Tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống Covid-19

Ði vào hoạt động chưa đầy hai tuần, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã gặt hái những kết quả đầu tiên khi 17 người bệnh nặng, nguy kịch đã chiến thắng "tử thần" và được xuất viện. Ðây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi TP Hồ Chí Minh đang chuyển dần sang giai đoạn hạn chế đến mức thấp nhất số người chết do dịch bệnh.

Ông Piers Birtwistle (bên phải) vui mừng trong ngày được ra viện. Ảnh: CTV
Ông Piers Birtwistle (bên phải) vui mừng trong ngày được ra viện. Ảnh: CTV

Chiều 26/7, là một ngày thật sự đặc biệt của các y, bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh, khi có 17 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, nguy kịch nhận giấy ra viện sau khi hoàn thành điều trị và đủ điều kiện trở về với gia đình của mình. Ông Piers Birtwistle, một trong những bệnh nhân được ra viện lần này không giấu nổi niềm vui, niềm hạnh phúc khi gửi lời cảm ơn đến đất nước Việt Nam, nhất là các y, bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị để bản thân mình chiến thắng Covid-19. Ngược dòng thời gian, trước tình hình dịch vẫn diễn tiến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hồ Chí Minh đã quyết định đưa vào sử dụng một bệnh viện 1.000 giường hồi sức, nay là Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Bệnh viện được hình thành tại khu vực điều trị nội trú của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Ðức). Ðiểm thuận lợi nhất của Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chính là hạ tầng sẵn có của một bệnh viện có cấu trúc hạ tầng hiện đại, có thể hỗ trợ hô hấp một lúc lên đến 1.000 bệnh nhân (bao gồm thở ô-xy, thở máy không xâm lấn HFNC, thở máy xâm lấn…).

Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TS, BS Nguyễn Tri Thức: Thời gian vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân, đã có 83 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển sang cấp nhẹ hơn và được chuyển sang các bệnh viện tầng dưới để tiếp tục điều trị, trong đó có 17 bệnh nhân hôm nay được xuất viện. Ðây đều là những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch với nhiều đặc điểm, tình trạng bệnh khác nhau. Với sự cố gắng của tập thể y, bác sĩ trong giai đoạn đầu bệnh viện đi vào hoạt động, các bệnh nhân đã được chăm sóc chu đáo, hồi phục hoàn toàn, được lấy mẫu xét nghiệm hai lần và bảo đảm đủ điều kiện để xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà theo quy định. Ðáng tự hào, kể từ khi Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đi vào hoạt động, đội ngũ y, bác sĩ ở đây đã cố gắng làm việc gấp hai, gấp ba lần bình thường vì số bệnh nhân nặng liên tục chuyển về. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, đội ngũ thầy thuốc của bệnh viện đã đoàn kết, tạo thành một khối để nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân, hạn chế số người chết ở mức thấp nhất có thể...

Chứng kiến giây phút hạnh phúc của những bệnh nhân đầu tiên được trao giấy ra viện, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 chia sẻ: Ðây là sự kiện đặc biệt đối với bệnh nhân cũng như của Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Chỉ trong một thời gian ngắn, công tác thu nhận, cứu chữa cho những người mắc Covid-19 rất nặng, nguy kịch đã thu được những "quả ngọt" ban đầu. Ðể có thành quả hôm nay, trước hết là sự vào cuộc của toàn thể Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh; sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế khi sớm xây dựng và có những giải pháp tổng thể về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế ban đầu để hình thành được cơ sở y tế hiện đại này. Tiếp đến là sự vào cuộc đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của các đồng nghiệp, nhân viên y tế từ các bệnh viện tuyến T.Ư, các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh, đơn vị y tế trực thuộc các tỉnh, thành phố đến chi viện… đã xây dựng và tạo nên những đội ngũ hết sức chuyên nghiệp với trình độ cao nhất để giành giật với "tử thần" cứu sống những trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.

PGS, TS Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm: Công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhất là các bệnh nhân nặng, nguy kịch có nhiều sự thay đổi trong thời gian qua từ việc cập nhật các y văn, các nghiên cứu, khuyến cáo của các tài liệu khoa học, của Tổ chức Y tế thế giới bên cạnh kinh nghiệm từ thực tiễn của Việt Nam. Vi-rút SARS-CoV-2 biến chủng Delta lây lan rất nhanh, những biến chứng, chuyển nặng của nó đã gây khó khăn cho người thầy thuốc. Từ một bệnh nhân không có triệu chứng chuyển qua nặng có khi chỉ trong vài giờ, cho nên việc theo dõi chăm sóc là hết sức quan trọng, nhất là các bệnh viện tầng 1, tầng 2. Do vậy, chúng tôi phải trang bị máy thở ô-xy cho tất cả cơ sở thu dung chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, sẵn sàng sử dụng hệ thống thở ô-xy dòng cao, máy thở hiện đại để bệnh nhân sử dụng từ sớm, tránh để người bệnh bị suy hô hấp. Mặt khác, một số loại thuốc trước đây sử dụng trong giai đoạn muộn hơn nhưng nay có thể khuyến cáo cho người bệnh sử dụng sớm hơn như thuốc kháng đông…; các loại thuốc khác về kháng sinh, kháng nấm, hệ thống lọc máu liên tục, hệ thống hỗ trợ hồi sức cũng được đưa vào sử dụng sớm cho người bệnh…

TS, BS Nguyễn Tri Thức cho biết: Trong tuần này, bệnh viện đã mở rộng lên 460 giường bệnh. Tuần tới, khi bước vào giai đoạn hai, bệnh viện sẽ mở rộng lên 700 giường, cho nên hiện bệnh viện đang rất cần thêm trang thiết bị, máy móc như máy thở, máy lọc máu, ECMO và nhất là nguồn nhân lực. Mặc dù còn gặp một số khó khăn, thiếu thốn, nhưng để người nhà bệnh nhân điều trị tại đây an tâm, bệnh viện đã triển khai hệ thống tin nhắn và nhắn tin đến tất cả người nhà, thân nhân của bệnh nhân biết về tình trạng người bệnh, tiên lượng ra sao. Ðây là nhu cầu rất chính đáng, qua đó giúp cho người nhà của bệnh nhân được thường xuyên cập nhật tình hình điều trị, bớt lo lắng hơn trong thời gian người thân của mình đang điều trị trong bệnh viện.

Mạnh Hảo