Việt Nam - Thụy Sĩ hợp tác về an ninh việc làm

Chiều 26/10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ tổ chức đối thoại lao động và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy an ninh việc làm giữa hai quốc gia.

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dự đối thoại theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Molisa).
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dự đối thoại theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Molisa).

Nhiều tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động

Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, đại dịch Covid-19, đặc biệt là thời điểm biến thể Delta xuất hiện, làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trải qua 50 năm, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội cũng được quan tâm thúc đẩy trên cơ sở quan hệ Bản ghi nhớ giữa hai ký kết vào năm 2011.

Mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế nói chung và lao động, việc làm nói riêng có thể khác nhau giữa các quốc gia, giữa Việt Nam và Thụy Sĩ nhưng với quá trình hội nhập toàn cầu ngày càng cao, việc tăng cường tìm kiếm các cơ hội hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại thời điểm hiện nay và trong tương lai sẽ giúp chúng ta cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đại sứ Valérie Berset Bircher (Tổng vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) chia sẻ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do thị trường lao động, tình hình việc làm của Thụy Sĩ nói riêng, của các quốc gia trên thế giới nói chung bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, bên cạnh chính sách giúp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, chính sách tái tạo việc làm nhằm phục hồi nền kinh tế đã trở thành một trong những chính sách được quan tâm hàng đầu của các chính phủ, đặc biệt là Chính phủ Thụy Sĩ.

Việt Nam - Thụy Sĩ hợp tác về an ninh việc làm -0
Chương trình diễn ra theo hình thức trực tuyến (Ảnh: Molisa)

“Trong 2 năm vừa qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, có thể nói, vấn đề việc làm đã trở thành mối quan tâm chung giữa hai Bộ nói riêng và giữa Việt Nam - Thụy Sĩ nói chung” - Đại sứ Valérie Berset Bircher nhận định.

Chương trình đối thoại là cơ hội để hai Bộ thảo luận và chia sẻ về các nội dung liên quan đến thị trường lao động, duy trì và tạo việc làm, những mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm khôi phục thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người lao động sau Covid-19.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết thêm, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam đến nay cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng ảnh hưởng không chỉ đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm, mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức. Người lao động tự do không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như trước đây. Trong quý III năm 2021, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468,9 nghìn người so với quý trước và giảm 657,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông - lâm - ngư nghiệp là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với giá trị khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Chính sách này nhằm góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Song hành với đó là hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động. Qua đó, thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Các chính sách hỗ trợ lao động, việc làm khẳng định vai trò trong đại dịch

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, vai trò của chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực lao động, việc làm thông qua các chính sách xuyên suốt về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt hay hiện vật đang được triển khai rất quan trọng. Các chính sách này là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Bà Dorit Griga, Giám đốc cao cấp về quan hệ quốc tế (Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Sĩ) cho hay, tính đến tháng 9 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Thụy Sĩ là 2,6%. Bà chia sẻ thêm về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và dịch vụ việc làm công trong bối cảnh Covid-19 ở Thụy Sĩ. Qua đó, giúp duy trì và tạo việc làm cho người lao động. Đặc biệt là những kết quả đạt của chính sách bồi thường công việc trong ngắn hạn (STWC) của quốc gia này.

Việt Nam - Thụy Sĩ hợp tác về an ninh việc làm -0
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy (Ảnh: Molisa).

Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động Việt Nam trong thời gian vừa qua. Cụ thể là hơn 28,2 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm trong quý III/2021. Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng.

Đại dịch cũng khiến nguồn cung lực lượng lao động suy giảm, và ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tính đến hết ngày 25/10, kết quả triển khai Nghị quyết số 116, Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ đã chi trả tiền hỗ trợ cho 5,1 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, số lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là gần 4,8 triệu người người; đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 383 nghìn lao động. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 12.369 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Việt Nam - Thụy Sĩ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực vực lao động và việc làm thông qua các chương trình dự án truyền thống như SCORE, Better Work. Đặc biệt là hợp tác tầm chính sách với dự án “Hệ thống sinh thái về năng suất lao động hướng tới Việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2024”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ về việc làm thông qua những cơ chế hợp tác hiệu quả hiện có và tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong tương lai.

Các nội dung hợp tác chính:
Đối thoại lao động
Bảo hiểm thất nghiệp
Điều kiện lao động và phát triển kỹ năng trong các lĩnh vực trọng tâm
Hợp tác và phát triển kinh tế
Có hướng tới các đối tượng yếu thế - dễ bị tổn thương (phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật…)