Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau
Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021 dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nỗ lực hồi phục kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. Cùng với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, ngay từ bây giờ, cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội việc làm.

Trong bài viết “Thiếu hụt lao động tại Mỹ thời Covid: Triệu chứng của bệnh nền?”, đã có một số nhận định tổng kết lại một số vấn đề thị trường lao động Mỹ đang phải đối mặt, xác định được phần nào nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ những chính sách hỗ trợ người lao động ứng phó với đại dịch của Chính phủ, từ đó đã bộc lộ thêm nhiều vấn đề dài hạn mà Mỹ đang đối mặt. Vậy từ những “bệnh nền” của nền kinh tế hàng đầu thế giới đó, những lưu ý nào có thể rút ra cho tình huống của Việt Nam?

Trên thực tế, hiện tượng thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay cả khi dịch đã được khống chế và kinh tế có dấu hiệu phục hồi, không phải là vấn đề của riêng Mỹ.

Theo khảo sát, nhiều quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Canada, Chile, Australia, New Zealand, Anh, Hungary, Nhật Bản, Trung Quốc…, cũng đang đối mặt với vấn đề này, mà lý do cơ bản không ngoài việc đứt gãy cung - cầu lao động, sự dịch chuyển lao động, chuyển đổi cơ cấu và nhu cầu việc làm, người lao động bị buộc phải rời khỏi thị trường lao động do ảnh hưởng của dịch.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng làm bộc lộ rõ hơn, sớm hơn những điểm yếu của thị trường lao động các nước liên quan đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế và già hóa dân số.

 
Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0

Năm 2020, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong kiểm soát dịch Covid-19, với tỷ lệ ca mắc trên 1 triệu dân thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Mặc dù vậy, thị trường lao động vẫn chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm, cả nước có khoảng 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam tính trong cả năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0
 Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ người lao động được đánh giá là kịp thời và chưa có tiền lệ. Ngay trong tháng 4 năm 2020, Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được ban hành.

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0

Sang tới năm 2021, nhất là từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, thị trường lao động lại rơi vào trạng thái biến động khó lường. Chỉ tính riêng quý II/2021, cả nước có 557 nghìn lao động bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm dừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. 

Chính phủ một lần nữa ban hành thêm các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch qua Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới thị trường lao động - việc làm vẫn thể đo đếm được.

 
Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0

Theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022, mục tiêu Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng với trên 70% dân số được tiêm vaccine vào cuối quý I/2022. 

Theo nhận định và tính toán của nhiều chuyên gia và nhà khoa học, với lượng vaccine được cam kết sẽ bàn giao trong quý III và quý IV/2021 cũng như những nỗ lực toàn ngành y tế và hệ thống chính trị trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, thì mục tiêu này là khả thi. Và chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào việc mở cửa lại và khôi phục hoạt động kinh tế vào đầu quý II/2022. Khi đó, liệu thị trường lao động có rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động như điều đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới?

cn4-1628263223205.jpg

Thứ nhất, khi thị trường lao động sôi nổi trở lại, khả năng kết nối cung - cầu lao động của thị trường sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả người lao động. Thông tin thị trường lao động hiện nay vẫn chỉ được thu thập và phổ biến cục bộ theo địa phương, chưa có sự liên thông, đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu quốc gia lao động - việc làm hiện nay chưa được triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu lao động còn rất hạn chế. Điều này gây khó khăn không chỉ cho người lao động và doanh nghiệp, mà còn cho chính hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, vốn dĩ có trách nhiệm nặng nề trong việc tư vấn, giới thiệu và kết nối việc làm với người lao động trong phạm vi cả nước. 

Khi dịch bệnh được kiểm soát qua miễn dịch cộng đồng, một hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin và các chiến lược kết nối thông tin lao động - việc làm liên tỉnh thành phải sẵn sàng để nhanh chóng phân bổ nguồn lao động, hỗ trợ, thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0
 

Thứ hai, khi đại dịch diễn biến phức tạp và các doanh nghiệp buộc phải sa thải hoặc để người lao động tạm dừng việc, một lượng lớn những người lao động này đã di chuyển ra khỏi khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có đông dân cư với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Câu chuyện hơn 10.000 lao động ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương lũ lượt về quê Nghệ An, Hà Tĩnh trong những ngày gần đây là một thí dụ điển hình. Sự kiện này cùng với tâm lý e ngại, không sẵn sàng quay trở lại nơi làm việc ngay sau khi dịch được kiểm soát sẽ kéo theo nguy cơ thiếu hụt lao động ở thành thị và các khu công nghiệp, khu chế xuất khi phục hồi sản xuất. 

Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. 

Song song với những động thái quyết liệt về kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa cuộc sống ở các vùng bị ảnh hưởng trở lại bình thường sớm nhất, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động như đã nêu ở trên, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính hoặc ít nhất là hỗ trợ chi phí di chuyển, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về biện pháp bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động. 

Cùng với đó là những chính sách, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất áp dụng các biện pháp cần thiết để tái sử dụng lại những lao động đã bị dừng/nghỉ việc do dịch bệnh thông qua các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh.

p3-1628260029306.jpg

Thứ ba, khi dịch bệnh kéo dài, một bộ phận người lao động, do áp lực về tài chính hoặc từ những dự định trước đó, đã thực hiện chuyển hướng sang một số việc làm tự do đang khá phổ biến như buôn bán trực tuyến, kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất hàng thủ công, hoặc theo đuổi mô hình kinh tế hộ gia đình. 

Cụ thể, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19, số lượng lao động tự sản tự tiêu tăng cao nhất, ở mức 4,2 triệu người. Và trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước đã có 67.083 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - cao nhất tính theo giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay.

Ảnh hưởng của xu thế nêu trên tới thị trường lao động và nền kinh tế còn chưa thực sự rõ ràng, khi xu hướng tiêu dùng và mua sắm trực tuyến có thể sẽ thay đổi đáng kể khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ.

Để có cơ sở phân tích, đánh giá và kiến nghị chính sách cụ thể, vai trò của công tác thu thập dữ liệu, phân tích dự báo theo ngành nghề, địa bàn, lứa tuổi đang trở nên rõ rệt và cần thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là một khía cạnh Chính phủ cần quan tâm hơn trong giai đoạn này, khi hiện nay chưa có một cơ quan nhà nước nào được đầu tư thoả đáng để thực hiện công tác phân tích dự báo định kỳ thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời những xu thế mới trong thị trường lao động.

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0

Thứ tư, ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể tác động không đồng đều đến các nhóm lao động khác nhau. 

Cụ thể, lao động có trình độ tay nghề ở mức thấp, chưa qua đào tạo, lao động trên 35 tuổi làm các công việc gia công, lắp ráp đòi hỏi độ chính xác cao là những đối tượng dễ bị tổn thương khi dịch bệnh bùng phát do nguy cơ mất việc cao. Theo đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng lao động “có tuổi”, tức là ngoài 35 tuổi, bị sa thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được phát hiện từ nhiều năm nay. Những lao động này, đặc biệt là nữ giới, thường sẽ rất khó tìm được công việc tương đương mới nếu bị mất việc. Tình trạng này có nguy cơ trầm trọng hơn trong dịch bệnh. Và khi đại dịch qua đi, chắc chắn sẽ có sự đột biến về số lượng lao động trên 35 tuổi, lao động trình độ thấp không có việc làm.

Đứng trước nguy cơ nói trên, một trong những giải pháp tốt nhất là các chính sách khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được ban hành đầu tháng 7 vừa qua đã rất quan tâm chú trọng vấn đề này, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một bước đi đúng đắn của Chính phủ về mặt chủ trương, chính sách, và cần được khẩn trương triển khai vào cuộc sống một cách nhanh nhất. 

p4-1628260598280.jpg

Bên cạnh đó, nhằm tạo sự chủ động hơn cho người lao động, Chính phủ hoàn toàn có thể nghiên cứu trình Quốc hội ban hành cơ chế mới cho phép người lao động trực tiếp đăng ký các khóa đào tạo, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng trình độ sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp mà không cần qua doanh nghiệp. Không chỉ thế, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lại lao động cũ, đặc biệt là lao động “có tuổi” cũng có thể được xem như giải pháp bổ sung.

Cuối cùng, Việt Nam, cũng như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số trong tương lai gần. Với tốc độ già hóa ở mức nhanh nhất thế giới, Việt Nam dự báo sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Khi đại dịch diễn ra, người lao động sắp đến tuổi nghỉ hưu sẽ có xu hướng nghỉ hưu sớm (tự nguyện hoặc không tự nguyện), trong khi dân số trẻ chưa thể tham gia vào thị trường lao động. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng tăng khoảng 107,44 nghìn năm 2019; tăng 133,3 nghìn năm 2020.

Như vậy, ước tính số người nghỉ hưu trong khoảng 2-3 năm tới là vào khoảng 250 tới 350 nghìn người. Phần lớn trong số họ, nếu mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gần như sẽ không thể quay lại tìm việc mới trên thị trường lao động chính thức.

Điều này vừa đưa đến tình trạng thiếu hụt lao động khi kinh tế phục hồi vừa đặt thêm gánh nặng lớn hơn lên hệ thống an sinh xã hội vốn đã rất căng thẳng trong đại dịch.

Để chuẩn bị cho tình huống trên, hai cách tiếp cận chính sách sau cần được nghiên cứu triển khai song song. 

 
Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau -0
Trước hết, các chính sách cấp bách nhằm duy trì, bảo vệ việc làm cho người cao tuổi, bảo đảm quyền lợi của lao động cao tuổi trước các ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chính sách này cần được kết hợp, dẫn dắt bởi các chỉ đạo hành chính, tuyên truyền, động viên, quán triệt sâu sắc để các cấp, các ngành và đặc biệt là doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hơn trong quá trình đưa ra các quyết định kinh tế trong mùa dịch.

Cùng với đó, các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích tạo việc làm, phát triển kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi phù hợp với thực tiễn già hóa dân số của Việt Nam. Các chính sách theo hướng này có thể nghiên cứu để triển qua Quỹ Quốc gia về việc làm, sử dụng nguồn vốn của Quỹ để cho vay duy trì, tạo việc làm cho người cao tuổi, cho doanh nghiệp vay để thí điểm đầu tư dịch vụ cho người cao tuổi sử dụng lao động người cao tuổi.

Với những phân tích trên đây, có thể thấy, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường lao động Việt Nam cũng đang tồn tại những vấn đề tiềm ẩn mang tính dài hạn ở cả phía cung lẫn phía cầu lao động, và dịch Covid-19 là cú sốc để những hạn chế đó bộc lộ sớm hơn. Để chuẩn bị cho phục hồi và phát triển kinh tế, những nguy cơ tiềm ẩn của thị trường lao động cần được theo dõi, đánh giá và có phương án xử lý ngay từ bây giờ, giảm thiểu cú sốc thiếu hụt lao động khi nền kinh tế mở cửa trở lại, bảo đảm cơ sở vững chắc để nhanh chóng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất ngay khi dịch được khống chế.

Thị trường lao động Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Lo trước để giảm lo sau ảnh 12

Ngày xuất bản: 10/8/2021

TS NGUYỄN XUÂN HẢI, ThS CHU THỊ LÊ ANH 

Trình bày: NGUYỄN ĐĂNG