Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ

NDO -

Kết thúc hôm qua, ngày 13/6, lực bán hoàn toàn áp đảo khi có đến 25 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ

Cùng với đó, 6 mặt hàng hiếm hoi giữ được sắc xanh là: lúa mì Chicago, gạo thô, bông, đường trắng, dầu Brent và dầu WTI cũng chỉ có những mức tăng không đáng kể, dưới 0,4%, càng làm nổi bật thêm sự lao dốc của giá hàng hóa thế giới trong ngày hôm qua. Mức giảm đều và rất sâu ở cả 4 nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp, năng lượng và kim loại đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,59%, xuống mức 3.047 điểm. 

Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ -0
 

Tuy nhiên, với thế mạnh của thị trường T0, nhà đầu tư có thể có lãi ngay cả khi thị trường lên và xuống; ngày hôm qua, dòng tiền chảy vào thị trường hàng hóa vẫn có sự gia tăng mạnh mẽ. Theo ghi nhận từ Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá trị giao dịch tăng gần 15%, đạt hơn 5.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, “khẩu vị” của nhà đầu tư trong nước vẫn tương đối ổn định khi nông sản và năng lượng tiếp tục là 2 nhóm mặt hàng ưa thích và được ưu tiên lựa chọn giao dịch. Giá trị giao dịch tính riêng 2 nhóm này đạt hơn 4.100 tỷ đồng, chiếm đến 90% tổng lượng tiền của cả thị trường.

Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ -0
 

Kim loại quý lao dốc trước thềm cuộc họp của FED

Các mặt hàng kim loại đồng loạt lao dốc trước những thông tin cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay tăng lãi suất ngay từ tuần này, trong bối cảnh lạm phát gia tăng kỷ lục tại Mỹ. Giá vàng đã giảm 2,79% xuống 1818,77 USD/ounce. Giá bạc đánh mất 3,08% và đóng cửa ở mức 21,255 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng qua. Trong khi đó, bạch kim có phiên giảm thứ 5 liên tiếp và lao dốc gần 4% xuống còn 932,3 USD/ounce. Là những mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi những tác động của chính sách tiền tệ và rất nhạy cảm với sự thay đổi lãi suất, mức giảm sâu trong ngày hôm qua của bạc và bạch kim không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và đầu tư. 

Trước thềm cuộc họp của FED vào đêm mai, nhiều ý kiến cho rằng FED có thể ngay lập tức tăng mức lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1941. Công cụ theo dõi lãi suất FED Watch đang cho thấy sự thay đổi lớn khi có tới hơn 91% ý kiến cho rằng mức tăng mạnh này sẽ xảy ra. Tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đã khiến dòng tiền rút khỏi các thị trường rủi ro và thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng dollar Mỹ có tính thanh khoản cao. Đồng dollar Mỹ trong phiên hôm qua thiết lập mức đỉnh trong vòng 2 thập kỷ và đã tạo áp lực lên chi phí nắm giữ vật chất. Đồng thời, vai trò trú ẩn an toàn của nhóm kim loại quý hoàn toàn thất thế trước sức mạnh của đồng bạc xanh. 

Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ -0
 

Nhóm kim loại cơ bản chịu áp lực kép

Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã có phiên giảm thứ 3 liên tiếp xuống mức 4,2 USD/pound và giá quặng sắt cũng lao dốc 3,66%, đóng cửa ở mức 134,58 USD/tấn trước áp lực về việc tăng lãi suất của FED và những lo ngại về tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc. 

Cùng với đó, riêng đối với đồng và quặng sắt, theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng ngắn hạn của đồng đang gặp thách thức liên quan tới khả năng suy thoái kinh tế và việc tiếp nhận các ngành công nghiệp xanh chậm hơn dự kiến. Lượng phế liệu sẵn có nhiều hơn cũng như việc thay thế và giảm sử dụng kim loại công nghiệp cũng đã gây ảnh hưởng tới giá đồng. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vẫn sẽ là động lực lớn cho kim loại này khi nhu cầu về các ngành xe điện và năng lượng sạch vẫn được thúc đẩy. Theo dự báo mới nhất của công ty khai thác kim loại CRU, nhu cầu đồng toàn cầu sẽ tăng 2,1% mỗi năm lên 28,5 triệu tấn vào năm 2030.

Ngày hôm nay, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 5 của Mỹ được công bố và nhiều khả năng con số này sẽ cao hơn kỳ vọng. Tiếp nối sau đó sẽ là tâm điểm về cuộc họp của FED và mức lãi suất được chính thức quyết định. Theo đánh giá, rất có thể FED sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này theo kế hoạch, nhưng có thể sẽ có những mức tăng mạnh hơn vào các cuộc họp kế tiếp. Do đó, trước những biến động vĩ mô, giá đồng nhiều khả năng sẽ giảm sâu trong tuần này. 

Trên thị trường nội địa, giá sắt thép đã được ổn định giá bán sau 3 lần điều chỉnh giảm từ giữa tháng 5. Cụ thể, giá các sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền bắc vẫn dao động trong khoảng từ 16,9 đến 17,5 triệu đồng/tấn. 

Ở chiều ngược lại, giá xi-măng đã tăng khoảng 40.000-80.000 đồng/tấn trong tháng 5 theo từng loại xi-măng PCB30 hay PCB40. Trong giai đoạn nửa cuối tháng 5 đến nay, thị trường xi-măng ghi nhận khoảng 10 đơn vị tăng giá bán.

Thị trường hàng hóa chìm trong sắc đỏ -0
 

Theo Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, sản lượng tiêu thụ xi-măng của cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước tính đạt 9,72 triệu tấn trong tháng 5, tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 5,97 triệu tấn và xuất khẩu ước đạt 3,3 triệu tấn.

Hiện, tồn kho sản phẩm xi-măng của cả nước trong 5 tháng khoảng 4,7 triệu tấn tương đương khoảng 20-25 ngày sản xuất.