Đồng Nai nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Cùng với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư các dự án du lịch lớn, thời gian gần đây, nhiều giải pháp để tăng cường truyền thông, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, vẻ đẹp của du lịch Đồng Nai đã được thực hiện. Qua đó, giúp du lịch Đồng Nai có nhiều khởi khắc, góp phần hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Thị Ngọc Loan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai.
Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai.
Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai.

Du lịch Đồng Nai có nhiều khởi sắc

Phóng viên: Trước hết, đồng chí có thể phác hoạ những nét nổi bật trong bức tranh du lịch Đồng Nai đang may mắn sở hữu và cho biết một số kết quả nổi bật, bước chuyển biến thực chất thuộc lĩnh vực này từ đầu năm 2024 đến nay?

Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan: Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Đồng Nai thu hút gần 1.000 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới. Trong đó, khu du lịch Sơn Tiên đưa vào hoạt động khu công viên chuyên đề Sơn Tiên Amazing Word với nhiều hoạt động vui chơi giải trí chất lượng cao; 2 khách sạn mới đưa vào hoạt động; khu du lịch Bò Cạp Vàng đưa vào động khu tắm Thác; khu Bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức khai trương khu lưu trú tại Hồ Bà Hào... để tăng cường thu hút khách du lịch.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh IUCN. Đây là một bước tiến lớn trong công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Cùng với đó, Khu du lịch Bò Cạp Vàng được bầu chọn là 1 trong 10 điểm đến du lịch sinh thái được yêu thích nhất do tạp chí Sở hữu và Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp Liên hiệp Khoa học Doanh nhân tổ chức, góp phần nâng cao vị thế về du lịch sinh thái tại Đồng Nai.

Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức rộng khắp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như: Lễ hội Chùa Ông, Lễ hội Trái cây Long Khánh, giải chạy Trị an Ultra Marathon 2024 - Âm vang mùa xuân, giải bán Marathon Biên Hòa mở rộng,… đã góp phần tăng cường thu hút khách và quảng bá du lịch Đồng Nai.

Hoạt động đầu tư du lịch sinh thái được các nhà đầu tư quan tâm. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú và khu Bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm và gửi hồ sơ để đăng ký đầu tư. Trong đó, Khu bảo tồn đã nhận được 12 hồ sơ và đang phối hợp các sở, ngành liên quan để thẩm định và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng với Công ty cổ phần The Coi để triển khai dự án du lịch sinh thái.

Với nhiều tín hiệu khởi sắc, 9 tháng đầu năm 2024, du lịch Đồng Nai đón được 2.723.000 lượt khách (trong đó khách nội địa: 2.642.716 lượt, khách quốc tế 80.284 lượt), tăng 21% và doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.827 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng Nai nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng ảnh 1

Du khách trải nghiệm vườn trái cây ở thành phố Long Khánh.

Phóng viên: Đâu là những thế mạnh độc đáo, sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương có sức hút mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh tăng trưởng cả về số lượng du khách, doanh thu như trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan: Đồng Nai là địa phương có lợi thế về phát triển du lịch từ tài nguyên tự nhiên, cảnh quan đến tài nguyên văn hóa bao gồm rừng, sông, núi, hồ, thác, địa hình, địa mạo. Do đó, trong những năm qua, Đồng Nai đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và hiện nay khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn Quốc gia Cát Tiên mới đây đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chính thức công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Khu bảo tồn thứ 72 trên thế giới đạt danh hiệu Danh lục Xanh.

Khu du lịch Sơn Tiên đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận 11 kỷ lục; hệ thống sân golf, đặc biệt là sân golf Long Thành là một trong những sân golf đẹp nhất Việt Nam; Khu du lịch Bò Cạp Vàng vừa được bầu chọn là 1 trong 10 điểm đến du lịch sinh thái được yêu thích nhất do tạp chí Sở hữu và Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp với Liên hiệp Khoa học Doanh nhân tổ chức.

Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm khám phá là những thế mạnh, sản phẩm để thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch tại Đồng Nai.

Phóng viên: Một trong những nỗ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thời gian gần đây là tăng cường truyền thông, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, vẻ đẹp của du lịch Đồng Nai và xúc tiến quảng bá, thúc đẩy liên kết, hợp tác lĩnh vực du lịch. Những hoạt động này đang phát huy tác dụng bước đầu ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan: Trong chương trình hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng Nai năm 2024, ngành du lịch cũng đã đề ra các phương hướng hoạt động phù hợp và đổi mới nhằm đạt hiệu quả trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh. Hoạt động tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch Đồng Nai qua các phương tiện thông tin đại chúng được đẩy mạnh; thực hiện bộ ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, dự án đầu tư du lịch, thông tin du lịch; xây dựng quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Nai trên tuyến tàu hỏa bắc – nam; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tham gia xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước…

Có thể nói, hoạt động quảng bá, xúc tiến trong thời gian qua, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng lượng khách du lịch đến với Đồng Nai, mà còn thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Đồng Nai.

Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, quyết tâm xây dựng du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế quan trọng và phát triển bền vững. Đồng thời, mang lại hiệu quả cao, tăng cường đầu tư cho du lịch; phát triển sản phẩm chất lượng cao và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm dịch vụ.

Đồng Nai nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát Khu du lịch núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc năm 2021.

Phóng viên: Theo đồng chí du lịch trên địa bàn đang đứng trước những cơ hội nào để khai thác tối đa tiềm năng, cung cấp những sản phẩm du lịch chất lượng cao, chuỗi sản phẩm dịch vụ hấp dẫn nhằm thu hút giữ chân một bộ phận du khách lưu trú lại Đồng Nai thời gian tới, nhất là khi sân bay quốc tế đi vào hoạt động?

Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan: Theo kế hoạch tháng 9 năm 2026, sân bay quốc tế Long Thành sẽ đưa vào khai thác. Việc đưa vào hoạt động sân bay này sẽ mở ra cho du lịch Đồng Nai cơ hội phát triển nhanh trong những năm tiếp theo. Tạo động lực thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nhất là các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án lớn, hạ tầng giao thông kết nối sân bay sẽ được đầu tư đồng bộ, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho các cơ sở dịch vụ phụ trợ cho ngành du lịch, thu hút được nhiều khách quốc tế đến Đồng Nai.

Tuy nhiên, cũng mang lại thách thức cho ngành du lịch của tỉnh là cơ sở vật chất du lịch phải đồng bộ, sản phẩm du lịch phải hấp dẫn, chất lượng, nguồn nhân lực phải có chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng giao tiếp ngoại ngữ để giữ chân du khách lại Đồng Nai.

Để tận dụng cơ hội này, ngành du lịch Đồng Nai đã và đang tập trung vào khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Cụ thể, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và tập trung mọi nguồn lực triển khai các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh (Dự án du lịch Núi Chứa Chan – Hồ Núi Le, dự án Khu du lịch Thác Mai – Bàu nước sôi,…). Nâng cấp đầu tư các hạng mục dịch vụ vui chơi giải trí tại các điểm du lịch sẵn có. Nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ số và phát triển du lịch thông minh giúp du khách thuận tiện trong việc tra cứu tìm hiểu thông tin điểm đến dịch vụ một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Bên cạnh đó, để tạo ra sức hút, bản sắc cho du lịch Đồng Nai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã định hướng và phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh, các chuyên gia du lịch nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp mang yếu tố văn hóa bản địa - làng nghề truyền thống - tập quán canh tác - ẩm thực địa phương để thu hút khách quốc tế.

Đồng Nai nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng ảnh 3

Du lịch trải nghiệm sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Sân bay Long Thành với 5 hướng tuyến du lịch

Phóng viên: Tuy nhiên, không có quy hoạch du lịch thì không phát triển du lịch Đồng Nai được. Và rất mừng là trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 , tầm nhìn 2050, đã xác định 5 hướng tuyến du lịch với trung tâm là sân bay quốc tế Long Thành toả đi các hướng. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn thông tin về 5 hướng tuyến du lịch mà các nhà đầu tư và du khách đang quan tâm?

Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan: Tại Hội nghị giao ban về phát triển du lịch vào tháng 8 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã định hướng 5 hướng tuyến với trung tâm là sân bay quốc tế Long Thành để đầu tư phát triển gồm: Tuyến sân bay Long Thành-Biên Hòa-Vĩnh Cửu; tuyến sân bay Long Thành-Định Quán-Tân Phú; tuyến sân bay Long Thành-Long Khánh-Xuân Lộc; tuyến sân bay Long Thành - Nhơn Trạch và tuyến sân bay Long Thành-Cẩm Mỹ.

Đối với mỗi tuyến, tiếp tục khuyến khích các đơn vị khai thác sẽ đầu tư nâng cấp các sản phẩm dịch vụ hiện hữu. Bên cạnh đó, sẽ mời gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm để đầu tư để đầu tư mới các điểm đến hướng đến chất lượng cao để tạo điểm nhấn.

Tuyến sân bay Long Thành-Biên Hòa-Vĩnh Cửu sẽ tập trung phát triển du lịch sông, du lịch ven sông và đặc biệt là xây dựng hồ Trị An trở thành khu du lịch quốc gia trở thành điểm nhấn của tuyến.

Tuyến sân bay Long Thành-Định Quán-Tân Phú, ngoài điểm nhấn là Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ phát triển thêm nhiều điểm đến du lịch sinh thái tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú và các khu thương mại dịch vụ tại khu vực sân bay Long Thành, đồng thời có thể kết nối với các điểm đến của tỉnh Lâm Đồng.

Tuyến sân bay Long Thành-Long Khánh-Xuân Lộc sẽ phát triển thêm khu phức hợp chất lượng cao tại danh thắng quốc qua núi Chứa Chan để tạo điểm nhấn của tuyến, đồng thời có thể kết nối các điểm đến của tỉnh Bình Thuận.

Tuyến sân bay Long Thành-Nhơn Trạch tập trung phát triển các khu nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm cao cấp là các điểm nhấn của tuyến, đồng thời kết nối với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tuyến sân bay Long Thành-Cẩm Mỹ tập trung phát triển các khu thương mại dịch vụ để tạo điểm nhấn của tuyến, đồng thời kết nối với các điểm đến của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phóng viên: Du lịch được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang gấp rút triển khai những giải pháp đột phá nào để du lịch sớm trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế địa phương như kỳ vọng?

Đồng chí Lê Thị Ngọc Loan: Trên cơ sở Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện.

Hiện nay, Đồng Nai đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn du khách, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Đồng Nai nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng ảnh 4

Du lịch sinh thái rừng ở Đồng Nai ngày càng thu hút du khách.

Trong đó, ưu tiên tập trung nhóm nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chất lượng cao.

Về hình thành các sản phẩm du lịch mới chất lượng cao, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được một số dự án phát triển du lịch như: Dự án du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi (Định Quán); dự án khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le, huyện Xuân Lộc; dự án khu nuôi động vật bán hoang dã (Safari) - Khu Bảo tồn Thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai; dự án tuyến du lịch đường sông.

Thời gian qua, các đơn vị liên quan đã tích cực tổ chức nhiều cuộc họp để đôn đốc tiến độ và xem xét tháo gỡ vướng mắc cho các dự án phát triển du lịch. Trong đó ưu tiên tập trung vào Dự án khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và Dự án du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi để sớm triển khai, tạo sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời triển khai mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần tạo diện mạo mới cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn này.