Nới lỏng đi kèm với kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ thành quả chống dịch

Sau 4 đợt thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố Hà Nội đã cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội. Từ 6 giờ sáng mai (21/9), Hà Nội sẽ nới lỏng một số hoạt động, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, bảo vệ thành quả chống dịch.

Từ mai, thành phố không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường, (Ảnh: DUY LINH)
Từ mai, thành phố không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường, (Ảnh: DUY LINH)

Sau 4 đợt thực hiện giãn cách xã hội, TP Hà Nội đã cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị. Từ ngày 21/9, thành phố điều chỉnh phương thức phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh, nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào thành phố, bảo vệ thành quả chống dịch.

Đánh giá về kết quả sau 4 đợt thực hiện giãn cách xã hội của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ, thành phố đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, đó là kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh ở mức cao hơn.

Từ ngày 27/4 đến sáng 20/9, thành phố ghi nhận 4.187 bệnh nhân Covid-19, nhưng thành phố xây dựng kịch bản dự kiến có tới 40 nghìn ca F0 và đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này.

Hiện nay, các đơn vị đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 ca F0, nhưng đã bố trí 22.100 giường bệnh để thu dung, điều trị người bệnh thể nhẹ; 2.000 giường điều trị bệnh nhân trung bình và nguy kịch. Ngoài ra, chuẩn bị 118.000 chỗ cách ly các đối tượng F1, đang vận hành hơn 40.000 chỗ... , nhưng mới sử dụng chưa đến 9% công suất.

Đáng chú ý, từ ngày 9/9, thành phố huy động toàn bộ lực lượng y tế công lập, y tế tư nhân, các bệnh viện Trung ương và các bộ, ngành trên địa bàn, cùng hơn 4.000 cán bộ, nhân viên y tế của 12 tỉnh, thành phố phía bắc, tổ chức chiến dịch xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng "thần tốc" vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên, với 1.600 dây chuyền tiêm hoạt động ba ca liên tục.

Trung bình mỗi ngày, thành phố triển khai tiêm được từ 420.000 đến 550.000 mũi, gấp khoảng từ 6 đến 8 lần so với ngày tiêm cao điểm nhất trong tháng 8/2021 (hơn 72.000 mũi). Ngày cao điểm nhất tiêm được 606.000 mũi tiêm. Đến hết ngày 18/9, thành phố đã tiêm được hơn 6,4 triệu mũi, trong đó có hơn 5,6 triệu mũi 1, đạt 94,2% số người từ 18 tuổi trở lên. Tổng số mũi 2 là hơn 786.000 mũi, đạt 12%.

Về công tác xét nghiệm, từ ngày 8 đến 15/9, thành phố đã lấy tổng số gần 4,2 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát y tế, đạt 84% kế hoạch; qua đó, đã phát hiện 21 ca dương tính, kịp thời cách ly, điều trị. Nhờ đó, tình hình dịch được kiểm soát tốt.

Số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ tư giảm mạnh, số ca nhiễm trong cộng đồng cũng giảm từ 35 ca/ngày (trong đợt giãn cách thứ nhất) xuống còn 2,7 ca/ngày (trong đợt giãn cách thứ tư). Số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị cũng giảm, tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi tăng.

Sau hai tháng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội, dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa do liên quan tới các ca nhiễm Covid-19, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhưng thành phố duy trì, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân.

Trên địa bàn Thủ đô không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Cũng trong thời gian này, hơn 2 triệu người, kể cả người lao động tự do ở các tỉnh, thành phố khác, người nước ngoài hiện đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội đã nhận được các gói hỗ trợ an sinh với tổng kinh phí hơn 1.138 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hoặc nguồn xã hội hóa.

Bảo vệ thành quả chống dịch

Từ 6 giờ sáng 21/9, thành phố Hà Nội kết thúc đợt giãn cách thứ tư. Sau gần hai tháng siết chặt mọi hoạt động, kể cả việc đi lại, người dân Thủ đô đều mong ngóng được nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như các hoạt động thuộc đời sống xã hội, được trở về nhịp sống sôi động trước kia.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khá phức tạp, trong khi mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn, biểu hiện là các ca bệnh trong cộng đồng vẫn xuất hiện trong 3 ngày qua, vì vậy, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của thành phố đặt ra đối với công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn tới là bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, thành phố điều chỉnh các biện pháp phù hợp, bảo đảm an toàn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, theo hướng tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi trở lại.

Thành phố không áp dụng phân vùng và kiểm soát giấy đi đường, yêu cầu các đơn vị không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhưng yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục duy trì 22 chốt tại các khu vực cửa ngõ Thủ đô để kiểm soát người và phương tiện ra, vào thành phố, ngăn chặn các mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Nêu thêm lý do vẫn chưa được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phân tích, mặc dù hiện nay thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho 94,2% số người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng Hà Nội vẫn chưa thể trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi tiêu chí bắt buộc phải là hơn 70% số người trong độ tuổi tiêm chủng được mũi 1 và từ 20% số người được tiêm mũi 2. Do vậy, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay, để trở lại cuộc sống bình thường được.

Thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9. Tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan