Phiên tòa trực tuyến dự kiến thực hiện từ 1/1/2022
Chiều 23/10, Quốc hội họp phiên trực tuyến, nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của tòa án cũng bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định, một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.
Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến. Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Một số tòa án khi tổ chức phiên tòa xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.
Thực tiễn quốc tế cũng cho thấy, tòa án trực tuyến là một xu thế toàn cầu. Các nước có nền khoa học công nghệ phát triển đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp, từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến, tống đạt điện tử, cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được thực hiện thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống.
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử. Hiện nay, đa số tòa án các nước khu vực ASEAN đã thực hiện tổ chức xét xử trực tuyến. Việt Nam cũng phải từng bước thực hiện cam kết này để phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Từ những phân tích nêu trên, theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, có thể khẳng định tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.
Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV. Dự kiến, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.
- Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
- Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
- Nghị quyết giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tính khả thi
Đồng tình với Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trong Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, cần có giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Do các luật tố tụng hiện hành chỉ quy định hình thức xét xử trực tiếp và được tiến hành tại phòng xử án, chưa quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên Tòa án nhân dân tối cao đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá, tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng tòa án điện tử ở nước ta.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ nâng cao hiệu quả tố tụng. Các vụ án thuộc diện xét xử trực tuyến sẽ được đưa ra xét xử khẩn trương, kịp thời trong thời hạn luật định, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xã hội, phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu rõ, do xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới, chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn.
Do đó, việc Tòa án nhân dân tối cao giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng), không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác là đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, xét xử là hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các luật tố tụng. Vì lý do áp dụng các biện pháp cấp bách trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên Quốc hội mới xem xét, quyết định theo thủ tục rút gọn về việc ban hành Nghị quyết cho phép tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Về lâu dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong các luật tố tụng. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định thời hạn cụ thể để Tòa án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện, chậm nhất là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.