Đồng Nai quyết tâm đánh thức những dư địa mới để phát triển xứng tầm

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định quan điểm "phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, lấy khu vực sân bay Long Thành, sông Đồng Nai làm điểm nhấn, động lực mới cho phát triển đột phá" và hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050. Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh quy hoạch được coi là “chìa khóa” quyết định sự phát triển bền vững của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.

Nỗ lực chuẩn bị nguồn lực quan trọng để “mở cửa” bầu trời

Phóng viên: Thưa đồng chí, dư luận đang rất kỳ vọng vào một vóc dáng, hình hài mới, diện mạo khởi sắc mạnh mẽ của vùng đất Đồng Nai sau khi Quy hoạch lần này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng chí có thể nói rõ hơn đâu là những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả nhằm xác lập không gian phát triển xứng tầm, tạo đà thu hút đầu tư dài hạn theo định hướng chiến lược tỉnh vạch ra?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Bản Quy hoạch tỉnh có tầm quan trọng đặc biệt, là nền móng và hành lang định hướng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định Đồng Nai thuộc Vùng động lực phía nam về kinh tế, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu phát thải trung tính “Net Zero” vào năm 2050. Đồng thời, tỉnh xác định những dư địa mới cần được đánh thức và khai thác hiệu quả, như phát triển chuỗi đô thị, du lịch, dịch vụ theo tuyến sông Đồng Nai, vùng phụ cận sân bay Biên Hòa và Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Tỉnh nhận thấy đây là động lực mới cho phát triển đột phá.

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất chảy ra Biển Đông, quá trình hình thành và phát triển gắn liền với vùng đất Đồng Nai, là nguồn lực quan trọng được khai thác sử dụng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta chưa khai thác hết các thế mạnh từ hệ thống sông Đồng Nai chưa tạo thành động lực phát triển mạnh mẽ. Do đó trong quy hoạch lần này, xác định sông Đồng Nai là một trục kinh tế năng động của tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn mới.

Đồng Nai quyết tâm đánh thức những dư địa mới để phát triển xứng tầm ảnh 1

Sông Đồng Nai là một trục kinh tế năng động của tỉnh Đồng Nai.

Để xây dựng tuyến đường ven sông và các đô thị ven sông, xâu chuỗi liên hoàn các hoạt động du lịch, văn hoá, dịch vụ tạo sức hút mới và hài hòa với thiên nhiên, nâng cao giá trị của vùng đất văn hóa, lịch sử Biên Hòa, tỉnh sẽ triển khai làm các cầu bắc qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương.

Phát triển đô thị sân bay Long Thành, tập trung phát triển các hạ tầng, hoàn thiện kết nối sân bay với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia. Phát triển khu đô thị sân bay tại cửa ngõ phía tây nam sân bay Long Thành, trở thành trung tâm tài chính-dịch vụ hàng không, địa điểm giao lưu thương mại, ngoại giao, văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Phát triển tuyến công nghiệp-logistics kết nối sân bay quốc tế Long Thành với hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, xanh và thân thiện môi trường ở phía đông nam sân bay, liên kết với hệ thống công nghiệp-dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép-Thị Vải. Phát triển chuỗi đô thị-công nghiệp- dịch vụ liên kết sân bay Long Thành với các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ theo trục cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Câu chuyện “mở cửa” bầu trời với dự án sân bay Long Thành có thể coi như cơ hội “trăm năm có một” cho tỉnh Đồng Nai tăng tốc “cất cánh”. Vậy, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai chuẩn bị những nguồn lực quan trọng nào để tận dụng tốt nhất lợi thế?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 9/2026, nhân dịp chào mừng 81 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Dự án trở thành biểu tượng phát triển, khát vọng vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai. Sau khi đi vào hoạt động, dự án kỳ vọng có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1-2%/năm.

Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistic; thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2035. Đồng Nai đang tập trung chuẩn bị các nguồn lực về vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, nguồn nhân lực qua đào tạo, đội ngũ công chức tận tâm… để tận dụng tốt nhất những lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại khi đi vào hoạt động.

Thứ nhất là nguồn nhân lực, tỉnh xác định phải đào tạo, cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc, phục vụ sân bay Long Thành và các dự án chung quanh. Muốn làm được điều đó, trước hết tỉnh cần thu hút các cơ sở đào tạo bài bản chuyên sâu, xây dựng trường lớp ngay tại Đồng Nai (bên cạnh các trường đại học, cao đẳng đang hoạt động tại tỉnh, một số cơ sở đào tạo đang được tập trung triển khai như phân hiệu và tỉnh ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp các ngành gấp rút tiến hành kết nối đào tạo lao động với các cơ sở đào tạo, bảo đảm người lao động sẵn sàng ngay khi được giao việc mà doanh nghiệp không phải đào tạo lại.

Thứ hai là phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực sân bay để tạo sự kết nối đồng bộ với các loại hình giao thông hàng không-hàng hải quốc tế-đường thủy nội địa-đường bộ-đường sắt. Giao thông từ sân bay tỏa hướng đi các cảng, các khu công nghiệp của tỉnh, của vùng phải thật sự thuận lợi, ngoài các công trình dự án giao thông quan trọng quốc gia đang đầu tư, tỉnh thúc đẩy các dự án quan trọng kết nối nội vùng và nội tỉnh. Theo đó, để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD và lãnh đạo tỉnh đang huy động các nguồn vốn thực hiện công việc hệ trọng này.

Đồng Nai quyết tâm đánh thức những dư địa mới để phát triển xứng tầm ảnh 2
Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đi vào khai thác giai đoạn 1 vào tháng 9/2026.

Thứ ba là phát triển các ngành dịch vụ, hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động ngoài sân bay, điển hình như các dự án cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ, thể thao, mua sắm, du lịch, giải trí của du khách và đặc biệt là logistics hàng không. Tất cả lĩnh vực này phải được thúc đẩy ngay từ bây giờ, để khi sân bay đi vào hoạt động các công trình dịch vụ này có thể phục vụ ngay nhu cầu của người dân và du khách.

Trong thời gian tới, tỉnh công bố loạt danh mục các dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành, thu hút đầu tư cho kịp tiến độ sân bay đi vào hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra. Thực hiện tìm kiếm, kêu gọi, thu hút cho được nhà đầu tư có tiềm lực cạnh tranh đủ mạnh để có thể đáp ứng quy mô nguồn vốn và tốc độ triển khai thực hiện dự án.

“Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm

Phóng viên: Đâu là những khó khăn nổi cộm nhất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khi thực thi bản quy hoạch mới? Và để giải quyết, khắc phục tốt hơn vấn đề đó, thì nhóm giải pháp trọng tâm nào đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tính đến, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Mặc dù có vị trí và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhưng kinh tế tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng. Các khó khăn, hạn chế này đã được nhận diện cụ thể, nổi bật là các khía cạnh như:

Tăng trưởng kinh tế chậm dần do sức hấp dẫn giảm, thu hút đầu tư giảm, chưa thu hút được nhiều dự án có công nghệ tiên tiến; quy mô và chất lượng các loại hình dịch vụ vẫn ở mức nhỏ.

Hạ tầng xã hội chịu nhiều áp lực do tăng dân số cơ học, làm cho chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn chưa đạt như kỳ vọng, các vấn đề an sinh cho người dân cũng gặp áp lực. Đô thị hóa, gắn với các hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch được xác định là động lực chủ yếu song diễn ra còn chậm. Tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của cả nước, của vùng trên địa bàn tỉnh còn chậm, là “điểm nghẽn ”chính trong việc thu hút đầu tư.

Đồng Nai quyết tâm đánh thức những dư địa mới để phát triển xứng tầm ảnh 3

Cao tốc Bến Lức-Long Thành, đoạn qua địa bàn Đồng Nai chuẩn bị hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Khả năng hành động của đội ngũ cán bộ, công chức chưa theo kịp với thay đổi của xã hội. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai vẫn chậm hơn so với một số địa phương trong nhóm tăng trưởng nhanh của cả nước. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, chính quyền số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bộ máy hành chính và nền kinh tế của tỉnh còn hạn chế.

Tiềm lực khoa học, công nghệ của tỉnh chỉ đạt mức trung bình khá so với mặt bằng cả nước, cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học còn yếu và thiếu, chưa đủ năng lực nghiên cứu, giải quyết được căn cơ các vấn đề thực tiễn quản lý, sản xuất theo yêu cầu phát triển. Chưa có các cơ sở nghiên cứu khoa học về lĩnh vực trọng tâm là phát triển du lịch và kinh tế vận tải, logistics. Một số dự án quan trọng chậm tiến độ và không đạt được hiệu quả như mong đợi; việc quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất vẫn còn lỏng lẻo.

Để giải quyết, khắc phục tốt hơn vấn đề trên, thì nhóm giải pháp trọng tâm mà tỉnh cần tập trung trong thời gian tới là: Kiên định mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp-TFP.

Đối với các dự án đầu tư vào tỉnh Đồng Nai phải là những dự án có hàm lượng cao về công nghệ, gia tăng giá trị tối đa, không được phép thâm dụng lao động và gây xâm hại môi trường. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải có chính sách chăm lo, giữ chân người lao động, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề để ngày càng có chất lượng cao hơn, hội nhập được môi trường lao động quốc tế.

Thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế của tỉnh, gồm công nghiệp; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; logistic, dịch vụ, du lịch, thương mại, khai thác cảng hàng hải, cảng hàng không quốc tế; xây dựng.

Thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân và kiểm soát có hiệu quả đầu tư FDI, bảo đảm sự cân bằng giữa thu hút FDI và thu hút đầu tư trong nước, giảm sự lệ thuộc vào kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm an ninh kinh tế và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

Xây dựng chiến lược để phát triển bao gồm: Về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; các vấn đề về năng lượng; về nghiên cứu khoa học và sáng tạo; vấn đề nước ngọt phục vụ dân sinh, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; về nâng cao Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và môi trường để thu hút Nhà đầu tư; về chuyển đổi số; vấn đề phân vùng phát triển, tránh xung đột về lợi ích trong quá trình phát triển.

Đồng Nai quyết tâm đánh thức những dư địa mới để phát triển xứng tầm ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát tại một nhà máy ở khu công nghiệp Biên Hòa 2.

Xác định nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh từ 3 nguồn chính gồm: ngân sách, xã hội-xã hội hóa và từ khai thác quỹ đất công. Trong đó, rà soát nguồn lực ngân sách, phân bổ tỷ lệ chi đầu tư hằng năm bảo đảm tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, không đồng bộ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư, nỗ lực giảm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển; thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai thông qua đấu giá đất công để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phải thấm nhuần tư duy chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển chung, vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của tỉnh Đồng Nai và của nhân dân.

Phải nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó sẵn sàng trong đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư; minh bạch trong tiếp cận thông tin và công tâm lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp gắn với nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), làm cho bộ máy nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, phụng sự nhân dân. Sẵn sàng tiếp, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp.

Kiên định mục tiêu đạt được phát thải trung tính-Netzero vào năm 2050; từ đó, thực thi các giải pháp về chuyển đổi công nghệ, thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm từng bước giảm thải phát thải carbon, tham gia xây dựng và phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon.

Phóng viên: Để Quy hoạch lần này biến thành hiện thực, còn hàng loạt nhiệm vụ trụ cột, đột phá phải làm bền b, quyết liệt trên một chặng đường dài đầy thử thách phía trước. Theo cá nhân đồng chí, đội ngũ cán bộ của tỉnh đóng vai trò tiên quyết ra sao trong quá trình này?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Ngay từ giai đoạn lập Quy hoạch, tỉnh đã yêu cầu các ngành, các địa phương phải chọn ra những cán bộ ưu tú nhất để chấp bút vào Đồ án Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch tỉnh Đồng Nai để xây dựng đồ án vừa có tầm nhìn xa vừa có tính khả thi cao.

Đảng ta luôn khẳng định trong công tác xây dựng Đảng thì công tác cán bộ là khâu then chốt của vấn đề then chốt. Thực tế lịch sử đã chứng minh triều đại nào, địa phương nào sản sinh ra người giỏi, quy tụ được người giỏi thì triều đại đó phát triển cực thịnh “Không có người tài thì không thành đại sự”. Có thể nói, người giỏi là cái gốc cho sự phát triển, cái gốc cho sự thành công của một địa phương hay một tổ chức. Do vậy, để hiện thực hóa được mục tiêu của Quy hoạch tỉnh, chúng ta cần quan tâm một số nội dung đối với công tác cán bộ như sau:

Lãnh đạo các cơ quan cần tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm việc, nhất là môi trường làm việc phải tốt. Lựa chọn cán bộ cạnh tranh, công tâm, công bằng, khách quan trong công tác cán bộ, tôn trọng người giỏi, lấy con người làm gốc. Tổ chức học tập, mở mang kiến thức cho đội ngũ công chức làm quy hoạch tỉnh. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những cán bộ tận tâm với công việc, kiên quyết thay thế những cán bộ chây ỳ, đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Tỉnh Đồng Nai quán triệt nguyên tắc 3 “không” của Thủ tướng Chính phủ về thực thi công vụ đến toàn thể cán bộ công chức của tỉnh: “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh là một nhiệm vụ rất nặng nề. Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được định vị, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là đội ngũ, là nhân hòa, là tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, thì tôi tin rằng tỉnh Đồng Nai sẽ sớm “cất cánh cùng sân bay Long Thành”.

Đồng Nai quyết tâm đánh thức những dư địa mới để phát triển xứng tầm ảnh 5

Một góc đô thị Biên Hòa.

Phóng viên: Luôn cố gắng suy nghĩ, hành động sớm hiện thực hóa Quy hoạch thành công, tạo nên “cú hích” bứt phá cho địa phương, ở thời điểm hiện tại, phải chăng người đứng đầu Đảng bộ tỉnh đang đau đáu trăn trở vấn đề cụ thể muốn kiến nghị Trung ương?

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh: Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng Đông Nam Bộ, có vị trí là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế. Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết nội vùng Đông Nam Bộ với 5 phương thức giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế, hàng không.

Để sớm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo bứt phá cho địa phương phấn đấu khát vọng nâng tầm đưa Đồng Nai xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tôi kiến nghị Trung ương sớm xây dựng ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ trong đó có Đồng Nai, tập trung trong các lĩnh vực như đầu tư hạ tầng giao thông kết nối; huy động nguồn lực; hỗ trợ thu hút đầu tư các dự án tỷ đô; khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; khu công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế chính sách về phân cấp điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, sớm có chính sách khung phù hợp, quá trình chuyển đổi công năng các khu công nghiệp, di dời sản xuất của các doanh nghiệp gắn với tổ chức lại không gian công nghiệp-đô thị và phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái.

Ngoài ra, kiến nghị Trung ương sớm triển khai các dự án kết nối vùng trong đó giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bến Lức-Long Thành, công tác chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tiến độ dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú để sớm tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện dự án. Sớm triển khai thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-sân bay Long Thành để chia sẻ áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!