Tác phẩm mới:

Tình yêu mạnh như nước

Cầm tập thơ Tình yêu mạnh như nước (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024) của nhà thơ, nhà báo Hà Phương (tên khai sinh là Đỗ Thị Thanh), tôi chợt nhớ tới những điều từng được nghe, được đọc về những đoàn quân là sinh viên đã “tốt nghiệp sớm” đại học, để lên đường vào miền nam chiến đấu.
0:00 / 0:00
0:00
Tình yêu mạnh như nước

Trong đội quân sinh viên Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) có gần 40 người đi đợt ấy chỉ có 4 nữ cử nhân văn khoa: Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Hà Phương và Đỗ Thị Chiến.

Họ học thêm một khóa viết báo chí và văn chương ngắn hạn, rồi ngay lập tức hành quân xẻ dọc dãy Trường Sơn. Vũ Thị Hồng và Đỗ Thị Chiến dừng lại ở chiến trường khu 5; Trần Thị Thắng và Hà Phương đi sâu vào mặt trận Đông Nam Bộ.

Sau này, bộ ba Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Hà Phương đều trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là những cây bút nữ được nhiều người biết đến.

Cách đây không lâu, Vũ Thị Hồng xuất bản tập truyện ký “Chạm vào ký ức” viết về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường ác liệt khu 5, địa bàn hầu như chiến sĩ đều là nam giới, duy nhất có chị là nữ.

Cuốn sách này được coi là nhật ký chiến trường bằng văn xuôi, tác giả là người trong cuộc viết để “trả nợ” đồng đội một thời cùng chia sinh tử; và vì thế nên nó cực kỳ sống động, chân thực và sâu sắc. Nếu “Chạm vào ký ức” là nhật ký bằng văn xuôi thì Tình yêu mạnh như nước là nhật ký bằng thơ.

Quãng đường mà nhà thơ Hà Phương phải vượt qua dài hơn các bạn rất nhiều, kèm theo đó là rất nhiều gian khổ: Rừng Trường Sơn hàng triệu quân đi.../Trận sốt rét bắt tôi nằm lại.../Giữa mùa khô nắng lửa/Thiếu gạo, thiếu nước, thiếu cả ký ninh/Cứ mở được mắt là... khóc nhớ nhà.

Các bài thơ viết trong giai đoạn này mang đậm chất nhật ký.

Các bài thơ viết trong giai đoạn này mang đậm chất nhật ký. Nhưng dường như từ đây, dần định hình phong cách và thế mạnh của thơ Hà Phương: người kể chuyện. Em đã ăn ngủ ở Trường Sơn một tháng ba ngày/Đang cuốc bộ cùng đồng đội...

Đã thân quen với đủ loại rau, củ, cây rừng/Đã thuộc làu từng tiếng chim kêu, thú hú. Những câu thơ mộc mạc toát lên sự chân thực, không tô hồng mà cũng không bi kịch hóa cuộc chiến, khiến người ta tin vào sức mạnh của người lính và của chính nghĩa.

Từ Trường Sơn, nhà thơ Hà Phương vào đến Củ Chi. Ở ngay sát Sài Gòn, sào huyệt của quân thù, cuộc sống đầy hung hiểm: Trong lòng đất là làng chúng tôi.../Da chúng tôi xanh bởi thiếu nắng trời/tóc bạc nhanh, ai cũng già trước tuổi/sống chết từng phút, từng giờ đều phải liệu lo/Mai thằng địch tập kích mấy giờ? (Vùng ven).

Thế nhưng, cô tiểu thư 21 tuổi vừa rời ghế giảng đường đã ngay lập tức trở thành cây bút chủ lực của văn nghệ giải phóng, luôn có mặt ở những điểm nóng nhất tại chiến trường Đông và Tây Nam Bộ, viết báo và làm thơ. Hà Phương đã được đồng đội và bà con trìu mến gọi là “bông hồng nơi đất thép”.

Có một bài thơ chị viết về nỗi đau mất mẹ: Đất nước cần, con không thể bỏ cuộc lên đường/Con chỉ không ngờ mình xa lâu thế.../Những ngày địch đánh ác liệt nhất ở Củ Chi/Mẹ khuất hai năm, con mới nhận được tin dữ (Mẹ ơi tha lỗi cho con).

Và chị đã “âm thầm ôm mặt khóc trong hầm địa đạo”, chỉ vì không muốn đồng đội phải gánh thêm một nỗi đau, “vì đồng đội mấy người cũng vừa mới hy sinh”.

Có lẽ từ khoảnh khắc đau đớn này, cô gái Hà Phương 22 tuổi giã từ thời thiếu nữ, trở thành người phụ nữ cứng cỏi, từng trải và sâu sắc: Ngày ở đây đi qua rất lâu/Thời gian tan ra không giới hạn/Bất cứ đâu cũng là mặt trận/Phút giây chùng dành vội cho anh và Cuộc sống dạy em từ máu lửa/Đại lượng, hiền hòa là cửa trường sinh (Nơi xa này em gửi về anh).

Quay trở lại tên tập thơ, Tình yêu mạnh như nước, đây không chỉ là một cái tên mà còn là quan niệm, triết lý và tuyên ngôn về tình yêu; lớn hơn nữa, là về cuộc đời này. Chỉ những người tựa vào tình yêu để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống mới có thể đúc kết nên điều giản dị ấy.

Bước ra khỏi chiến tranh, Hà Phương về Sài Gòn, tiếp tục công việc chính là làm báo. Chị xây dựng gia đình với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn.

Sau này chính nhà văn kể lại, người ta mới biết, nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Mạnh Tuấn có phần đóng góp lặng lẽ, tận tụy và bền bỉ của nhà thơ, nhà báo Hà Phương.

Chị cũng giống như người bạn thân, người đồng đội năm nào, nhà văn Vũ Thị Hồng (vợ của nhà văn Chu Lai), đã hơi lùi lại, nhận lo phần việc nước, việc nhà để những người đàn ông phát huy hết tài năng, sự nghiệp văn chương. Đó chỉ có thể là sức mạnh của tình yêu.

Nhưng các chị cũng chưa bao giờ rời xa văn chương, bởi cùng với văn chương, họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân vô giá cho ngày đất nước thống nhất. Sự khởi đầu đó sẽ không bao giờ kết thúc.

Hai phần ba còn lại của tập thơ Tình yêu mạnh như nước, nhà thơ Hà Phương đã chắt lọc từ những sáng tác trong gần 50 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Thơ của chị không đầu tư nhiều cho lập tứ, câu chữ cũng không kỹ lưỡng, trau chuốt, để cho nội dung và tình cảm dâng trào cuốn đi.

Nhiều bài thơ hay của chị, thường kể lại một câu chuyện có thật. Nhưng đây mới chính là biệt tài của chị, bởi từ những câu chuyện lôi cuốn ấy, người đọc nhận ra một triết lý sâu xa nào đó.

Huyền sử thiên đô, Tình yêu mạnh như nước, Bà mẹ Khơ-me Trà Vinh, Hãy tha lỗi cho em, Ở vùng chiến khu xưa, Tôi nhà bếp, Lời tỏ tình muộn của chàng Sún... chị viết tự nhiên như không, thế nhưng ngẫm lại thấy không hề dễ, bởi đó là lối viết kể chuyện “vô chiêu” chỉ có ở Hà Phương, tuy mộc mạc, hồn nhiên, nhưng càng đọc càng cuốn hút.

Bởi trùm lên tất cả, đó là những câu chuyện về tình yêu con người, đầy đặn và mênh mang như nước, đi và đến được muôn nơi...