KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA

Nâng cao chất lượng kiểm định sản phẩm văn hóa

Trong xã hội hiện đại, các sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa đã trở thành hàng hóa. Việc nâng cao trình độ của người tiêu dùng văn hóa chỉ là một mặt của vấn đề. Để quản lý tốt và nâng cao chất lượng của các sản phẩm văn hóa cần có sự hiện diện mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tư vấn, thẩm định về chuyên môn có uy tín.
0:00 / 0:00
0:00
Cần sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan quản lý để công chúng được thưởng thức các tác phẩm và tiết mục chất lượng tốt. Ảnh: QUANG HƯNG
Cần sự thẩm định chặt chẽ của cơ quan quản lý để công chúng được thưởng thức các tác phẩm và tiết mục chất lượng tốt. Ảnh: QUANG HƯNG

Từ một bộ phim có nhiều tranh cãi

Phim “Đất rừng phương Nam” được quảng cáo rầm rộ trước khi được công chiếu. Ngày 29/9, Hội đồng duyệt phim, phân loại phim (Cục Điện ảnh) đã thẩm định, phân loại bộ phim trước khi phát hành. Nhưng chỉ sau vài ngày ra rạp, ngày 15/10, Cục đã phải họp và thẩm định lại bộ phim trước làn sóng tranh cãi trong dư luận. Nhìn rộng hơn, cần tăng cường và nâng cao chính chất lượng của việc quản lý chất lượng các sản phẩm văn hóa đang còn khá lỏng lẻo hiện nay.

Chuyện bộ phim kia chỉ là chuyện gần đây nhất. Trong nhiều lĩnh vực khác cũng đã xảy ra nhiều chuyện “dở khóc dở cười” và đã phải gấp rút sửa chữa như: Vua Hùng được tạo hình “da trắng như tuyết, móng tay sơn đỏ” (2015) trong công viên Đồng Xanh ở Gia Lai. Sau khi ra mắt (2018), “Vườn tượng 12 con giáp” ở khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) đã phải “khẩn cấp” mặc quần, cài lá để che bớt những phần nhạy cảm (!).

Trong một số ấn phẩm sách, trí tưởng tượng của các tác giả về lịch sử còn “bay bổng” hơn nhiều: Có người bịa ra đầy đủ tên họ, số con, năm sinh, năm mất của 18 đời Vua Hùng cho dù đến nay chưa có bằng chứng vật chất nào về thời đó có các văn tự chữ viết (!). Hoặc gần hơn, có tác giả cho “đồng chí Văn” (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trong lễ xuất quân trước các đại biểu ở Tân Trào “rút khẩu súng ngắn, hướng phía trời tây, nơi có cây si già, nổ ba phát. Pằng, pằng, pằng! Lá si lả tả như xác pháo…” (!). Từ khi Đại hội Quốc dân đến nay đã 78 năm, chưa có bất cứ tài liệu nào nói đến việc nổ súng ở buổi xuất quân, kể cả trong hồi ký của Đại tướng (?)...

“Nhóm sản phẩm có thể gây mất an toàn”

Khi mặt bằng trình độ thẩm mỹ của xã hội nói chung còn thấp, việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật còn nhiều bất cập thì những sản phẩm văn hóa có chất lượng nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật không cao vẫn có thể phục vụ nhu cầu cho một bộ phận công chúng tiêu dùng sản phẩm văn hóa một cách dễ dãi. Điều đó giải thích tại sao những sản phẩm thuộc loại “sốc, sex, sến” vẫn có đất tồn tại và có cả những “dây chuyền” sản xuất những sản phẩm kiểu đó, hạng đó để đưa ra thị trường kiếm lợi (cho cá nhân và nhóm). Âu cũng là minh chứng của quy luật “có cầu sẽ có cung” theo vòng vận hành nghiệt ngã của thị trường mà chẳng nghe theo tiếng nói của các nhà đạo đức học, văn hóa học, nghệ thuật học.

Nếu theo cách phân loại ở Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (2007) để phân loại các sản phẩm văn hóa, dễ thấy nhiều sản phẩm văn hóa có thể xếp vào nhóm “có khả năng gây mất an toàn cho người tiêu dùng”. Chúng có thể gây mất an toàn trong môi trường văn hóa. Các sản phẩm văn hóa có chất lượng nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật thấp sẽ làm hỏng, làm xuống cấp thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật của mỗi cá nhân cùng với cả xã hội. Các cơ quan quản lý văn hóa được giao trách nhiệm thẩm định chất lượng, phòng và chống những sự mất an toàn đó bằng cách xem xét, định dạng và định lượng những tác động có lợi hoặc có hại (nếu có) của các sản phẩm văn hóa đó với xã hội.

Không ai có thể đo lường, lượng hóa các quy chuẩn văn hóa, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa tinh thần, bằng những con số, kích cỡ, tỷ lệ lạnh lùng. Nhưng nhất thiết vẫn phải có những quy chuẩn để “nhận dạng” sản phẩm văn hóa. Kể cả với những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật tinh thần, vẫn cần những tiêu chí đánh giá cụ thể, công minh. Một tác phẩm, sản phẩm văn hóa mới cũng không thể đo bằng những “thước đo” đã cũ - cả về hình thức, vóc dáng, chất liệu, quy mô, loại hình... Đó là bài toán, là lời thách đố thường xuyên đặt ra khi xác định các tiêu chuẩn/quy chuẩn cho các sản phẩm văn hóa. Đó cũng là yêu cầu đặt ra với các nhà nghiên cứu văn hóa có trách nhiệm thẩm định về chuyên môn và cả những cơ quan tổ chức việc thẩm định.

Cần có những quy chuẩn

Lâu nay các cơ quan quản lý mới chỉ “thổi còi” những sản phẩm văn hóa “nhạy cảm” về phương diện chính trị hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục. Nhưng để có những sản phẩm văn hóa chất lượng cao, thực tiễn còn đòi hỏi cả những tiêu chuẩn/quy chuẩn cho các giá trị tinh thần, vật chất và kỹ thuật - công nghệ được sử dụng tạo ra sản phẩm văn hóa. Mặt khác, công cụ pháp lý được “đính kèm” những bộ tiêu chuẩn/quy chuẩn về nghệ thuật và kỹ thuật cùng với sự vào cuộc sát sao của các cơ quan, những người có trách nhiệm quản lý chính là “kháng sinh” để điều trị những “bệnh tật” trong lĩnh vực sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa. Đây không còn là việc của riêng ngành văn hóa mà đã bao gồm, gắn kết nhiều khâu, nhiều ngành, nhiều vùng và thậm chí nhiều quốc gia.

Chúng ta đang chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” các sản phẩm văn hóa. Nhưng vai trò quan trọng không thể bỏ qua của sự chứng nhận từ các cơ quan thẩm định và quản lý trong lĩnh vực này sẽ chủ động thúc đẩy nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa.