Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, người đứng đầu đảng bộ các địa phương, sở, ngành đi sâu trao đổi khó khăn, vướng mắc và lộ trình “trả nợ” những phần việc quan trọng.
Kinh tế nhiều khởi sắc
Hội nghị đánh giá cao nhiều kết quả tích cực toàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong 9 tháng đầu năm.
Nổi bật là: Kinh tế tiếp tục phục hồi và có bước phát triển tốt, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 191.500 tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2023.
Các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chủ yếu tăng trưởng khá. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng hơn 11% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng hơn 10% so cùng kỳ; kết quả xuất siêu 4,9 tỷ USD.
Đồng Nai nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, đến nay toàn tỉnh đã có 110/120 xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, 3 huyện hoàn thành bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài tăng cao so cùng kỳ. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1 tỷ 178 triệu USD, tăng 22,5% so cùng kỳ; Tổng vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 131.600 tỷ đồng, tăng gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục có bước phát triển, đạt nhiều kết quả khả quan. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai điều hành Hội nghị. |
Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường gắn với hoạt động Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xem xét, kiểm điểm trách nhiệm, thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng viên theo thẩm quyền.
Một trong những công việc quan trọng của toàn Đảng bộ tỉnh Đồng Nai từ đầu năm đến nay là từng bước triển khai thực hiện chặt chẽ Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng bảo đảm tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó là chủ động sắp xếp cán bộ dôi dư, tài sản, văn phòng để thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính tại một số địa phương, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/ 2024.
Tiếp tục tháo gỡ “nút thắt”, thúc đẩy phát triển
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, người đứng đầu đảng bộ các địa phương, sở, ngành đi sâu trao đổi khó khăn, vướng mắc và lộ trình “trả nợ” những phần việc quan trọng.
Đặt vấn đề tại sao kết quả thu ngân sách hằng năm của Đồng Nai giảm sâu khoảng 10.000 tỷ đồng từ năm 2021 đến năm 2024, trong khi GRDP tăng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng, thu hút vốn đầu tư tăng, có ý kiến đề nghị cần phân tích, lý giải thấu đáo nghịch lý này và Thường trực Tỉnh ủy quan tâm hơn nữa chỉ đạo hoạt động thu thuế thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý: Vẫn có nhiều cán bộ thờ ơ, vô cảm, né tránh chức năng, thẩm quyền và đùn đẩy trách nhiệm trong công việc. |
Bên cạnh đó, hội nghị thẳng thắn chỉ ra một số nhiệm vụ thực hiện kết quả còn hạn chế, như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công 2024 tại một số địa phương, các ban quản lý và sở, ngành liên quan chưa sâu sát, quyết liệt, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn thấp, tính đến hết tháng 9 vừa qua mới được 7.870 tỷ đồng, đạt 38,5% chỉ tiêu.
Nhìn chung, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến về tiến độ giải ngân nhưng vẫn chậm so với kế hoạch.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lưu ý, nguồn lực tỉnh đã phân bổ hết cho các dự án nhưng hấp thu chậm chạp, trong khi các dự án mới đang khát vốn thì lại không còn để bố trí, nhất là các huyện đang rất cần đầu tư nguồn lực để trả nợ các tiêu chí nông thôn mới nâng cao/kiểu mẫu.
Theo đó, cho rằng, vốn đầu tư công chỗ này giải ngân không hết mà lại đi vay vốn lãi suất để đầu tư chỗ khác là một sự lãng phí. Cần tính toán hóa giải bài toán này, bố trí vốn hợp lý thì giải ngân mới hiệu quả, để tập trung đầu tư các công trình phục vụ cho phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng một số công trình, dự án còn chậm so với yêu cầu, làm cho nhiều dự án chậm giải ngân, nguồn vốn bố trí không hiệu quả.
Liên quan đến đầu tư công mạng lưới trường lớp, vấn đề hội nghị lần này quan tâm thảo luận qua đó thống nhất cao chủ trương, giải pháp đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tăng tỷ lệ trường công lên 75% thay vì 65% như hiện nay, nhằm kéo giảm sĩ số, nâng chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Bất cập nữa nổi lên là khó khăn của doanh nghiệp được quan tâm tháo gỡ nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đòi hỏi của nền kinh tế, nhất là các dự án bất động sản. Trong khi đó, vẫn có nhiều cán bộ thờ ơ, vô cảm, né tránh chức năng, thẩm quyền và đùn đẩy trách nhiệm trong công việc.
Quang cảnh Hội nghị. |
Việc chuyển đổi số có nhiều nổ lực, song nhiều nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến; công tác triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ vào thực tiễn trên các lĩnh vực chưa đạt yêu cầu đề ra.
Tình trạng các doanh nghiệp vi phạm trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa có biện pháp xử lý mạnh hơn làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Khiếu kiện đông người liên quan đến các dự án bất động sản có xu hướng tăng, nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng”.
Trước thực tế trên, để đạt được mục tiêu đề ra năm 2024 và của cả nhiệm kỳ, đòi hỏi toàn Đảng bộ tỉnh Đồng Nai phải cố gắng hơn nữa để thúc đẩy hàng loạt vấn đề.
Các đại biểu dự hội nghị đã phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, đánh giá đúng tình hình, đề xuất các giải pháp mới, đột phá, phù hợp với tình hình thực tiễn để tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện.