Giá bạc biến động không đáng kể khi chỉ giảm nhẹ 0,06% về 27,34 USD/ounce. Giá bạch kim cũng để mất 0,76%, chốt tại 915,8 USD/ounce, đánh dấu ngày giảm giá thứ tư liên tiếp.
Trong các phiên giao dịch gần đây, căng thẳng hạ nhiệt tại Trung Đông làm giảm nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, kéo giá suy yếu trở lại.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn trước thềm Mỹ công bố loạt dữ liệu quan trọng có thể tác động đến quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bao gồm báo cáo lạm phát chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 3 và tăng trưởng GDP quý I.
Đối với kim loại cơ bản, giá nhôm LME tăng 0,93% lên 2.603 USD/tấn nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan hơn tại Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu nhôm sơ cấp của Trung Quốc đạt 249.400 tấn trong tháng 3, tăng 11,2% so tháng trước và tăng 246% so cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 721.000 tấn nhôm sơ cấp, tăng 225% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, quặng sắt là điểm sáng của nhóm khi bật tăng 4,56% lên 117,92 USD/tấn, mức cao nhất trong 6 tuần, nhờ kỳ vọng tiêu thụ sẽ cải thiện tại Trung Quốc. Cơ quan lập kế hoạch nhà nước Trung Quốc cho biết họ sẽ hướng dẫn chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng và việc sử dụng vốn. Ngoài ra, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết từ ngày 11 đến 20/4, sản lượng thép thô hàng của các nhà máy thuộc thành viên của CISA đạt 2,12 triệu tấn, tương đương tăng 0,33% so giai đoạn từ ngày 1 đến 10/4.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt còn được hỗ trợ do lo ngại rủi ro nguồn cung siết chặt. Vào hôm qua, Fortescue, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới, cho biết họ đã xuất khẩu 43,3 triệu tấn quặng sắt trong quý III của năm tài chính 2024-25, giảm 6% so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, công ty này cũng cắt giảm kế hoạch xuất khẩu quặng sắt trong cả năm.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua 24/4, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, hỗ trợ chỉ số MXV-Index đảo chiều hồi phục 0,35% lên 2.327 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.800 tỷ đồng.
Như vậy, sau khi liên tục ghi nhận các chuỗi tăng kể từ đầu năm nay và đạt đỉnh 7 tháng, chỉ số hàng hoá hiện rơi vào xu hướng giằng co trong 2 tuần trở lại đây.