Tính thời sự từ vở hài kịch kinh điển Quan thanh tra

Vở hài kịch kinh điển Quan thanh tra nổi tiếng được đại văn hào Nikolay Vasilyevich Gogol sáng tác từ những năm đầu thế kỷ 19, nhưng vẫn gần gũi, thân quen với khán giả nước ta khi được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. Vở kịch mang đến những tiếng cười châm biếm sâu cay, nhưng không kém phần thời sự trong cuộc sống hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở hài kịch Quan thanh tra của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Cảnh trong vở hài kịch Quan thanh tra của Nhà hát Kịch Việt Nam.

NIKOLAY VASILYEVICH GOGOL là nhà văn, nhà viết kịch hiện thực hàng đầu trong lịch sử văn học Nga và là một trong những người đặt nền móng phát triển cho sân khấu kịch ở nước Nga và châu Âu hiện đại đầu thế kỷ 19. Vở Quan thanh tra được ông sáng tác năm 1835 và xuất bản năm 1836, thể hiện lối viết trào phúng trong những tác phẩm của ông. Vở kịch vạch trần bộ máy quan chức cồng kềnh, quan liêu và mục nát của chế độ Nga hoàng với tệ nạn tham nhũng, hối lộ đã trở thành hệ thống từ trên xuống dưới cùng thói hống hách, chuyên quyền, nhưng đầy đớn hèn, ti tiện của giới chức nước Nga trong bối cảnh thế kỷ 19.

Tuy đã được Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Lê Mạnh Hùng biên tập và dàn dựng ngắn gọn hơn với thời lượng hai giờ trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, vở diễn vẫn giữ được nội dung và tư tưởng xuyên suốt mà Gogol muốn chuyển tải trong đó, cũng như tính thời sự, gắn kết với thực tại đời sống, phê phán, đả phá những biểu hiện suy thoái của một bộ phận cán bộ lãnh đạo hiện nay, là hồi chuông cảnh báo, góp phần thực hiện công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Ðảng và Nhà nước ta đang tiến hành quyết liệt. Ðiều này lý giải phần nào sự đón nhận nhiệt thành của công chúng đối với một vở kịch đã có từ cách đây gần hai trăm năm.

Chuyện kịch bắt đầu từ thông tin quan thanh tra ở thủ đô Peterburg sẽ về thị sát lan truyền ở một thị trấn nhỏ hẻo lánh miền nam nước Nga. Giới quan chức trở nên hoảng loạn và trong lúc ngóng đợi, họ lại tưởng nhầm một gã công chức nhỏ lang thang đến nghỉ lại ở đây là quan thanh tra vi hành bí mật để tìm hiểu. Diễn biến từ việc tưởng nhầm quan thanh tra đã được mở rộng thành sự kiến gây náo loạn giới chức thị trấn. Vốn là những kẻ tham nhũng, bọn quan chức ở đây lo sợ, hợp nhau lại, tìm cách mua chuộc, hối lộ cho quan lớn, đồng thời nhân dịp này tố cáo, nói xấu nhau để tâng công với quan thanh tra, tự đẩy mình rơi vào những tình huống gây cười thú vị.

Khác với bề ngoài hách dịch, ngài thị trưởng trở nên cuống quýt, đớn hèn khi bị cấp dưới bóc mẽ những việc làm nhơ bẩn. Ông ta giở đủ chiêu trò che đậy khi đứng trước nguy cơ bị vạch trần các việc làm khuất tất, tội lỗi của mình, trong khi đám quan chức dưới quyền cũng lo sợ chẳng kém. “Suy bụng ta ra bụng người”, khi cùng nhau nghĩ cách đối phó quan trên, họ nhìn nhận các biểu hiện của gã công chức lang thang có vẻ ngoài ăn chơi, không trả tiền khách sạn thành đức tính hiển nhiên của một quan thanh tra, cũng giống như họ vẫn thường làm, từ đó suy diễn về các đòi hỏi của quan ngài để đáp ứng, dẫn đến những nhầm tưởng thú vị.

Cái kết cuối vở kịch khi sự thật được phơi bày và lá thư mà gã “quan thanh tra rởm” đã gửi cho bạn như cái tát giáng xuống, phơi bày tất cả những thối nát trong tiếng cười chua cay. Vở diễn là phiên tòa luận tội, phơi bày bản chất của cả một hệ thống chính quyền Nga hoàng với tệ nạn vòi vĩnh, hạch sách, tham nhũng đã trở thành căn bệnh thâm căn cố đế. Dẫn dắt lôi cuốn người xem ở những mạch kịch nối tiếp, được đẩy lên cao trào trong các tình huống hài hước. Người xem có thể chiêm nghiệm ở đó câu chuyện đời thực tương tự vấn đề vở diễn đề cập, phản ánh một thực tại còn không ít bất cập.

Không bó buộc trong lớp lang, lời thoại của một vở hài kịch kinh điển, đạo diễn đã tạo ra một không gian diễn xuất mà ở đó các nghệ sĩ được bộc lộ hết khả năng, sự ứng biến và sáng tạo của họ trong diễn xuất. Cũng thật đặc biệt bởi đây là vở diễn có sự góp mặt của hầu hết lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam, đồng thời cũng là những nghệ sĩ nổi danh.

Trực tiếp vào vai nhân vật chính là gã công chức lang thang Khlextakov bị tưởng nhầm là quan thanh tra, Giám đốc nhà hát-Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Xuân Bắc được thỏa sức phát huy thế mạnh hài kịch của mình trong dáng điệu và chất giọng hài hước. Nhấm nhẳng, tưng tửng trong lời thoại và hành động gây cười nghiêng ngả, nhưng anh vẫn đủ độ tiết chế tạo nên những điểm nhấn cần thiết, diễn tả đúng bản chất của một kẻ trí thức lưu manh, biết nắm bắt cơ hội và thời cuộc, nhanh chóng lợi dụng được tình thế để trục lợi.

Trong khi đó, vào vai ngài thị trưởng Anton, Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên đã khắc họa thành công vẻ đường bệ, là lượt kiểu mẫu của một vị quan đứng đầu thị trấn thời xưa, già dặn thủ đoạn tham nhũng, hối lộ, nịnh bợ cấp trên, chế áp cấp dưới, bóc lột người dân, không từ bất kỳ việc làm ti tiện nào để đạt mục đích, kể cả việc sẵn sàng dâng vợ, con mình cho quan trên thỏa lòng.

Cùng với hai nhân vật trung tâm nêu trên, các nghệ sĩ; Kiều Minh Hiếu, Lâm Tùng, Hồ Liên, Hà Vy, Hồng Phúc, Hồng Quang, Hoàng Nhật, Thế Nguyên, Thanh Thiên, Khánh Linh, Khuất Quỳnh Hoa... cũng nhập vai xuất sắc, có nhiều tìm tòi trong diễn xuất. Thể hiện những điểm chung xấu xa của giới quan chức thị trấn, song mỗi người một vẻ không trùng lặp, các nghệ sĩ đã tạo nên những tiếng cười sảng khoái, châm biếm sâu cay cùng nhiều điều đáng suy ngẫm.

Dàn dựng vở Quan thanh tra, đạo diễn đã tối giản về bài trí cũng như trang phục, không mang tính phô diễn của giới quan chức quý tộc tỉnh lẻ nước Nga. Thiết kế sân khấu khá đơn giản, nhưng vẫn làm nổi bật những nội dung và tư tưởng cần thể hiện. Hình ảnh ước lệ trên sàn diễn là những chiếc ghế to đến nhỏ, xuất hiện từ đầu đến cuối vở diễn gắn liền với các quan chức địa phương mà họ luôn sợ mất, khi thì ôm giữ khư khư, bảnh chọe trong các cuộc hội họp, có lúc lại đội trên đầu diễu hành.

Trang trí trên phông sân khấu là những cặp mắt mèo, đôi ba lỗ hang trên tường lập lòe sáng tối, gợi mở liên tưởng về các mưu mô, thủ đoạn tham ô, hối lộ và những đàn chuột đục khoét của công, ăn bám vào nhân dân. Trên nền khung cảnh ấy, âm nhạc cũng góp phần tạo hiệu ứng cho bối cảnh, lúc réo rắt sôi động âm hưởng các vũ hội, làm nền cho các hành động kịch, mang đến sự thư giãn, vui nhộn và hài hước.

Vở hài kịch Quan thanh tra tiếp nối hướng đi của Nhà hát Kịch Việt Nam trong dàn dựng những tác phẩm sân khấu kinh điển, bám sát và phản ánh được cuộc sống đương đại. Vở diễn được công diễn, ra mắt khán giả Thủ đô đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.