Vào khoảng những năm 1980, săn bắn và khai thác gỗ đã phá hủy môi trường sống của loài khỉ, gây ra những mối đe dọa cho sự tồn tại của chúng.
Cải thiện môi trường sống chính là yếu tố cơ bản để bảo tồn đa dạng sinh học. Năm 1983, Vân Nam thành lập Khu bảo tồn tự nhiên Bạch Mã Tuyết Sơn để cứu những loài khỉ có nguy cơ tuyệt chủng. Năm 1988, Khu bảo tồn được nâng cấp thành Khu bảo tồn tự nhiên quốc gia.
Để những con khỉ ở đây cảm thấy "như ở nhà", người dân chung quanh Khu bảo tồn cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn. Nhờ nỗ lực chung của Chính phủ, các nhà nghiên cứu và dân làng địa phương, số lượng khỉ lông vàng Vân Nam trong khu bảo tồn không ngừng tăng lên.
Cùng với Khu bảo tồn Núi tuyết Bạch mã, Vân Nam cam kết xây dựng một hệ thống bảo tồn thiên nhiên khoa học, nhằm bảo vệ hiệu quả các quần thể và môi trường sống của một số lượng lớn các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như công xanh và voi châu Á.
Châu Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam liên tục tăng cường xây dựng và quản lý môi trường sống của động vật hoang dã, phục hồi mạnh mẽ hệ thống sinh thái rừng nhiệt đới, đẩy mạnh xây dựng Khu bảo tồn và kiểm soát voi châu Á. Từ năm 2015, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 20 triệu nhân dân tệ để triển khai việc giám sát và cảnh báo sớm voi châu Á. Năm 2018, Trung tâm kiểm soát và cảnh báo sớm voi châu Á được thành lập, với đội ngũ giám sát và cứu hộ chuyên nghiệp. Nhờ đó, công tác bảo hộ voi châu Á được thực hiện rất hiệu quả.
"Các loài như vượn đen, khỉ lông vàng Vân Nam và công xanh,... đóng vai trò chủ đạo trong hệ sinh thái và cũng là chỉ số của đa dạng sinh học khu vực. Bảo vệ chúng sẽ bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái của cả khu vực", Ủy viên Ủy ban Khoa học động vật có nguy cơ tuyệt chủng quốc gia, Giáo sư Viện Khoa học lâm nghiệp và thảo nguyên, Dương Vũ Minh khẳng định.
Theo kết quả khảo sát, số cá thể và khu vực phân bố của khoảng 50 loài động vật hoang dã ở Vân Nam đã tăng lên và mở rộng, như voi châu Á, sau hơn 30 năm cứu hộ và bảo vệ, quần thể loài này ở Vân Nam đã tăng từ hơn 190 con vào đầu những năm 1980 lên khoảng 300 con hiện nay. Ngoài ra, có tới 420 loài chim di cư đến Vân Nam hằng năm.