Đây là lần đầu, Đác Lắc ký thỏa thuận với một tổ chức quốc tế để hợp tác bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Theo thỏa thuận hợp tác, toàn bộ chương trình tài trợ sẽ được phân bổ trực tiếp cho Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đác Lắc để nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, bảo tồn voi cho Trung tâm.
Trong suốt một năm thực hiện dự án, Tổ chức Động vật châu Á sẽ cử các chuyên gia và bác sĩ thú y thực hiện: tư vấn thiết kế, hỗ trợ xây dựng và bổ sung cơ sở vật chất cho khu vực chăm sóc và quản lý voi; nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị cho voi cho các bác sĩ thú y và nhân viên trực tiếp chăm sóc voi của Trung tâm Bảo tồn Voi tỉnh Đác Lắc.
Chương trình hợp tác còn ưu tiên cho công tác cứu hộ voi rừng bị tai nạn hoặc voi nhà không có điều kiện chăm sóc bảo đảm nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nâng cao phúc lợi động vật.
Đồng thời, Dự án sẽ thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức hướng đến cộng đồng dân cư khu vực chung quanh cũng như trên cả nước về bảo tồn voi, bảo vệ các loài động vật hoang dã khác tại Đác Lắc, cũng như bảo đảm phúc lợi động vật.
PGS, TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam cho rằng, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hôm nay là minh chứng cho sự cam kết lâu dài của Tổ chức chúng tôi trong việc việc bảo tồn loài voi Việt Nam tại Đác Lắc. “Với chuyên môn và những thành công nhất định đã đạt được trong việc bảo tồn và cứu hộ, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ Trung tâm Bảo tồn Voi Đác Lắc để có thể bảo tồn được quần thể voi còn lại, đồng thời có thể nâng cao điều kiện chăm sóc cũng như phúc lợi cho các cá thể voi nhà”, ông Tuấn nói.
Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đác Lắc chia sẻ, bảo tồn voi là một lĩnh vực bảo tồn loài khó khăn, cán bộ làm công tác bảo tồn voi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rừng sâu, thường xuyên đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm, nhưng chưa qua đào tạo chuyên sâu về công tác bảo tồn voi kể cả voi nhà và voi rừng.
Quần thể voi hoang dã còn dưới 100 cá thể được coi là thiếu bền vững trong tự nhiên và đang phải đối mặt với tình trạng săn bắn, mất môi trường sống do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp để thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp và nạn phá rừng làm nương rẫy.
Voi nhà do các tổ chức và hộ gia đình quản lý chăm sóc riêng lẻ không bảo đảm môi trường sống, nguồn thức ăn thiếu dinh dưỡng, sử dụng vào mục đích du lịch quá sức, voi không có cơ hội gặp gỡ giao phối tự nhiên, đàn voi nhà của tỉnh còn 43 cá thể độ tuổi trung bình trên 40 tuổi và đã hơn mười năm trở lại đây không sinh sản.
Trong khi diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp do các dự án nông, lâm nghiệp và nạn phá rừng làm nương rẫy cùng với việc săn bắn voi đã làm cho đàn voi hoang dã ngày càng hung dữ và xung đột voi-người ngày càng gia tăng.
Từ năm 2014, Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ cho Trung tâm Bảo tồn Voi Đác Lắc. Tổ chức đã giới thiệu và cử các chuyên gia chăm sóc voi quốc tế đến làm việc khám sức khỏe cho 36 cá thể voi cũng như đưa ra những tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, quản lý voi.
Tổ chức cũng đã tài trợ và mời các cán bộ của Trung tâm bảo tồn Voi Đác Lắc tham gia các khóa tập huấn nâng cao phúc lợi cho động vật. Với các trường hợp khẩn cấp nhu voi rừng bị thương, Tổ chức ngay lập tức cử chuyên gia thú y quốc tế tới khám điều trị và phẫu thuật mổ vết thương lấy dị vật, và hỗ trợ chăm sóc như trường hợp dị vật mắc trong chân cá thể voi rừng cứu hộ năm 2015.