Tính đến nay, có hơn 200 đoàn viên thanh niên đăng ký tham gia, được giới thiệu về các huyện, thành đoàn thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch ở địa phương. Tỉnh Đoàn cũng đã thành lập một đội tình nguyện với 10 thành viên chi viện, hỗ trợ chốt kiểm soát ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Các huyện đoàn, thành đoàn đã thành lập 11 đội Thanh niên tình nguyện với 203 người tham gia ra quân tuyên truyền trên loa di động các nội dung công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân khai báo y tế và cài đặt phần mềm theo dõi sức khỏe: Vietnam Healthy; Bluezone; NCovi. 100 % đoàn viên thanh niên cài đặt phần mềm Bluezone, sử dụng điện thoại thông minh phục vụ việc truy vết.
Ngày 23/7, dưới tiết trời nắng nóng tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi tiếp xúc với các tình nguyện viên được coi là một trong những lực lượng thuộc tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư Đoàn phường Thanh Sơn, Nguyễn Trần Tường Vân chia sẻ: Hằng ngày, tôi đều trực ở chốt chợ Thanh Sơn để tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch, giúp người dân ra vào chợ nâng cao nhận thức; tranh thủ trở lại Ủy ban nhân dân phường để làm làm phiếu đi chợ để đem đến tận hộ gia đình trong phường và hướng dẫn bà con thực hiện việc đi chợ mua sắm vào các ngày chẵn, lẻ theo quy định. Vất vả nhưng vui, vì đã góp phần cùng xã hội phòng, chống dịch bệnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chồng chị là quân nhân đang công tác tại một đơn vị quân sự. Hai tháng nay, ở luôn trong doanh trại để làm nhiệm vụ. Chị Vân vừa đi làm vừa trông hai con nhỏ. Buổi sáng nấu ăn sẵn và vội vã đi làm đến trưa về nấu ăn cho các con xong là đến giờ đi làm cho đến chiều tối mới về nhà. Thi thoảng, chồng chị gọi điện thoại qua Zalo vài phút, để động viên nhau.
Đã mấy đêm, Bí thư Chi đoàn KP8, phường Phước Mỹ, Nguyễn Thị Thúy cùng nhiều đoàn viên thanh niên trực ở một điểm chốt của khu vực bị phong tỏa, do có ca dương tính trong cộng đồng. Mỗi ngày chia thành bốn ca (từ 6 đến 12 giờ; từ 12 đến 18 giờ; từ 18 đến 0 giờ và từ 0 đến 6 giờ sáng hôm sau). "3 ngày nay, tôi tham gia 2 ca trực từ 12 giờ trưa đến 12 giờ đêm", chị Thúy chia sẻ.
Chị Thúy kể, hiện mẹ chị đã 64 tuổi, nhưng khi nghe con gái tình nguyện tham gia vào lực lượng trực chốt, liền ủng hộ và đảm nhận việc tự nấu ăn mỗi ngày để con gái an tâm góp sức với cộng đồng phòng, chống dịch. Khi tan ca trực lúc nửa đêm và về đến nhà là ngủ ngay để giữ sức khỏe đến tầm gần 9 giờ sáng hôm sau có mặt hỗ trợ lực lượng của khu phố đi phát phiếu đi chợ cho các hộ dân. Dù mệt, nhưng thấy bà con niềm nở chào đón, ân cần động viên, lòng càng ấm áp và phấn khởi nhiều hơn.
Tại một chốt phong tỏa thuộc phường Đài Sơn, Phó Bí thư Đoàn phường, Đoàn Đỗ Hoàng Nam bộc bạch: “Tôi trực chốt liên tục 3 ngày/đêm, người dân không đòi ra ngoài, nên tôi vào tận nhà bà con để phát các thông báo và hỗ trợ đội y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ăn uống bảo đảm. Ban đêm thay phiên nhau ngủ khoảng 4 tiếng, nên tạm ổn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ trong 15 ngày giãn cách xã hội. Rất mong sớm nhìn thấy thành phố trở lại nhịp sống như thường ngày, đất nước vượt qua đại dịch để tiếp tục đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội”.
Những hình ảnh thân thiện, cử chỉ đẹp của đoàn viên thanh niên xung kích, xông vào những điểm đang cách ly, phong tỏa, thực hiện giãn cách xã hội; thức đêm để nhân dân ngủ bình yên và mong muốn một ngày mới bắt đầu không có thêm ca dương tính rất đáng trân trọng.
Ngày 23/7, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 355 về việc “Thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Ninh Thuận”, với quy mô 300 giường, để tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19. Đến nay, Ninh Thuận có 102 ca dương tính. |