Thị trường lại chứng kiến đà giảm sâu của giá dầu và nông sản

NDO -

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, mức giảm mạnh của nhóm năng lượng và nông sản đã khiến chỉ số MXV-Index quay đầu sụt giảm gần 3% về 2.952,17 điểm, xóa đi phần lớn mức tăng tích lũy được trong tuần trước.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Thị trường lại chứng kiến đà giảm sâu của giá dầu và nông sản -0
 

Giá trị giao dịch toàn Sở không có sự thay đổi đáng kể so phiên thứ Sáu tuần trước, tuy nhiên nhóm năng lượng vẫn có sự tăng trưởng đáng kể với hơn 10%, khi giới đầu tư luôn có thể tìm kiếm cơ hội ngay cả trong thị trường giá xuống.

Giá dầu giảm sâu gần 7%

Giá dầu giảm mạnh trong ngày hôm qua, do tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc và tiến triển trong quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI giảm 6,97% xuống 105,96 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 6,71% xuống 109,41 USD/thùng.

Thị trường lại chứng kiến đà giảm sâu của giá dầu và nông sản -0
 

Dầu thô chịu lực bán lớn ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, do thông tin thành phố Thượng Hải với 26 triệu dân dự kiến tiến hành phong tỏa toàn khu vực cho đến hết ngày 5/4. Đây là trung tâm tài chính cũng như là thành phố cảng có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, do đó giới phân tích lo ngại rằng việc nước này quyết tâm theo đuổi chính sách “Zero-Covid” sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng nói chung. Hơn thế nữa, với vai trò là quốc gia xuất khẩu lớn, hoạt động sản xuất, xuất khẩu gặp gián đoạn từ nước này sẽ dẫn đến chi phí gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới, làm trầm trọng hơn rủi ro về lạm phát. 

Theo ước tính của giới phân tích, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất trên thế giới này có thể sẽ giảm 600.000-800.000 thùng/ngày trong tháng 4. Theo chuyên trang cung cấp thông tin S&P Global Commodity Insights, điều này có thể khiến cho nước này tăng cường xuất khẩu các mặt hàng xăng dầu để giảm bớt tồn kho, gây áp lực cho giá cả các sản phẩm lọc dầu. 

Trong khi đó, nguy cơ mất mát nguồn cung từ phía Nga do các lệnh cấm vận phần nào giảm bớt. Mới đây nhất, theo sau Trung Quốc và Ấn Độ, Indonesia đã trở thành người mua tiềm năng các sản phẩm dầu thô chiến lược của Nga. Phát ngôn viên của Điện Krelim hôm qua cũng tuyên bố, mặc dù số đơn đặt hàng từ châu Âu có thể giảm bớt, tuy nhiên họ sẽ có người mua mới đến từ khu vực Đông Nam Á. 

Đà giảm tiếp diễn trong phiên tối, khi Nga và Ukraine thống nhất sẽ tổ chức đàm phán trực tiếp giữa các bộ trưởng lần đầu tiên kể từ ngày 10/3, địa điểm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thành viên NATO này, các bên trước đó đã đi đúng hướng được 4/6 vấn đề. Giới phân tích cho rằng vấn đề quan trọng còn lại là nguyên tắc lãnh thổ cũng như triển vọng để cho Ukraine trở thành vùng “trung lập”.

Lúa mì dẫn đầu đà giảm mạnh trong nhóm nông sản

Một số mặt hàng nông sản giảm sâu, thậm chí đã xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy được trong tuần trước đó.

Lúa mì tiếp tục dẫn đầu nhóm nông sản về mức độ giảm nếu tính theo phần trăm. Lo ngại về nguồn cung tại Biển Đen đang được thay thế bởi một số quốc gia xuất khẩu chính khác, khi mà Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ bảo đảm cho Ai Cập lượng lúa mì cần thiết trong vài tháng tới. 

Thị trường lại chứng kiến đà giảm sâu của giá dầu và nông sản -0
 

Mặc dù chịu áp lực lớn từ đà giảm chung của toàn nhóm, tuy nhiên ngô chỉ giảm chưa đến 1% về mức 748,5 cents/giạ nhờ tác động từ các số liệu xuất khẩu tích cực. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 24/3 đạt 1,6 triệu tấn, tăng gần 10% so tuần trước đó và cao hơn mức kỳ vọng trung bình của thị trường.

Đối với các mặt hàng họ đậu tương, diễn biến lao dốc của dầu thô do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải trong 9 ngày, và triển vọng hòa bình giữa Nga và Ukraine khi đàm phán trực tiếp được nối lại, đã gây áp lực lớn lên dầu đậu tương và khiến mặt hàng này giảm đến hơn 3% trong phiên hôm qua. 

Bên cạnh đó, thị trường dự đoán nông dân Mỹ sẽ trồng nhiều đậu tương hơn trong niên vụ này do lo ngại về chi phí phân bón, cũng góp phần gây sức ép lên giá trong phiên hôm qua.