Bước thơ trên ngàn dấu lá

Phan Đức Lộc sinh năm 1995, thuộc thế hệ nhà văn trẻ giàu nội lực và khá nhiều thành tích. Độc giả vốn quen thuộc với anh qua nhiều tác phẩm văn xuôi, những tập truyện, tản văn của anh xuất bản khá đều đặn hằng năm.
0:00 / 0:00
0:00
Bước thơ trên ngàn dấu lá

Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà văn trẻ này đã trình làng tập thơ để lưu lại những tình cảm của mình với mảnh đất hiện anh đang sinh sống và làm việc.

40 bài thơ trong ấn phẩm “Thị trấn ngủ quên” như những phác thảo đậm đà cảm xúc của anh dành cho Điện Biên. Quãng thời gian sống và gắn bó bao nhiêu năm với mảnh đất này đã nảy nở trong lòng chàng trai trẻ nhiều suy niệm. Công tác tại thị trấn Tuần Giáo, thị trấn nhỏ hiện lên qua câu chữ của Lộc đẹp một cách tiêu sơ nhưng đằm đượm nỗi buồn: “thị trấn mang tên một loài hoa không quả/chiều lan man vân khói lạc trời/những dấu chân chảy trên ngàn dấu lá/tàn hoàng hôn mang nhóm bếp nhà người’’. Bấy nhiêu cũng đủ thấy sự thẩm thấu của chàng trai gốc Nghệ khi gắn đời mình với mảnh đất Điện Biên. Cơ hồ trong muôn nghìn bước chân đã băng đèo lội suối với đất này, mới thấy được một vẻ đẹp u hoài của mảnh đất phủ đầy hoa ban.

Giữa điệp trùng của núi rừng, sự cô liêu thể hiện hẳn qua ngọn khói, qua bước chân in trên dấu lá, qua hoàng hôn gói ghém vào căn bếp và qua cả những mùa hoa ban: “ta vẽ phố tháng ba thầm lặng/những mùa ban mải miết khứ hồi/ban bừng nở để cây thay lá mới/ta cũ đi vì chưa sống cho mình”. Có thể thấy thơ của Phan Đức Lộc sử dụng khá nhiều hình ảnh liên tưởng để khơi gợi nội tâm. Từ đó dẫn dắt độc giả đi vào một vùng núi đồi bạt ngàn mầu xanh. Tưởng chừng như cô liêu đó nhưng sự sống vẫn luôn nảy nở trên vùng đất này, nơi chí khí hào hùng vẫn chưa bao giờ ngừng tỏa rạng.

Điện Biên trong tập thơ “Thị trấn ngủ quên” mộc mạc, dung dị mà đủ đầy những trầm tích lịch sử. Đến và sống, đi rồi chạm, tâm khảm mình cũng rung cảm theo những chỉ dấu của biên niên đất cùng người, dẫu bất cứ nơi đâu, với một người viết lách, sẽ luôn là thế. Nhưng khác chăng, mỗi góc nhìn, lát cắt của người sáng tác sẽ không bao giờ giống nhau. Với một người trẻ như Phan Đức Lộc, nhìn mảnh đất anh hùng với chiến công vang dội năm châu khi xưa sẽ là một góc nhìn thật mới, tươi trong và xanh lành: “dòng Nậm Rốm rút ruột chảy quên mình/ghi hình những bản làng ngái ngủ/mùa quả ban gieo hạt về lịch sử/huyền thoại xanh đồi A1 tháng năm/nắng hong khô giọt nhớ vừa rơi/ban ấp bóng cả cung đường thành phố/những hố bom đong những mùa lúa mới/đồng Mường Thanh nghiêng như một cánh diều”.

Tập thơ lần này thêm một lần nữa cho thấy bút lực sung mãn và đang vào mùa chín của Phan Đức Lộc. Tác phẩm vừa giành giải nhất Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên 5 năm lần thứ IV, giai đoạn 2019-2024.