Những doanh nghiệp Việt dũng cảm đi ngược chiều gió

NDO -

Vì gió ngược chiều mà diều bay cao, chính những ngày tháng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, lại tạo nên “mảnh đất màu mỡ” để những ý tưởng kinh doanh nhân bản được đâm chồi nảy lộc. Doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tham gia “giải cứu” nông sản, hay thậm chí một người lao động thất nghiệp khởi nghiệp… mỗi câu chuyện đều tạo nên cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Việt Nam.

Anh Lê Duy Toàn bên các sản phẩm quê hương vừa lạ vừa quen.
Anh Lê Duy Toàn bên các sản phẩm quê hương vừa lạ vừa quen.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) điêu đứng, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, bởi không giống các tập đoàn đa quốc gia, họ thường không có quỹ dự trữ để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nhận thấy điều đó, nhằm lan tỏa giá trị tích cực và niềm tin cho các DN non trẻ, Công ty Tư vấn sáng tạo Happiness Saigon đã cho ra mắt chiến dịch: “Happiness Small Business Initiative” (tạm dịch là: Sáng kiến hạnh phúc cho DN nhỏ), tư vấn miễn phí giúp cho chủ DN nhỏ có thể vững vàng đứng lên sau khó khăn. Ban lãnh đạo Happiness Saigon cho rằng: Biết đâu, khi đã vượt qua được khó khăn, chính những DN được tư vấn hôm nay sẽ trở thành khách hàng của mình nay mai!

Những ngày cuối tuần, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) vẫn cặm cụi tại phòng làm việc, đau đáu với ý tưởng kết hợp bánh tráng, bún, phở với dưa hấu, thanh long nhằm hỗ trợ tiêu thụ như một cách vừa tiếp sức cho nông sản Việt, vừa làm mới sản phẩm của công ty.

Sau rất nhiều thử nghiệm, thất bại, làm lại vẫn thất bại, nhưng anh không hề nản chí. Sự bền bỉ, những kinh nghiệm đúc kết ra đã giúp cho sản phẩm đủ sức chinh phục thị trường. Những sản phẩm thuần Việt đã được xuất khẩu đến 42 nước trên thế giới, được bán trong hệ thống của Amazon… với hai thương hiệu Việt có đăng ký bản quyền. Giờ thì anh Toàn đã sẵn sàng tăng ca sản xuất để đáp ứng cho đợt “giải cứu” dưa hấu Bắc Giang này!

Ngược chiều gió -0
Những chiếc khẩu trang của chị Kiều luôn khiến khách hàng hài lòng.

Chị Nguyễn Thị Xuân Kiều (38 tuổi, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh), từng gắn bó với nghề du lịch trong nhiều năm. Vậy nên, khi ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, chị Kiều buộc phải nghỉ việc. Thay vì ngồi chờ đợi, chị Kiều tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bắt đầu từ xưởng may của mẹ, chị quyết định bắt tay vào sản xuất khẩu trang vải, một sản phẩm “hot” của mùa dịch. Điểm làm nên sự khác biệt trong sản phẩm của chị chính là những họa tiết khiến chiếc khẩu trang trở nên sinh động hơn. Những dòng chữ cổ vũ tinh thần mùa dịch thu hút sự quan tâm của khách hàng. Giá mỗi chiếc khẩu trang đều nằm ở mức bình dân, khách đặt một chiếc cũng làm, bởi chị cho rằng công việc này không chỉ giúp có thu nhập mà cũng là đang góp sức cho cộng đồng.

“Mình bán rẻ hơn thị trường, mẫu mã lại được mọi người thích. Cho nên mình hy vọng mọi người đeo khẩu trang nhiều hơn, không thấy khó chịu với việc phải đeo khẩu trang nữa”, chị chia sẻ.

Trong bối cảnh cả nước đang trong cao trào phòng, chống dịch bệnh, mỗi câu chuyện nói trên như một lát cắt phần nào lý giải thực tế: “càng gian khó càng tôi luyện bản lĩnh” của con cháu Lạc Hồng. Trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp có thể khởi phát từ những điều thật giản dị.