Coi Covid-19 là bệnh đặc hữu: Chúng ta cần thêm thời gian

NDO -

Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, khoảng 6 tháng nữa, chúng ta mới nên tính tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu hay không.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Dịch vẫn lây lan nhanh, chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu

Theo PGS, TS Đỗ Văn Dũng, năm 2020, Việt Nam công bố dịch bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tức là một loại dịch bệnh lây lan nhanh và tử vong cao. Khi công bố là dịch bệnh nhóm A, nhà nước có quyền can thiệp vào việc thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Cơ sở khoa học để một bệnh truyền nhiễm nhóm A được coi là bệnh đặc hữu là khi số ca mắc mới và số ca nặng ổn định, tức là không có khả năng gây làn sóng dịch mới. Khi đó, nhà nước phải tự tin không có làn sóng dịch mới, không còn lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, triển khai tiêm chủng đầy đủ cho người dân để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.

Nhà nước phải bảo đảm có một hệ thống y tế thật tốt, để khi người dân mắc bệnh nhẹ hơn, được điều trị kịp thời. Nếu diễn biến nặng, sẽ có đủ giường và hệ thống hồi sức tích cực (ICU).

Do đó, PGS Dũng bày tỏ: "Chúng ta phải trả lời câu hỏi, tại Việt Nam, dịch hiện nay còn lây lan không và tử vong có cao không. Câu trả lời là có, dịch vẫn đang lây lan rất nhanh, số ca nhiễm tăng rất cao và tỷ lệ tử vong chưa hạ nhiệt. Chúng ta chưa thể coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu".

Khi tuyên bố Covid-19 không còn là bệnh đặc hữu, không còn nằm trong nhóm bệnh loại A, nhà nước sẽ không giám sát người dân thực hiện quy định phòng, chống dịch.

“Tôi cho rằng, nhà nước vẫn nên có quyền kiểm soát việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch của người dân. Tùy theo tình huống dịch, nhà nước có thể giảm biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường tự do, sự thoải mái của người dân để họ có thể sống, lao động sản xuất không mâu thuẫn với phát triển kinh tế”, PGS Dũng nói.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay một số nước khi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, họ đã trải qua các làn sóng dịch lớn, tiêm vaccine lâu, nguồn vaccine dồi dào và hệ thống y tế mạnh.

Thí dụ tại Mỹ, người bệnh nhiễm Covid-19 dù có triệu chứng nặng, trung bình đều được tiếp cận thuốc điều trị hiệu lực cao 80-90% như các thuốc kháng thể đơn dòng, được miễn phí điều trị Covid-19 và hậu Covid-19 dù có bảo hiểm hay không, không phải đồng chi trả.

Trong khi đó, hệ thống y tế của ta vẫn còn nhiều vấn đề, việc tiếp cận hỗ trợ điều trị vẫn còn hạn chế. Hệ thống ICU chưa đủ khả năng đáp ứng nếu dịch bùng phát mạnh, số ca nhiễm trở nặng tăng cao. Hiệu lực điều trị thuốc của chúng ta cũng chưa cao so với những nước này. 

Bởi vậy, theo PGS Dũng, dần dần chúng ta sẽ phải tiến tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu để thuận lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta phải cần thời gian.

"Nếu tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, nhưng tỷ lệ mắc vẫn cao thì người dân vẫn còn hoang mang và sợ. Khoảng 6 tháng nữa mình mới có thể nói được vấn đề này", PGS Dũng nói. 

Về đề xuất của Bộ Y tế không công bố ca nhiễm, mà chỉ công bố số ca diễn biến nặng, tử vong, PGS Dũng cho rằng, việc này cần phải tính toán kỹ lưỡng. Vì không công bố, không có nghĩa là làm người dân bớt hoang mang mà thay vào đó, có nhiều biện pháp khác để làm người dân hiểu rõ hơn về các con số công bố trong ngày.

Việc công bố con số ca nhiễm mới là một cách công khai, minh bạch để người dân biết nguy cơ tiềm ẩn chung quanh, không bị mất định hướng hay nghi ngờ hoạt động của ngành y tế. Khi không biết số ca nhiễm mới, khó có thể tạo ra sự đồng thuận trong chấp hành quy định chống dịch nào đó.

“Thí dụ, nếu một địa phương ra lệnh giới nghiêm theo khung giờ khi thấy số ca nhiễm tăng cao, nhưng người dân không hề biết lý do vì sao, sẽ rất khó để họ tin tưởng, đồng thuận”, PGS Dũng nói.

Do đó, theo chuyên gia này, việc thống kê số ca nhiễm mới vẫn có giá trị, quan trọng với dịch tễ học và quan trọng với người dân. Bộ Y tế sẽ phải đưa ra quan điểm để người dân hiểu về các con số, và cần quan tâm con số nào đáng quan tâm.

Cần bảo vệ nhóm nguy cơ

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, dịch hiện nay vẫn đang lây lan mạnh ở các thành phố lớn, nơi đông người.

Thời điểm này, tại Việt Nam, Covid-19 vẫn là bệnh đặc biệt, bệnh mới nổi và có dịch, tác hại lớn và có thể lây lan. Căn bệnh Covid-19 sẽ còn hiện hữu và chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó.

Trước đề xuất để F0 không triệu chứng đi làm của Bộ Y tế, bác sĩ Hà phân tích, sự tác động của đại dịch vẫn rất lớn tới đời sống, số ca tử vong vẫn cao. Covid-19 vẫn là một căn bệnh cần phải lưu tâm hiện nay. Đặc biệt, ở nhóm người yếu thế, nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh (phụ nữ có thai, người cao tuổi, người nhiều bệnh lý nền, nhóm bệnh nhân đang điều trị bệnh lý cấp tính tại bệnh viện)… 

Dịch chưa lên tới đỉnh do số ca vẫn mắc vẫn đang tăng cao. Do vậy, việc không cách ly người bị nhiễm, lây lan bệnh cho nhóm người yếu thế sẽ làm tăng nguy cơ tử vong.

Theo chuyên gia này, nhóm F0 có thể đi làm chỉ nên áp dụng với nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19. F0 vẫn cần cách ly đề phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng có thể làm trực tuyến tại nhà.

Về trường hợp F1, cần đặc biệt lưu ý đến F1 trong cùng gia đình vì khả năng phơi nhiễm rất cao, lên tới 70-80% nếu gia đình có F0. Do đó, dù F1 không cách ly nhưng vẫn phải phải theo dõi sức khỏe của mình.

"Đối với biến chủng Omicron, các triệu chứng rất thô sơ: chảy nước mũi, đau mỏi người, rát họng… Do vậy, F1 cần lưu ý khi có biểu hiện này cần phải xét nghiệm để biết mình có là F0 hay không, phòng nguy cơ lây cho người khác", bác sĩ Hà nói.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan