Tin vắn

Khu kinh tế Thái Bình thu hút nhiều dự án đầu tư lớn
0:00 / 0:00
0:00
Tin vắn

Sau hai năm triển khai xây dựng hạ tầng, Khu công nghiệp Liên Hà Thái (nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, thuộc tỉnh Thái Bình) thu hút được sáu dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 721 triệu USD (tương đương 17 nghìn tỷ đồng) và một dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 230 tỷ đồng. Khu kinh tế Thái Bình có tổng diện tích hơn 30 nghìn héc-ta thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Đây được xem là động lực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Thái Bình trong các năm tới.

Nam Định dự kiến sáp nhập một huyện và 76 xã, phường

Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, tỉnh Nam Định đã rà soát, sẽ sáp nhập một huyện và 76 xã, phường do không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Tỉnh Nam Định đã báo cáo gửi Bộ Nội vụ về Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định, sẽ hợp nhất nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên (hơn 74km²) và quy mô dân số (hơn 83.000 người) của huyện Mỹ Lộc để mở rộng, nối liền không gian đô thị của thành phố.

Quảng Ninh đầu tư hơn 45 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng logistics

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực khi địa phương hình thành các trung tâm logistics với tiêu chuẩn cao hơn, giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách là hơn 45 nghìn tỷ đồng.

Tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển như Vạn Ninh, kêu gọi đầu tư vào cảng Con Ong-Hòn Nét, hạ tầng các khu công nghiệp cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên), cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); hệ thống đường bộ liên kết vùng với Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, nhất là thành phố Hải Phòng.

Quảng Ninh chú trọng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; thực hiện hải quan điện tử, thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.

Hải Phòng bố trí hơn 1.500 ha nuôi ngao trên khu vực biển Tiên Lãng

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có chủ trương dành 1.534 ha bãi trên khu vực biển của huyện Tiên Lãng để sắp xếp cho các hộ dân nuôi ngao sau khi thực hiện giải tỏa tình trạng nuôi ngao, nhuyễn thể không phép, chồng lấn với diện tích các mỏ cát đã được cấp phép khai thác theo quy định.

Theo đó, thành phố xem xét, sắp xếp cho 89 cá nhân đã và đang nuôi nhuyễn thể trên khu vực biển đã được các quận, huyện thống kê, xử lý vi phạm hành chính và các cá nhân đã đăng ký giao khu vực biển nuôi nhuyễn thể với Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

Việc sắp xếp khu vực biển đối với các hộ sẽ theo trình tự ưu tiên: người địa phương mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản; các cá nhân đã hoặc đang nuôi nhuyễn thể trên địa bàn quận Hải An và các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, có diện tích nuôi bị giải tỏa hoặc đã có chủ trương giải tỏa, tự giác chấp hành, hoặc cam kết chấp hành chủ trương giải tỏa…

Hà Nam lấy ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất các nội dung: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm...

Các nội dung liên quan đến quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất... cũng được các đại biểu quan tâm kiến nghị.

Xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" tại Bắc Ninh

Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa phối hợp Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức hội nghị triển khai xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" tại Bắc Ninh. Việc xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tỉnh sẽ tổ chức quán triệt các nội dung đến 100 sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ, đảng viên, người lao động, người dân; thành lập Tổ thường trực xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông"; tổ chức cho các cán bộ, đảng viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tại hội nghị, các đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông" trong thời gian tới.

Hưng Yên mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy

Những năm gần đây, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đẩy mạnh ứng dụng mô hình gieo mạ khay và cấy bằng máy vào sản xuất lúa, góp phần tiết kiệm sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh có 100 máy cấy các loại. Năm 2022, diện tích cấy bằng máy toàn tỉnh đạt 1.780ha (trong đó, vụ xuân có 880ha, vụ mùa có 900ha) thì vụ xuân năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có hơn 10% tổng diện tích (hơn 2.500ha) được cấy bằng máy. Việc ứng dụng mạ khay, cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.