1/5/1948, cùng đợt với Ngô Tất Tố và Kim Lân, trong một giai đoạn chuyển mình quan trọng của lứa văn nghệ sĩ kháng chiến“...

Nhạc sĩ Doãn Nho: Một trong những người thầy bên tôi mãi mãi trong sự nghiệp sáng tác

Ở tuổi 90, nhạc sĩ Doãn Nho mang đến Hội thảo tình cảm kính trọng với các tác phẩm và tài năng của nhạc sĩ Văn Cao trong âm nhạc. Ông còn tự biểu diễn một đoạn trong ca khúc “Ngày mùa” để minh chứng cho sự trường tồn của âm nhạc Văn Cao.

Nhạc sĩ Doãn Nho xúc động:

“ Những ngày gần đây, Đài Truyền hình hay giới thiệu hình ảnh các cháu ở lớp mẫu giáo và các cháu đang học cấp I hát Tiến quân ca trong các ngày lễ. Tôi rất cảm động vì mình đã ở tuổi xế chiều (tuổi 90) được thấy hồn sông núi cùng bản chất anh hùng của dân tộc ta vẫn tiếp tục tỏa rạng hết thế hệ này đến thế hệ khác!

Tiến quân ca được viết từ trái tim của một chiến sĩ cách mạng thực thụ, ông đã trực tiếp cầm súng cùng đội biệt động làm nhiệm vụ đi diệt và cảnh cáo bọn Việt gian trong thời điểm cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám đã cận kề! Những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao theo thời gian đã chứng minh tính chuyên nghiệp cao, mặc dù chủ yếu ông tự học, tự nghiên cứu. Đặc biệt, khi những nhạc phẩm ấy vang lên, ta cảm nhận rõ có sự hiện hữu của nghệ thuật hội họa và thơ văn mang đậm cá tính sáng tạo của ông!

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 19

Nhạc sĩ Doãn Nho ngẫu hứng hát bài "Ngày mùa" của nhạc sĩ Văn Cao.

Tôi nhớ tại Paris đã có cuộc bình chọn những bài quốc ca hay nhất của thế giới thì một trong những quốc gia đứng đầu bảng là quốc ca Việt Nam! Tại sao vậy? Đơn giản vì ngoài yếu tố lời ca tiếng Việt còn một yếu tố quan trọng nữa, đó là mặc dù Tiến quân ca có bóng dáng của Marseillaise (quốc ca Pháp) nhưng được xây dựng trên thang âm ngũ cung, dần vang lên ở điệu tính sol trưởng tất cả nằm gọn trong thang âm ngũ cung: sì rê mi son la si la son mi rề!

Bài Ngày mùa là điển hình của những bài hoàn toàn không có yếu tố thang âm ngũ cung nhưng lời ca đầy chất thơ, mang đậm hình ảnh và chất trữ tình trong tâm hồn người Việt.

Ngoài ca khúc, Văn Cao còn là một trong những nhạc sĩ khai sinh ra thể loại trường ca, một thể loại lớn rất gần với tiểu thuyết trong văn học. Theo lời kể của họa sĩ, nhạc sĩ Văn Thao-con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, chứng kiến tất cả những hi sinh mất mát của người dân khi Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, nhạc sĩ Văn Cao đã cho ra đời Trường ca Sông Lô bất hủ!

Bản Trường ca gồm nhiều đoạn nhạc: Đoạn I (gồm cả phần Dạo nhạc) trên 16 nhịp 44, ở điệu tính rê trưởng, tốc độ chậm rãi, gợi lên rất rõ nét hình ảnh con sông với thiên nhiên kỳ vĩ, với lịch sự hào hùng... Tiếp đến Đoạn II, điệu tính sol trưởng, tiết tấu rồn rập như những bước chân hân hoan của các chiến sĩ ta vừa giành chiến thắng ngay trên dòng sông này. Đoạn II gồm 31 nhịp 44. Đoạn III tiết nhịp 24 – nhịp đi với điệu tính si trưởng.

Xin nhắc lại: điệu tính si trưởng, không phải là điệu tính si thứ theo luật trưởng thứ song hành! Rõ ràng đây là một sự sáng tạo mang rất rõ cá tính của tác giả! Ở điệu tích này mới có thể nêu bật ý nghĩa lớn lao của chiến thắng, đồng thời ở lời ca, tác giả đã nâng Sông Lô lên ngang hàng với Volga và Dương Tử!

Cũng trong đoạn này, tác giả đã đột ngột chuyển sang si thứ trong câu nhạc để dẫn sang đoạn IV trở lại điệu tính sol trưởng với tiết nhịp ¢. Lại một lần nữa bộc lộ cá tính sáng tạo riêng của tác giả!

Đoạn IV là đoạn lớn nhất trong toàn bài với 64 nhịp (Đoạn III chỉ có 48 nhịp). Toàn đoạn toát lên tính ngợi ca đầy xúc động, khẳng định chiến thắng Sông Lô là nét vàng chói lọi trong trang sử anh hùng của dân tộc ta! Với điệu tính sol trưởng, tác giả vẽ lên hình ảnh người dân nơi chiến địa trở về cuộc sống thanh bình, hăng say sản xuất trong niềm vui, niềm tự hào về chiến công hiển hách trên dòng sông bến nước quê hương...

Đoạn IV kết thúc chuyển ngay sang câu kết cả bản trường ca. Câu kết trở về điệu tính rê trưởng với tốc độ chậm rãi, gợi lại hình ảnh Sông Lô đã được diễn tả trong phần dạo nhạc mở đầu bản trường ca, đúng với yêu cầu “Thống nhất trong sự phát triển. Phát triển trong sự thống nhất”-một nguyên tắc kết cấu dành cho những tác phẩm lớn, những tác phẩm bác học, trong đó cá giao hưởng!

Nhà thơ Tố Hữu đã nhận xét: “Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu nước ta... Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại”.

Ngoài thanh nhạc, Văn Cao còn là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc dành cho piano, như: Sông Tuyến, Biển Đông, Hàng dứa xa..., đặc biệt cho nhạc phim như: Chị Dậu(1980), tổ khúc giao hưởng phim Anh bộ đội Cụ Hồ của xưởng phim Quân đội Nhân dân...

Chúng ta rất tự hào đã có một thế hệ xây dựng nên nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ trái tim mình, tôi luôn nghĩ nhạc sĩ Văn Cao cùng các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du... mãi mãi là những người thầy của chúng ta và các thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp theo!”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng: Nhân 100 năm ngày sinh Văn Cao, nghĩ về số phận của các tác phẩm đỉnh cao

Tự nhận mình là “người ngoại đạo", PGS, TS Phần Trọng Thưởng chia sẻ về những nhìn nhận, đánh giá về sự nghiệp và di sản của Văn Cao.

Sự nghiệp Văn Cao thể hiện trên nhiều lĩnh vực nhưng thành công ở mỗi lĩnh vực không hoàn toàn giống nhau. Tiêu biểu nhất có lẽ là âm nhạc. Đây là lĩnh vực Văn Cao gửi gắm, ký thác tài năng, tâm huyết và hồn cốt nghệ sĩ.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 20

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS Phan Trọng Thưởng, tựu trung có 2 loại ý kiến nhận xét, đánh giá về sự nghiệp Văn Cao:

"Thứ nhất: cho rằng Văn Cao như chúng ta đánh giá, tôn vinh hiện nay, một phần là nhờ Đổi mới. Chính Đổi mới đã tạo cho chúng ta các tiền đề để khẳng định, đánh giá lại, làm sống lại Văn Cao vốn đã được khẳng định từ thời kỳ tiền chiến.

Ý kiến này đúng một nửa. Vì Đổi mới dù rất vĩ đại cũng không thể phù phép biến không thành có, biến dở thành hay được!

Thứ hai: Cho rằng không cần Đổi mới thì Văn Cao vẫn là Văn Cao như những gì mà ông có, vẫn là nghệ sĩ tài hoa và tác phẩm của ông mặc nhiên đã có sức sống rồi. Người làm sáng tạo chỉ biết sáng tạo theo tâm thức, tác phẩm của mình. Văn Cao cũng thế, khi sáng tác không hình dung được số phận tác phẩm của mình trải qua nhiều khúc thăng trầm như vậy.

Ý kiến này có phần cực đoan nhưng đúng hoàn toàn. Vì tác phẩm nghệ thuật chân chính, nhất là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, thì nó luôn luôn có sức sống vượt thời gian, bất chấp thách thức thời đại để đến với giá trị tự thân, giá trị tuyệt đối khách quan. Và quan trọng hơn là nó luôn tự tìm được con đường để đến với công chúng của thời đại mình. Ý kiến này hoàn toàn đúng, đề cao vai trò của nghệ sĩ và giá trị tự thân của tác phẩm.

Từ trường hợp Văn Cao có thể mang lại nhiều bài học về tài năng, về nhân cách nghệ sĩ, về con đường chiếm lĩnh các đỉnh cao, về lộ trình chinh phục công chúng, về quá trình nhận thức, đánh giá và tiếp nhận các giá trị nghệ thuật,… Trên đây là một vài ý kiến góp vào Toạ đàm. Có thể còn những ý kiến khác, mong được trao đổi”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương: Nghĩ về việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài

Theo TS Đào Duy Quát, cuộc đời sự nghiệp thiên tài Văn Cao là cốt lõi của cả sự nghiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam trong bức tranh văn học, nghệ thuật Việt Nam từ những năm 40 đến nay.

“Từ thời kỳ ấy, các ngôi sao sáng trên bầu trời văn học nghệ thuật Việt Nam sáng rất rực rỡ, các ngôi sao ấy dần dần mất đi và hiện nay chúng ta nhìn thấy quá hiếm các ngôi sao".

“Tôi nghĩ, khi chúng ta tổng kết 100 năm Văn Cao, nên gắn liền với tổng kết sự nghiệp văn học của chúng ta với cách nhìn mới.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 21

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Duy Quát phát biểu.

Như các đại biểu chia sẻ, nếu không có tài năng, chắc không thể có tác phẩm để đời, càng không thể có tác phẩm đỉnh cao. Hiện nay, tôi là người theo dõi việc thực hiện quan điểm, chủ trương lớn của Đảng trong văn hóa là Nghị quyết Trung ương về vấn đề phát hiện, đào tạo, sử dụng, trọng dụng nhân tài, nhưng đến nay, hơn 20 năm qua chúng ta chưa thể chế hóa được.

Chúng ta thấy tình trạng hiện nay, số tài năng văn học nghệ thuật có thể có, nhưng hạn chế về phát hiện và đặc biệt hạn chế về bồi dưỡng, đào tạo; hạn chế rất rõ là việc sử dụng nhân tài.

Cho nên, tại tọa đàm có đồng chí lãnh đạo, tôi xin kiến nghị, hiện Ban đang tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật và sẽ có nhiều cách để làm.

Tôi nghĩ, chúng ta cần có sự tổng kết theo cách nhìn mới, cách nghĩ mới, cách làm mới để có thể có sự đóng góp thật sự, khả thi cho việc chấn hưng nền văn hóa, chấn hưng nền văn học, nghệ thuật mà cái gốc là phát hiện nhân tài, thật sự bồi dưỡng, tôn vinh, trọng dụng được các thế hệ nhân tài”.

Nhạc sĩ Văn Thao: “Sự thật” về tình bạn giữa Văn Cao và Phạm Duy

Là con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, được đồng hành cùng cha qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, tại Hội thảo, nhạc sĩ Văn Thao đã chia sẻ những câu chuyện về tình bạn giữa cha ông và nhạc sĩ Phạm Duy. Bản tham luận dài của nhạc sĩ Văn Thao kể lại những chi tiết thú vị, ít người biết và có thể sẽ là những tư liệu quý cho những nghiên cứu tiếp tục về cuộc đời và sự nghiệp của Văn Cao.

Trong đó, nhạc sĩ Văn Thao cũng giải đáp câu hỏi Văn Cao và Phạm Duy có viết chung một số tác phẩm nổi tiếng hay không?

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 22

Nhạc sĩ Văn Thao, con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ.

Nhạc sĩ Văn Thao chia sẻ:

“Mùa xuân năm 1944, Phạm Duy theo gánh hát cải lương Đức Huy Charlot Miều mới được thành lập và xuống Hải Phòng biểu diễn ra mắt lần đầu tiên. Qua một số người bạn ở Hải Phòng, Phạm Duy biết tới những sáng tác của Văn Cao. Những ngày sau đó, bài hát Buồn tàn thu của Văn Cao đã được Phạm Duy biểu diễn và được khán giả Hải Phòng ghi nhận.

Phạm Duy gặp Văn Cao khi mới chỉ là một ca sĩ mới vào nghề, có một sáng tác đầu tay chưa được ai biết là bài Cô hái mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính. Trong khi đó Văn Cao đã là một nhạc sĩ nổi tiếng Hải Phòng trong nhóm Đồng Vọng với hàng loạt ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên Thai (1941), Trương Chi (1942), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến xuân (1943), Cung đàn xưa (1943)…

Cho nên không có chuyện “một vài bài hát như Bến Xuân , Suối mơ, Đàn chim Việt… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy” như một số ấn phẩm âm nhạc và một số bài viết của các tác giả đã viết và cho rằng những tác phẩm này có viết chung với Phạm Duy.

Qua lời kể của cha tôi cho biết: “Không có chuyện Văn Cao sáng tác chung với Phạm Duy”.

Cuộc gặp gỡ lần đầu giữa Văn Cao với Phạm Duy mới được “dăm bữa, nửa tháng” chưa đủ để Văn Cao hiểu rõ về Phạm Duy. Tuy nhiên, Văn Cao đã nhìn thấy trước được “tiềm năng âm nhạc” trong con người Phạm Duy, vì thế ông đã động viên và khuyên “…mày nên đi vào sáng tác…”.

Tình bạn giữa hai người bắt đầu từ những ngày đó.

Còn Phạm Duy, trong hồi ký của mình, ông đã viết: “…Trong thời gian ở Hải Phòng… tôi có cái may mắn gặp một người bạn. Người đó là Văn Cao”.

Với Văn Cao, Phạm Duy đã phải cảm phục thốt lên: “Văn Cao thật là một con người tài hoa. Nhạc tình của nó hay, nhạc hùng của nó cũng hay không kém như: Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam…” (Hồi ký Phạm Duy).

Sau này, tuy mỗi người ở một phương trời khác nhau nhưng Phạm Duy luôn kính trọng Văn Cao, coi ông là một nhạc sĩ lớn có nhiều ảnh hưởng trong sự nghiệp sáng tác của mình”.

Nhà văn, nhà thơ Vũ Thúy Hồng (Hội Nhà văn Hải Phòng): Làm sao nhận ra “chất Hải Phòng” trong tác phẩm của Văn Cao?

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, bắt đầu sự nghiệp sáng tác ở Hải Phòng, song trong tác phẩm của con người đa tài thơ - nhạc - họa ấy, thậm xưng “Hải Phòng” không dày đến nỗi có thể kể ra rằng: Văn Cao hẳn nhiên của Hải Phòng. Là một người Hải Phòng muốn “khoe” Văn Cao, tôi đã đi tìm cái “chất Hải Phòng” trong tác phẩm của ông, và thấy “chất” ấy thật đậm đặc.

Có một lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của Hải Phòng qua trường ca “Những người trên cửa biển”

Văn Cao viết trường ca “Những người trên cửa biển” vào mùa xuân 1956. Xuất hiện lần đầu trong tập thơ “Cửa biển” do Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành tháng 10/1956, “Cửa biển” trong tên của trường ca cũng được lấy làm tên đại diện cho tập thơ in chung của Hoàng Cầm - Văn Cao - Trần Dần và Lê Đạt. Chỉ 2 năm sau khi từ chiến khu trở về, tình yêu đất nước, khát vọng cống hiến, những trăn trở, băn khoăn... mang ý nghĩa lãng mạn cách mạng cũng như mong muốn đổi mới, cách tân thơ ca đã cùng hội tụ trong ý tưởng và tác phẩm của 4 nhà thơ ở tập “Cửa biển” này.

Có lẽ, đây là lần đầu trong văn học Việt Nam, Hải Phòng xuất hiện với tên gọi gần gũi là Cửa biển. Kể từ đó về sau, “Cửa biển” được người miền bắc nhớ về Hải Phòng bên cạnh những tên gọi quen thuộc khác như Thành phố Cảng, Thành phố công nghiệp hoặc Thành phố Hoa phượng đỏ (sau khi có ca khúc Thành phố Hoa phượng đỏ, nhạc Lương Vĩnh, thơ Hải Như)… Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng có tờ tạp chí xuất bản số đầu tiên năm 1966 cũng mang tên Cửa biển. Với thể thơ tự do nhưng ngồn ngộn hình ảnh, nhạc tính, trường ca “Những người trên cửa biển” như là sử thi về quá trình hình thành và phát triển của Hải Phòng đến khi được tiếp quản vào tháng 5/1955.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 23

...Thơ ông là biên niên sử về vùng đất và con người cửa biển, đó là “Cồn đất lầy um tùm cây cỏ dại/Nổi lên một thành phố/ Ngọn khói đùn lên đứng sững chân trời/ Người dân thành phố/ Mồ hôi còn nước mặn phù sa/ Dầu mỡ bụi than/ Sống như muối đọng lấy bờ lấy bãi/ Sống chắt chiu đùm bọc yêu thương/ Che chở nắng mưa đỡ đần buổi gạo/ Đoàn thuyền nát buộc vào nhau ngày bão.../ Bạn bè quen thuộc/ Các giống người/ Từ chân trời bốn phương đi lại…”. Trong thơ Văn Cao, ngay từ những ngày đầu về với đô thị, người Hải Phòng đã rộng rãi, khoáng đạt.

Một Hải Phòng lãng mạn và đầy chất thơ trong sáng tác của Văn Cao

Ở trường ca “Những người trên cửa biển”, con người cách mạng Văn Cao khi nhìn về cuộc sống mới cũng đã phá cách, khác biệt. Ông bao dung và thoát ra khỏi thói lề xưa cũ, quan niệm về tình yêu thật mới mẻ: “Mát hai vai dưới rặng cây bóng lá/ Đôi lứa thanh niên đến tự tình/ Những đôi chân trắng ngần trên cỏ/ Những ngón tay quấn quít/ Hết từng mùa trăng dài/ Im lặng/ Đêm tắt đi tiếng ồn ào náo động/ Cho đôi lứa yêu nhau / Những giờ phút ngày xưa chưa có/ Những cái hôn luôn mới/ Cái hôn đầu tiên..”.

...Cái “chất Hải Phòng” đắm say, hào hoa, lãng mạn, ta có thể tìm thấy từ những năm 40 của thế kỷ trước qua hàng loạt những ca khúc hay nhất của Văn Cao viết tại Hải Phòng hoặc hoàn thiện tại Hải Phòng như Bến Xuân (1942), Trương Chi (1942), Thiên Thai (1944)…

Văn Cao còn cho biết “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cảng Hải Phòng, nên sông nước là hình ảnh tôi vô cùng yêu thích. Nhiều sáng tác của tôi, đặc biệt là bài Suối mơ, sông nước đã trở thành hình tượng chính trong giai điệu và lời ca...”.

Trở lại với hình ảnh sông nước, trời mây và biển ào ạt gió của Văn Cao, ta thấy ông yêu Hải Phòng nhiều mây nhiều nước/ Mênh mông bốn phía chân trời/ Có mùa nhạn bay ra biển/ Chim yến từ biển bay về”. Chính vì vậy, khát vọng sáng tạo trong ông đã được thăng hoa từ những cảm xúc nuôi dưỡng và vun đắp ở một Hải Phòng kiêu hùng, cởi mở và thật là thơ mộng.

“Tôi giờ đây liếm môi nóng bỏng

Nhìn ra biển bao la

Lòng hãy còn nhiều khát vọng

Còn rất nhiều khát vọng

Biến thành người khổng lồ kêu khát suốt ngày đêm

Suốt ngày đêm kêu khát

Những ngọn sóng trên cát khô sủi bọt

Ngày đêm

Mãi mãi

Dưới chân tôi

Nước ngọt của ngàn sông

Bao giờ đổ đầy lòng biển”.

Và tôi nghĩ, mọi người cũng nhận ra “chất Hải Phòng” trong các tác phẩm của Văn Cao như tôi đã chia sẻ.

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Giữa cuộc đời cao tiếng hát du dương

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 24

Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu phát biểu.

Xúc động chia sẻ tại Hội thảo, Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nói: Nếu phần lời nổi bật bởi sự giao thoa nghệ thuật hội họa và văn thơ, thì phần nhạc của Văn Cao cho thấy sự kết hợp hai truyền thống Tây và ta. Từng có nhận xét: nhạc Văn Cao khá Tây! Quả thực ông không hề mượn một làn điệu dân ca nào, nhưng những tiếp nhận từ phương Tây đã được chuốt lại theo thẩm âm Việt, đan kết hoặc xen kẽ với những nét đặc trưng của nhạc cổ Việt để chuyển tải một tâm hồn thuần Việt. Có thể thấy sự kết hợp đó ngay từ cái nhìn bao quát về thể loại và hình thức âm nhạc.

Văn Cao góp phần không nhỏ cho sự định hình thể loại trường ca trong âm nhạc, cũng như trong thơ hiện đại Việt Nam, với Sông Lô là một trong những đỉnh cao của thể loại quy mô này. Ngoài ra, còn một số thể loại cần ghi nhận vai trò của ông, đó là hành khúc với nhiều bài hát mang ý nghĩa lịch sử, là valse với các ca khúc trữ trình Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Ngày mùa Mùa xuân đầu tiên.

Về cấu trúc, Văn Cao có sự chuyển biến dần từ những thử nghiệm đầu tiên phát triển tự do theo bản năng đến ý thức về cấu trúc khúc triết kiểu Tây, rồi không dừng ở khuôn khổ bài bản theo lý thuyết phương Tây mà luôn hướng tới tính linh hoạt trong lối phát triển chiều ngang đặc thù của nhạc cổ truyền Việt Nam.

Được ưu ái trong tình khúc, cấu trúc linh hoạt còn lan sang cả hành khúc, đây cũng là một trong những yếu tố “Việt hóa” thể loại hành khúc phương Tây.

Sự kết hợp hai truyền thống Tây và ta còn được thấy rõ hơn khi đi sâu vào những yếu tố chính trong ngôn ngữ âm nhạc của Văn Cao: điệu tính và điệu thức, âm vực và cung quãng, nhịp điệu và tiết tấu, đường nét gia điệu và thủ pháp phát triển tuyến nhạc.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 25

Theo Nhà Lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu: Ý thức pha trộn màu sắc ở người có con mắt hội họa được bộc lộ rất sớm. Đơn giản nhất là sự tương phản trưởng - thứ giữa hai điệu tính cùng tên ở các tình khúc: Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ...

Sự pha trộn những yếu tố thuộc hai truyền thống Đông-Tây được bộc lộ rất rõ ở đường nét giai điệu. Một mặt, bài hát “khá Tây” bởi những biến âm, những bước rải theo hợp âm ba, hoặc nét nhạc fanfare họa theo tiếng kèn hiệu lệnh. Mặt khác, giai điệu lại luôn ưu ái các quãng đặc trưng ngũ cung: 4, 5 và 7...

Nhiều ca khúc của Văn Cao đã trở thành bài ca đi cùng năm tháng bởi giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật. Giá trị lịch sử ở chỗ không chỉ khắc họa sự kiện lịch sử đất nước, mà còn in dấu những bước đi đáng ghi nhận của lịch sử nhạc mới Việt Nam. Giá trị nghệ thuật ở chỗ kết hợp sáng tạo cách biểu hiện của các loại hình nghệ thuật khác nhau, cũng như các truyền thống âm nhạc khác nhau, đạt tới tính thẩm mỹ cao mà vẫn giữ được tính quần chúng, vừa có hiệu quả xã hội đương thời vừa có sức sống bền lâu. Âm nhạc của ông đã và sẽ còn truyền cảm hứng, năng lượng cho các thế hệ khác nhau. Năng lượng ấy có thể cảm nhận mỗi khi ta nghiêm trang đặt tay lên ngực cất tiếng hát: “Đoàn quân Việt Nam đi…”.

Di sản ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao không đồ sộ về số lượng mà rất đặc sắc và đa sắc: lãng mạn và bi tráng, mượt mà và gân guốc, giản đơn và hoành tráng, khái quát và cụ thể, cổ thi và hiện đại, thoát tục siêu thực và cũng lại rất thực, rất đời. Sự độc đáo, hấp dẫn ở ông có lẽ bắt nguồn từ biệt tài sáng tạo nghệ thuật mang tính “liên minh”: nhạc đầy chất thơ, thơ giàu tính nhạc, và trong cả hai đều bắt gặp tư duy hội họa. Cũng như với thơ và họa, nhạc của ông không thiếu những khai mở khám phá. Với sức sáng tạo vô bờ và tư tưởng tiên phong, “người đi dọc biển” Văn Cao đã luôn bị hấp dẫn bởi những “lối cát chưa có dấu chân”.

PGS, TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): Một toàn tập Văn Cao vẫn là một giấc mơ xa vời

PGS, TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ một góc nhìn về sáng tác văn học của Văn Cao với tham luận “Văn Cao - cách mạng và cách mạng thơ”.

Trước hết, Văn Cao có một giai đoạn lưu văn dài và chính giai đoạn lưu văn ấy làm cho rất nhiều phần của con người ông bị khuất lấp, bị thời gian vùi phủ lên và rồi con người văn nghệ của ông trở nên mờ ảo như một bóng hình bị chìm trong lớp sương mù của thời gian.

Dẫu sau năm 1986, vị trí của Văn Cao trong đời sống văn nghệ đã được khôi phục, nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt là thơ, đã được tập hợp, in lại hoặc công bố lần đầu giúp người đọc có một cái nhìn rõ hơn về tác giả nhưng dường như, sự phục hồi đó vẫn còn đang trong một trạng thái dang dở.

Dường như một toàn tập Văn Cao vẫn là một giấc mơ xa vời. Có những “vạt”, thậm chí không nhỏ, tác phẩm của ông vẫn chưa được tập hợp đầy đủ. Điển hình như phần hội họa, đặc biệt là hội họa ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, xuất bản của ông. Ngay cả âm nhạc, phần tưởng như đã được tìm kiếm đầy đủ, nhất là sau năm 1986 khi nhạc của ông được diễn lại dày đặc, thì cho đến gần đây vẫn có những bản nhạc mới của Văn Cao được tìm thấy.

Tôi đã khởi sự cuộc tìm kiếm một Văn Cao trong quá khứ từ một tình trạng như thế. Và một cuộc gặp gỡ như vậy đã hé lộ cho tôi một Văn Cao rất đặc biệt: Văn Cao - người viết tiểu luận; Văn Cao - nhà phê bình. Đó cũng là một trong số không nhiều lần ông bộc lộ xác tín của mình về thơ trong thời đại Cách mạng khi ông viết lời giới thiệu cho tập thơ Những ngọn đèn của Yến Lan, một người gần như cùng thế hệ với ông và cũng là một tập thơ mà ông vẽ bìa. Trong bài tiểu luận đó, Văn Cao viết:

“…Sự chuyển hướng của thơ ca không phải là công việc xếp đặt hình thức theo bậc thang hay theo một hình kỷ hà mà là sự chuyển hướng về cách nghĩ, cách nhìn và cách gợi của nhà thơ…”.

Ông nhìn thấy ở người bạn thơ của mình một điều rất đáng trân trọng:

“…Trong thơ, có cái đang chảy và có cái đọng lại. Đấy là thơ của một người đã qua gần hai mươi năm trong những sự biến đổi quá nhanh của lịch sử văn học Việt Nam, một con đường có nhiều người đã nằm đọng lại giống như những vũng nước chỉ còn sáng ánh lân tinh, nhưng Yến Lan, với sự luôn luôn thay đổi, còn có thể làm bạn đường với những lứa tuổi khác…”.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 26

Và chính nhờ tập thơ của người bạn mình, Văn Cao đã có dịp bộc lộ tuyên ngôn của mình về thơ ca:

“…Lần này, những người văn nghệ nào không có một thái độ yêu ghét rõ ràng và sáng suốt thì không thể nào thành công trong tác phẩm được. Càng gần thực tế bao nhiêu thì mỗi tác phẩm đều mang được sự sống bấy nhiêu, càng gần thực tế thì tác phẩm càng luôn mới bởi vì cuộc sống của chúng ta luôn đổi mới. Nhưng tất cả cái mới đó cần tới cách nhìn tinh tế và thái độ rõ ràng của nhà thơ. Ngay nay hãy nhìn lại những tác phẩm sơ lược tách khỏi đời sống, ta thấy chúng không khác gì những con sứa chết phơi trên bãi cát cùng với những thứ mục nát đã trôi trên mặt biển lâu ngày…”.

Cũng theo PGS, TS Phạm Xuân Thạch, Văn Cao là một người văn nghệ mà số phận có phần giống với Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán. Cũng phải nói ngay rằng, ở Văn Cao không những tìm tòi hun hút, thậm chí đến tầm lý thuyết, như Trần Dần hay Lê Đạt. Ít nhất, cho đến giờ, chúng ta không được đọc những “Sổ bụi” (tên di cảo của Trần Dần) của Văn Cao để có thể hiểu hết những suy tư về văn nghệ của ông. Cũng không có những thể nghiệm đến mức “tử công phu” (và cũng có thể cực đoan) như Trần Dần, Lê Đạt. Thế nhưng, đặt không ít câu thơ của Văn Cao trong khoảng từ 1956-1957, từ thời ông viết “Những người trên cửa biển”, cho đến đầu những năm 1980, có thể thấy không ít sự tương đồng với thơ của những người cùng thế hệ và cùng hành trình sáng tác.

Và như vậy, bên cạnh tính cách độc đáo không thể quy giản thì Văn Cao vẫn cứ là một phần của một khuynh hướng thơ, dẫu chưa từng là dòng chính của thơ Việt Nam hiện đại nhưng cũng là một khuynh hướng quan trọng và có cội rễ từ những chuyển động của thơ Việt Nam hậu kỳ Thơ mới.

Hơn nữa, do những hoàn cảnh đặc biệt nên Văn Cao có một giai đoạn dài lưu văn, ít nhất, trong địa hạt văn chương. Từ sau năm 1957 đến năm 1988, thời điểm - tập thơ đầu tiên của Văn Cao được xuất bản, ông hiện diện trong đời sống văn nghệ chủ yếu với tư cách một người làm nhạc (ít nhất, ta biết một ca khúc của ông vẫn được đưa vào tuyển tập Tiếng hát chống Mỹ cứu nước 1964-1968 xuất bản năm 1971 cùng những tên tuổi quan trọng như Hoàng Vân, Đỗ Nhuận) và đặc biệt với tư cách một người làm mỹ thuật ứng dụng: vẽ minh họa và bìa cho sách và báo. Thế nhưng trong giai đoạn đó, thơ vẫn là một phần trong cuộc đời văn nghệ của Văn Cao, dù số lượng văn bản để lại được công bố cho đến nay không phải là nhiều.

Hoàn cảnh và có lẽ cả chính bản thân con người Văn Cao không đưa ông trở thành một nhà thơ chính luận. Theo tôi, với Văn Cao, thơ chưa bao giờ có một ý nghĩa tự thân theo cách mà Trần Dần và Lê Đạt từng nghĩ về thơ để khởi sự cho những cuộc thể nghiệm của mình. Thơ với Văn Cao là một công cụ thế để ông tự ghi lại nhật-ký-nội-tâm mình qua những năm tháng đặc biệt, những năm tháng mà:

Có lúc

một mình một dao giữa rừng không sợ hổ

có lúc

ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt

có lúc

nước mắt không thể chảy ra ngoài được”.

Và đặc biệt, thơ là một tư thế để Văn Cao quay vào chính mình, chiêm nghiệm về chính con người mình. Chính tính chất công cụ đó, sống-thơ như một tư-thế-sống chứ không phải như một hành động hướng đến cái tuyệt đối, mà thơ Văn Cao được vận động theo hướng làm nghĩa, nghĩa là đi tìm kiếm những khả năng biểu nghĩa phức tạp của kết hợp từ hơn là theo hướng làm chữ, nghĩa là đi theo hướng khai thác tính âm nhạc, giá trị tự thân của từng con chữ. Văn Cao kiên định con đường thoát khỏi thơ định thể và kiên định với thơ tự do, thơ không vần như một cách thế tạo một không gian đủ rộng cho thơ có thể co giãn từ cô đặc lại như một ý nghĩ vụt hiện (Đảo, Chọn, Khoảng trống…) hoặc dãn dài như một trường ca (Năm buổi sáng không có trong sự thật).

Về kỹ thuật, thơ Văn Cao khai thác những kết hợp ngữ nghĩa mà hình thức tưởng như mâu thuẫn hoặc phi lý nhưng lại cho thấy những chiều sâu phức tạp về nghĩa và những chân lý khó nắm bắt trong cuộc sống. Đó chính là cách ông viết về những buổi sáng im bặt tiếng người hoặc những buổi sáng mà mọi người đều đeo mặt nạ và mồ hôi ròng ròng trên những mặt nạ đó. Và nhạc tính của thơ như một cách chủ yếu được khai thác từ nhịp điệu đa dạng mà thơ tự do tạo nên.

Cuối cùng, hành trình thơ của Văn Cao là một hành trình phủ định Thơ mới. Văn Cao bắt đầu viết thơ từ trước năm 1945 và trong đó có dấu vết của những người cùng thời. Thế nhưng, không phải những nhà lãng mạn giai đoạn đầu mà chính những nhà Thơ mới hậu kỳ như Chế Lan Viên và Vũ Hoàng Chương đã để lại dấu ấn trong thơ ông. Họ là những người báo hiệu một giai đoạn vượt qua Thơ mới, dù không ít sẽ “lại giống” và quay về Thơ mới, điển hình như Vũ Hoàng Chương.

Trong một giai đoạn dài, khuynh hướng đổi mới thơ này với các đặc tính về sự tự do của hình thức thơ; sự phức tạp về nghĩa và sự mở rộng vào những trạng thái tâm lý vô cùng tinh tế là khác biệt với những đòi hỏi về vần điệu nâng đỡ cho khả năng phổ biến đến số đông; về tính sáng rõ và đơn nghĩa của thơ. Chính vì vậy, khuynh hướng đổi mới này trở thành một khuynh hướng tồn tại bên lề. Dẫu vậy, đó sẽ trở thành một khuynh hướng mạnh khi bắt gặp nhu cầu đổi mới thơ của thế hệ nhà thơ xuất hiện sau năm 1970 và đặc biệt, sau khi thơ cùng với đất nước quay về với trạng thái thời bình sau năm 1975. Thơ Văn Cao nằm trong khuynh hướng đó.

Văn Cao thuộc thế hệ những tác giả xuất hiện từ trước năm 1945, ở hậu kỳ của Thơ mới. Ngay từ thời ấy, cùng với tư cách người văn nghệ, Văn Cao đã dấn thân trọn vẹn trong tư cách con-người-hành-động của cách mạng, thậm chí thực hiện những nhiệm vụ “không thơ”. Và hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Theo đó, chống lại mọi sự bảo thủ, với ông, cách mạng phải được chuyển hóa thành cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Văn Cao đã có thể là một họa sĩ tiên phong

Từ trước đến nay, giới mỹ thuật chưa viết gì về Văn Cao, đó là một thiếu sót. Tất nhiên, đứng về mặt mỹ thuật thôi, đó là do giới mỹ thuật còn có nhiều họa sĩ cừ hơn. Còn đối với chúng tôi, Văn Cao là một nhạc sĩ nhiều hơn là một họa sĩ.

Thành tựu mỹ thuật của ông, về các sáng tác hội họa, tranh sơn dầu, năm 1951, ông vẽ “Lớn lên trong kháng chiến”. Năm 1961, ông vẽ “Chân dung bà Băng”. Năm 1962, ông vẽ một bức tranh trừu tượng. Năm 1971, tức là cũng 10 năm sau nữa, ông vẽ chân dung ông Lâm cà phê. Đến khoảng những năm 1980-1986, ông vẽ một bức tranh sơn dầu về người Mông. Như vậy cứ ít nhất 10 năm, chúng ta mới thấy ông có một vài tác phẩm sơn dầu, tức là hội họa thuần túy, như vậy rất ít sáng tác hội họa, để có thể nói ông không có phong cách già dặn hoặc phát triển liên tục như các họa sĩ khác vẽ đều từng năm một. Thế nhưng, tranh của Văn Cao trông rất mới và rất trẻ, tức là ông vẫn giữ nguyên từ đầu đến cuối một phong cách, vì ông cũng không sáng tác nhiều, và ông cũng không quan tâm đến hội họa thuần túy.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 27

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phát biểu tại Hội thảo.

Nhạc sĩ Văn Cao cũng khai thác ngôn ngữ lập thể. Khi đó ở châu Âu, ngôn ngữ lập thể rất phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam khi đó, chủ nghĩa hiện đại bị cấm,, thì các họa sĩ chuyển sang lối lập thể kết hợp với hiện thực, tức là không quá trừu tượng mà vẫn thấy rõ hình thể, trở thành lối vẽ có tính chất khái quát, đi vào những đường viền lớn, đối lập giữa hình và nền. Ngay cả tranh từ năm 1951 đã có tính chất lập thể, đưa không gian từ 3 chiều về 2 chiều. Đến năm 1961, bức “Chân dung bà Băng’ cho thấy rõ sự kết hợp giữa phong cách hiện thực và phong cách lập thể. Đặc biệt là bức chân dung ông Lâm cà phê, Văn Cao có chịu ảnh hưởng qua lại với họa sĩ Nguyễn Sáng. Chúng ta có thể thấy rất rõ cách đặt bố cục đặt trên nền, với tư thế ngồi hơi nghiêng một chút.

Vào những năm 1980-1986, các họa sĩ lớn như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên đều đã ngấp nghé cái chết, nhưng bấy giờ Văn Cao vẫn có một số tác phẩm rất tươi trẻ. Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi các họa sĩ cùng thời đã già thì riêng ông vẫn giữ được một tâm hồn tươi trẻ như thế. Tiếc rằng ông không đi theo hội họa.

Điểm thứ hai, Văn Cao đối với ngành minh họa. Khi đó tất cả các họa sĩ đều nghèo, và đều tham gia vào vẽ minh họa. Một số báo cũng cần minh họa cho các truyện ngắn, như báo Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Độc Lập… Các thư ký tòa soạn lại rất trọng những họa sĩ có tài mà nghèo, cho nên dành rất nhiều đất cho họ. Trên báo Văn Nghệ thời kỳ những năm 1970-1980, tranh minh họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái là nhiều nhất, nhiều thứ hai là của Văn Cao, thứ ba là của Sỹ Ngọc.

Theo thống kê của chúng tôi, Văn Cao vẽ khoảng 300 bìa sách, như thế là rất chuyên nghiệp. Ngành minh họa ở Việt Nam chưa bao giờ chuyên nghiệp, vì minh họa đòi hỏi phải chính xác, nhưng chúng ta lại chưa bao giờ đào tạo được như vậy cả. Minh họa lại yêu cầu tả thực, nhưng ở phương Tây nhiều hơn. Ở Việt Nam, minh họa chủ yếu phát triển theo kiểu có tính chất nghệ thuật và nghiệp dư. Các họa sĩ minh họa chủ yếu là làm thêm chứ không phải nghề chính.

Ở Việt Nam, các họa sĩ chủ yếu vẽ minh họa theo phong cách của mình sau khi chỉ đọc sơ sài nội dung cần minh họa. Cho nên có thể họ tạo ra được phong cách của riêng mình trong tranh minh họa, nhưng lại không gần với nội dung. Trong khi đó, ông Bùi Xuân Phái và ông Văn Cao lại đọc rất nhiều. Họ là những người được đọc các tác phẩm văn học đó đầu tiên trước khi lên báo. Việc đọc những tác phẩm văn học đó cũng làm cho kiến thức, tâm hồn họ trở nên phong phú, giúp họ trở thành những nghệ sĩ thực sự trong cuộc sống có kiến thức, chứ không chỉ đơn thuần là sáng tác. Nền tảng văn hóa của nghệ sĩ rất quan trọng. Và thông qua việc đi làm thêm như thế, nền tảng đó được tăng lên bất ngờ vì tuần nào hai ông Bùi Xuân Phái và Văn Cao cũng phải đọc khoảng 5-7 truyện.

Về thiết kế đồ họa, chữ Mỹ thuật trên bìa tạp chí Mỹ thuật những năm 1970 là do Văn Cao viết. Trong ngành thiết kế đồ họa mà ngày nay gọi là design, Văn Cao đóng một vai trò quan trọng, khi ông có đến hàng nghìn minh họa báo chí và rất nhiều minh họa báo chí. Đặc biệt ông vẽ tới 300 bìa sách, một số lượng rất nhiều. Thời kỳ đó hoàn toàn vẽ bằng tay. Có thể nói rằng Văn Cao là một họa sĩ design thực thụ, và chúng tôi lấy làm tiếc rằng ông không phát triển hội họa, nếu không, ông cũng sẽ là một họa sĩ tiên phong.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tổng kết hội thảo:

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 28

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu kết thúc Hội thảo.

Trong 4 giờ đồng hồ, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Văn Cao, một tài năng đặc biệt của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ XX.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Nhạc sĩ Văn Cao là một hiện tượng đặc biệt không chỉ vì ông là tác giả Quốc ca Việt Nam mà bởi với tư cách một người nghệ sĩ ông đã làm nên điều tưởng chừng như nghịch lý: Đó là thời gian càng lùi xa thì tầm vóc nghệ thuật của ông càng trở nên lớn hơn và lộng lẫy hơn.

Tại hội thảo lần này, mọi người cùng nhau hồi tưởng và được gặp lại Văn Cao qua nhiều di sản mà ông để lại: những bài hát, những bức tranh, những trang văn và câu thơ... độc đáo, xuất sắc. Nhưng một trong những di sản quan trọng nhất, quyến rũ nhất và giá trị nhất chính là những ký ức sống động, những nhìn nhận đánh giá về cuộc đời sáng tạo phi thường của ông trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, những đóng góp đặc biệt của ông trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ: Bằng cách nhìn trí tuệ, khách quan, khoa học khi đã có một độ lùi lịch sử nhất định, các tham luận đã tập trung đánh giá về phẩm chất, bản lĩnh, tài năng, phong cách nghệ thuật của Văn Cao. Hội thảo tập trung phân tích, lý giải sâu hơn về thân thế, sự nghiệp cũng như những cống hiến, những giá trị và những di sản văn nghệ lớn lao mà Văn Cao để lại cho đất nước.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 29

Các tham luận cũng cố gắng làm rõ tư tưởng nghệ thuật, sự thay đổi phong cách sáng tác của Văn Cao qua ba giai đoạn sáng tạo của âm nhạc, hội họa, thi ca; làm sâu sắc hơn các nghiên cứu, đánh giá về tài năng, tinh thần tự học và khát khao luôn đổi mới sáng tạo của ông, để vươn tới những cảnh giới cao nhất của chân, thiện, mỹ.

Một điều đặc biệt mà nhiều tham luận chỉ ra, đó là các sáng tác của Văn Cao thuộc ba lĩnh vực âm nhạc, hội họa và thi ca đều luôn mang tính dự báo, thậm chí dự báo, thậm chí dự báo rất xa... thể hiện thiên tài nghệ thuật của ông.

“Thời gian không làm Văn Cao bị lãng quên, mà ngược lại, làm cho ông được nhớ mãi. Và vì thế, chúng ta và nhiều thế hệ sau cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá về ông. Hội thảo khoa học “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao" tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023) đã thành công tốt đẹp với nhiều mục tiêu đề ra đã đạt được.

Văn Cao đã để lại cho chúng ta một tấm gương về nhân cách của một nghệ sĩ đích thực: Cho dù phải trải qua nhiều bầm dập khó khăn, thử thách, thì tài năng của ông không bị suy giảm, phôi pha, mà tiếp tục vượt qua thời gian và sẽ mãi mãi được người đời nhớ đến. Xin cảm ơn các diễn giả, các văn nghệ sĩ nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình cùng đại diện gia đình nhà văn Văn Cao và tất cả quý vị đã cùng Ban tổ chức làm nên thành công của cuộc hội thảo này”, Tổng biên tập Lê Quốc Minh bày tỏ.

Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao” tại Báo Nhân Dân ảnh 30

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, toàn bộ các tham luận gửi tới hội thảo ngoài đưa vào kỷ yếu, Báo Nhân Dân sẽ đăng tải toàn bộ lên chuyên trang Tri thức chuyên sâu về nhạc sĩ Văn Cao. Việc bổ sung 30 tham luận tại hội thảo hôm nay giúp Báo Nhân Dân có cơ sở dữ liệu đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, đánh giá về nhạc sĩ Văn Cao.

back to top