"Lật mặt 7" – Điểm chạm tới những giá trị nhân văn và kết nối văn hóa truyền thống

NDO - Bộ phim “Lật mặt 7 – Một điều ước” của Lý Hải đã đạt doanh thu 300 tỷ đồng (theo thống kê từ trang Box Office Vietnam) vào ngày 7/5 sau hơn 10 ngày công chiếu, trở thành bộ phim ăn khách nhất thương hiệu “Lật mặt” của Lý Hải.
0:00 / 0:00
0:00
"Lật mặt 7" – Điểm chạm tới những giá trị nhân văn và kết nối văn hóa truyền thống

Phim cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau phản ánh sự tương tác độc lập với đời sống của sản phẩm điện ảnh. Một trong những yếu tố làm nên thành công của bộ phim là việc làm mới những điều không mới và chạm tới những giá trị nhân văn và văn hóa truyền thống.

Bài toán khó với những điều đã cũ

Bộ phim xoay quanh những vấn đề thường gặp trong đời sống như chuyện con cái đùn đẩy nhau việc nuôi cha mẹ, cuộc sống của những người già cô đơn trong viện dưỡng lão, nhịp sống chóng mặt cùng áp lực kinh tế đè nặng lên mọi gia đình dù thành thị hay làng quê.

Đã lâu lắm rồi mới có một phim Việt lan toả như nước nguồn, như gió đồng, như tình thương, sáng nhân văn, đằm thắm Việt.

Nhà văn Dạ Ngân

Bắt đầu từ chuyện bà Hai, một bà già sống ở Đà Lạt bằng nghề trồng và bán những bông hoa bất tử bị xe tông gẫy chân, phải bó bột và cần người chăm sóc. Những người con bận rộn không thể về chăm sóc mẹ nên quyết định mỗi người sẽ thay nhau nuôi mẹ một tuần. Bà Hai được đón ra bắc vào nam, lên rừng xuống bể, tới nhà những đứa con. Theo chân bà, bộ phim mở ra những số phận, tính cách khác nhau để gửi gắm thông điệp về vai trò của gia đình.

Với cốt truyện giản dị, gần như không có biến cố, với hình tượng người mẹ truyền thống tảo tần, suốt đời hy sinh vì con dường như đã mòn, đạo diễn kiêm nhà viết kịch Lý Hải đã tự chọn cho mình một bài toán hóc búa. Làm sao có thể giữ được khán giả ở lại trong suốt 2 giờ 18 phút của bộ phim với những vấn đề hết sức quen thuộc của đời thường? Tuy nhiên, bộ phim lại mang đến thành công lớn mà lý giải điều này, có lẽ là do sự tròn vẹn của bộ phim như nhà văn Dạ Ngân đánh giá “Đã lâu lắm rồi mới có một phim Việt lan toả như nước nguồn, như gió đồng, như tình thương, sáng nhân văn, đằm thắm Việt” và tay nghề của đạo diễn “lên theo thang đẳng cấp”.

Mỗi cá nhân đều là diễn viên chính trên sân khấu cuộc đời mình

Trên nền của những vấn đề tưởng chừng hết sức quen thuộc, bộ phim mang tới nhiều phát hiện mới mẻ. Trước hết là nét mới trong quan niệm về con người. Phim không tập trung làm nổi bật một hai nhân vật chính, mà nhân vật chính là tất cả các nhân vật của bộ phim.

Có thể thấy, đạo diễn không ưu ái nhân vật nào hơn nhân vật nào. Từ nhân vật bà mẹ của đại gia đình bà Hai, tới năm đứa con, năm đứa cháu nội ngoại, tất cả đều có đất diễn, có tính cách riêng và để lại dấu ấn. Vì thế, bộ phim khiến người xem nhận thấy một thông điệp nhân văn và mới lạ: không có ai đóng vai phụ - mỗi cá nhân đều là diễn viên chính trên sân khấu cuộc đời mình.

Màu sắc thành phố, cuộc sống sang trọng, tiện nghi cũng như đầy áp lực hiện ra qua những cảnh quay về gia đình người con cả (Hai Khôn). Cao nguyên với suối, đồi, cà phê, cuộc sống lam lũ hiện ra qua cuộc sống của người con gái tên Ba Lành sống bằng nghề mò cua bắt cá và rang xay cà phê. Mùi biển và cuộc sống của những người dân chài hiện ra khi bà Hai đến nhà Tư Khôn ở Phan Rang. Người con gái thứ tư làm rẫy và trông coi biệt thự cho một gia đình giàu có. Sài Gòn sôi động với xóm trọ của người lao động nghèo hiện ra khi bà Hai đến nhà người con út. Không gia đình nào giống gia đình nào, mỗi nhân vật đều là một lát cắt tươi mới của đời sống, cùng nhau tạo nên thành công chung của bộ phim.

Lật mặt đã “lật” một quan niệm mới về nhân vật và con người.

Mượn câu chuyện của bà Hai và các con, đạo diễn đã kể câu chuyện chung về con người - những con người bé mọn trong phận riêng của đời mình. Từ lựa chọn này có thể thấy bộ phim gửi tới một thông điệp nhân văn: mọi con người đều bình đẳng trước thời gian, trước số phận và đều là diễn viên chính trên sân khấu đời mình. Vì vậy, phải sống cho trọn vẹn cũng như diễn cho trọn vai. Có lẽ, thông điệp nhân văn này đã chạm vào trái tim diễn viên cũng như khán giả. Với tất cả diễn viên đều là “diễn viên chính” – Lật mặt đã “lật” một quan niệm mới về nhân vật và con người.

Phép màu của mẹ

"Lật mặt 7" – Điểm chạm tới những giá trị nhân văn và kết nối văn hóa truyền thống ảnh 1

Các diễn viên trong phim.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân trên báo Giao thông có nhận xét rằng nhân vật bà mẹ giống như một bà tiên, đi đến đâu “mọi việc đều được bà giải quyết dễ dàng” và đó là điều chưa thật hợp lý của nhân vật. Tuy nhiên, nhìn sâu vào hình tượng bà Hai, sẽ thấy sự “có lý” giản dị của “phép màu”. Phim không cường điệu hoá vai trò của người mẹ, ngược lại đã làm một phép "lật” để bà mẹ không còn ở vị thế “trên cao” tức là mẹ của đàn con và cháu cần được kính trọng, một người bệnh cần được nâng niu, chăm sóc. Ngược lại, không một lời oán thán, trách cứ, không một phút giây nào đòi hỏi, bà Hai quan sát, tìm hiểu và nhanh chóng bắt nhịp với lối sống khác nhau của gia đình mỗi đứa con mà bà đến.

Bà thay quần áo, thay dép mới, dùng đũa riêng để gắp thức ăn ở đĩa chung theo nếp của gia đình người con cả. Bà trò chuyện, bầu bạn với ông sui ngoài tám mươi đã lẫn lộn, cùng con dâu ra biển đưa và đón anh con trai Tư Khôn đi biển và trở về. Bà ở lại căn chòi chật hẹp, gió lùa ở nhà con gái hay sẵn sàng ngủ cùng giường bà chủ nhà to béo trong căn nhà thuê chật hẹp của vợ chồng cậu con trai út. Đi tới đâu bà lặng lẽ quan sát, tìm hiểu và “hoà” nhịp vào gia đình các con, vui cùng những đứa cháu nơi bà đến. Tình thương con sâu sắc, vô điều kiện, không chấp nhặt, không phán xét khiến bà mẹ luôn nhìn sâu vào hoàn cảnh éo le của gia đình mỗi đứa con, tìm cách hiểu và giúp đỡ thật tự nhiên.

Một thí dụ về sự “vô lý” mà có lý là tình huống bà Hai chứng kiến “cơn bão” ở nhà người con cả. Cô cháu gái hành hung bạn học, clip lan truyền trên mạng xã hội khiến cha mẹ mất mặt. Người chồng lớn tiếng quát vợ “Em dạy dỗ con kiểu gì thế?”. Người vợ đỗ lỗi sang chồng và con. Đứa con gái khóc, lý giải nguyên nhân là do: bố mẹ toàn mắng chửi, chì chiết, những bữa cơm gia đình thường chan nước mắt. Không khí căng thẳng bị đẩy lên cao trào khi người này đổ lỗi cho người kia.

Đúng lúc đó, bà Hai lên tiếng: “Cho nội xin lỗi, là lỗi tại nội!”. Tình tiết này làm người xem như vỡ oà vì bất ngờ. Bà Hai nói là do ông mất sớm, nên “cha các cháu” từ bé đã phải cùng nội gánh vác gia đình thay ông. Tâm lý thoát nghèo khiến “cha các cháu” luôn phải cố gắng nên không có đủ thời gian cho gia đình. “Mẹ xin lỗi! Nội xin lỗi!”. Những lời nói chứa chan yêu thương và thấu hiểu của bà Hai như dòng nước mát lành tưới tắm những tâm hồn đang sôi lên trong bế tắc và giận dữ. Phim chuyển nhịp ngọt và xúc động khi người chồng xin lỗi vợ, xin lỗi con, người vợ xin lỗi con và chồng, hai đứa con xin lỗi bố mẹ.

Tình yêu thương, sự hiểu biết, bao dung cũng như việc “làm gương” của bà Hai đã giúp con và cháu nhận ra: không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì nếu tìm cách đổ lỗi cho người khác. Bà Hai không có phép màu mà chính tình thương mát lành từ bà đã đánh thức nhận thức về ý nghĩa của gia đình, về việc mỗi người phải tự chịu trách nhiệm và cùng vun đắp cho hạnh phúc gia đình cho các con và các cháu.

Bà Hai cũng mang đến “phép màu” khi nhờ những tấm áo phao bà đưa tiền cho cháu gái đi mua mà Tư Khôn và bạn bè đã sống sót trong cơn bão dữ. Nhờ cách sống tốt đẹp, sẵn sàng cho đi với những người xung quanh của bà Hai mà người con út thoát khỏi bế tắc tột cùng.

Bộ phim cho thấy những “phép màu” mà bà Hai mang đến cho các con, bà mẹ nào yêu thương con cũng đều có thể làm được. Qua nhân vật người mẹ, bộ phim gửi tới một thông điệp rất “ngọt”: những điều kì diệu luôn có mặt trong đời sống, chỉ cần thực lòng sống với yêu thương và cảm thông, sẻ chia sẽ có thể trở thành người mang đến những “phép màu”. Được sống mỗi ngày, thực ra cũng đã là một phép màu kì diệu mà không phải ai cũng nhận ra. Triết lý ấy, là điều bà mẹ có lẽ hiểu và ý thức sâu sắc nên bà nâng niu, trân trọng mỗi phút giây được bên con, bên cháu.

Bộ phim cho thấy những “phép màu” mà bà Hai mang đến cho các con, bà mẹ nào yêu thương con cũng đều có thể làm được.

Những phép màu đồng thời thể hiện triết lý quen thuộc của dân gian như “ở hiền gặp lành”, “phúc đức tại mẫu”. Triết lý cũ nhưng được nhìn theo cách mới: phúc đức của người mẹ được tạo nên bởi lối sống giản dị, nhân hậu, sẻ chia. Sự yêu thương tận đáy, không điều kiện sẽ dẫn tới tha thứ, bao dung và thấu hiểu. Đó là chìa khoá giải quyết những vấn đề giữa con người với con người.

Cảnh quay đẹp như mơ cùng những ẩn dụ sâu sắc

Bộ phim được chau chuốt kỹ lưỡng về màu sắc, ánh sáng, hình ảnh. Những góc máy bao quát và cận cảnh đều được quay kĩ lưỡng và tinh tế với nhiều cảnh quay đẹp như mơ khiến người xem nhận ra: cuộc sống bình thường hoá ra chứa đựng những vẻ đẹp diệu kì.

Điểm nhấn của phim là ba hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: cây hồng đỏ trước sân, dòng suối chảy cạnh nhà, những đồi hoa bất tử vàng rực trong nắng. Lý Hải không dùng hình ảnh chuối ba hương, xôi nếp mật, đường mía lau để nói về người mẹ mà dùng một hình ảnh đặc trưng của Đà Lạt: cây hồng đỏ. Cây hồng lá rụng gần hết với những trái ngọt đỏ rực như “nở hoa” là ẩn dụ cho người mẹ có tuổi nhưng tuổi tác càng làm chín đỏ và rực rỡ vẻ đẹp nội tâm. Màu đỏ của quả hồng gợi tình yêu thương ngọt ngào, nồng ấm của mẹ đã nuôi dưỡng các con, gắn kết gia đình và nhắc nhở mỗi người dù đi đâu xa cũng đừng quên, cũng nhớ đường trở về nhà.

Dòng suối trước nhà là biểu tượng cho tình yêu thương không vơi cạn, luôn mát lành mang tính chất nuôi dưỡng của mẹ gợi nhắc câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Những đồi hoa bất tử là biểu tượng cho tình yêu bất tử của mẹ dành cho các con, cho cuộc đời. Nó không thể nào mất đi, không thể nào chết. Phim kết rất ngọt khi nhờ những bông hoa bất tử được trồng trong nhà dưỡng lão mà các con tìm được bà Hai, gia đình lại sum vầy. Giờ đây, điều ước về một bức ảnh có đủ mọi thành viên trong gia đình của bà Hai đã được thực hiện.

Những bông hoa bất tử có lẽ cũng là biểu tượng cho điều ước của bộ phim: tình yêu, sự bao dung, sẻ chia là bất tử giữa cha mẹ và con cái, giữa con người và con người, cần nuôi dưỡng, giữ gìn. Đó mới là điều có sức sống bất tử trước thời gian.