Tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường

NDO -

Hết quý 2 năm nay, có khoảng 1,5 triệu người thất nghiệp. Số lao động mất việc làm tăng khiến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.

Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: HCES).
Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: HCES).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ước tính hết quý 2 năm nay, số người thất nghiệp là khoảng 1,5 triệu người, tăng hơn 200 nghìn người so với quý trước. 

Trong đó, tỷ lệ gia tăng thất nghiệp ở khu vực thành thị sẽ cao hơn khu vực nông thôn. Thất nghiệp cũng sẽ tập trung ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp như công nhân kỹ thuật không có bằng, trình độ sơ cấp…

Cơ quan chủ quản về lao động - việc làm nhận định, thị trường lao động sáu tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong tháng 6 có nhiều biến động. Lực lượng lao động tiếp tục có xu hướng giảm. Số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường.

Tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường -0
Trao đổi với nhà tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: HCES).

Nguyên nhân cơ bản là do người dân, người lao động vẫn lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới chưa được kiểm soát. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đến thời điểm này mới thực sự gặp khó khăn bởi đại dịch này khi không có đơn hàng, hoặc thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, họ buộc phải sa thải lao động hoặc tạm ngưng việc.

Tính toán sơ bộ trong quý 2 năm nay cho thấy, lực lượng lao động tiếp tục giảm khoảng hơn 1,7 triệu người so với quý trước, xuống mức 53,6 triệu người. Cụ thể, xu hướng giảm ở khu vực thành thị sẽ cao hơn ở khu vực nông thôn. Việc làm với nữ giới sẽ giảm nhiều hơn nam giới. 

Trong bối cảnh quy mô lực lượng lao động đang có xu hướng giảm, nhưng ngược lại, chất lượng lao động được nâng cao dù không nhiều, mức tăng có thể chưa đến 1%. Tình trạng việc làm và thất nghiệp diễn biến phức tạp hơn, khi số lượng lao động có việc làm tiếp tục giảm. Lao động có việc làm duy trì ở mức hơn 52,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người có việc làm so với quý trước.

Thực trạng giảm việc làm diễn ra mạnh ở nhóm đối tượng làm công hưởng lương khi tình trạng sa thải, ngưng việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng. Tình trạng này tập trung ở một số ngành, nghề như may mặc, da giầy, túi xách, thương mại điện tử, du lịch; khách sạn nhà hàng; vận chuyển, giao nhận,... 

Thống kê từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm tại 63 tỉnh, thành phố đến thời điểm 23-6 cho hay, trên toàn quốc có 531.321 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số này tăng gần 124% so với sáu tháng đầu năm 2019. 

Cùng với đó, gần 450 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thất nghiệp đến hết thời điểm 24-6 đã lên tới 6.374 tỷ đồng, tương đương 136% so với số chi trả sáu tháng đầu năm 2019. 

Ngoài ra, ước tính trong sáu tháng đầu năm, hơn 573 nghìn người đã được tạo việc làm, đạt 35,6% kế hoạch. Tạo việc làm trong nước thu hút khoảng 540 nghìn người, giảm gần một phần tư so với cùng kỳ năm trước.