Nhiều người dân Hà Nội bức xúc vì F1 phải đi cách ly tập trung

NDO -

Trở về nhà tại chung cư Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội) sau giờ làm, mặc dù che chắn rất kỹ bằng khẩu trang, kính chắn giọt bắn, nhưng chị N.T vẫn không thể tránh khỏi tình huống trở thành F1 khi thang máy có F0. Không thuộc diện ưu tiên nào, chị N.T phải đi cách ly tập trung theo yêu cầu của UBND phường Thượng Đình.

Các công dân ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đi cách ly tập trung do có nhiều F0 trong ngõ.
Các công dân ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đi cách ly tập trung do có nhiều F0 trong ngõ.

Đây không chỉ là tình huống trớ trêu với chị N.T mà còn là nỗi lo lắng của hàng chục nghìn cư dân khi đang sinh sống tại các khu chung cư ở Hà Nội. Những ngày qua, nhiều diễn đàn tại các khu chung cư nóng lên vì câu chuyện F1 phải đi cách ly tập trung.

Nỗi niềm F1 đi cách ly tập trung 

Tại chung cư Royal City, nhiều cư dân đã viết đơn kiến nghị lên Ban Quản lý đề xuất với UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội về việc cần phải thay đổi cách thức cách ly với F1. 

Tối 9/11, chị N.L bức xúc viết trên diễn đàn:“Chồng em đi thang máy với F0 và đang chờ quyết định từ những người có thẩm quyền để đi “du lịch không mong ước”… Có một vấn đề quá bức xúc rằng F1 còn không biết F0 là ai sau cuộc điện thoại từ chăm sóc khách hàng và đã thành F. Em kính nhờ Ban Quản trị, Ban Quản lý tác động làm việc với phường, quận thế nào cho hợp tình, hợp lý. Chồng em đi thang máy chung với F0 ngày 3/11 và đến 11 giờ đêm 9/11, phường gọi thông báo chờ quyết định”.

Câu chuyện này thu hút sự chú ý của nhiều cư dân vì sau 7 ngày, chồng chị N.L mới được thông báo sẽ có quyết định đi cách ly tập trung hay không dù anh không tiếp xúc với F0, tuân thủ đúng 5K và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Trước những thông tin chưa được rõ ràng khi Bộ Y tế thông tin F1 không phải đi cách ly tập trung nhưng Hà Nội vẫn duy trì phương án cũ, nhiều cư dân bày tỏ sự khó hiểu: “Cách giải thích F1 “bế đi” để cách ly khỏi cộng đồng, tránh nguy cơ lây nhiễm, nhưng có nên đánh đồng F1 như hiện nay? Phải đánh giá F1 tiếp xúc với F0 khoảng thời gian bao lâu? Nếu F1 tiêm đủ 2 mũi, khẩu trang, chỉ đi cùng thang máy mà cũng bị đánh đồng tất để bế đi cách ly có hợp lý? Việc cách ly chung có đủ an toàn và bảo đảm không lây chéo?”.

Vô tình
 

Nhiều người cùng thống nhất đề nghị Ban Quản trị, Ban Quản lý thể hiện trách nhiệm và tiếng nói với chính quyền trong việc bảo vệ cư dân và thực hiện đúng các quy định của pháp luật rất cụ thể với tình huống này. “Tôi rất nghiêm túc tuân thủ pháp luật nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ yêu cầu F1 đi cách ly tập trung nếu không giải thích rõ việc áp dụng theo các hướng dẫn văn bản mà Bộ trưởng Y tế trả lời tại Quốc hội”.

Hiện nay, tại một số phường, quận ở Hà Nội cũng đã có những phương án cách ly F1 khác nhau. Tại nhiều khu chung cư, F1 vẫn được cách ly tại nhà. Nhiều trường hợp dù F1 đã đưa đi cách ly tập trung buổi sáng nhưng chiều lại được đưa về nhà để cách ly tại nhà. 

Nhiều người khi biết là F1 quan ngại nhất khi phải đi cách ly tập trung chính là việc lây nhiễm chéo, chỗ ở đông người, dùng chung nhà vệ sinh, ý thức chấp hành 5K chưa tốt. Dù nhiều gia đình có đầy đủ điều kiện cách ly tại nhà, nhưng quy định là thế, họ phải chấp nhận tuân thủ. 

"Không phải F1 nào cũng đưa đi cách ly tập trung"

Theo đại diện Ban Quản lý chung cư Royal City, hiện nay khu Royal City có 6 tòa chung cư và hiện có 44 trường hợp F1 đang phải cách ly tập trung. Ban Quản lý cũng đã tập hợp ý kiến để gửi lên UBND phường Thượng Đình.

Vị này cho hay, hiện thành phố Hà Nội chưa thay đổi phương án cách ly tại nhà nên phường đang làm theo đúng các văn bản hướng dẫn của thành phố. Ngay khi xác định có F0 và điều tra truy vết, Ban Quản lý đã làm việc với y tế phường để xác minh các trường hợp cần phải đưa đi cách ly. “Y tế phường sẽ phân loại các cháu nhỏ dưới 18 tuổi, người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai cho cách ly tại nhà. Trường hợp nhà chỉ có hai bố con mà bố là F1 cũng được tạo điều kiện cho ở nhà. Những trường hợp khỏe mạnh, người có nguy cơ rủi ro cao khi vẫn ra ngoài cộng đồng để làm việc, chính quyền sẽ kiểm soát chặt rủi ro, đưa đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn tốt nhất cho cộng đồng”.

Ngày 11/11/2021, Ban Quản trị Khu căn hộ Royal City đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội về việc đề nghị giải quyết cách ly y tế tại nhà. Theo đó, Khu chung cư Vinhomes Royal City đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Quy định về hướng dẫn tạm thời về cách ly tại nhà. Các trường hợp F1 chỉ tiếp xúc với F0 trong thang máy trong thời gian rất ngắn (chưa đến 5 phút trong điều kiện thực hiện đầy đủ 5K) lên đến gần 100 người, đã đi cách ly tập trung 44 người (từ 6-10/11).

Liên quan đến phản ánh của một số người dân tại chung cư R6A Royal City (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc diện F1 cho rằng, cơ quan chức năng đã không làm đúng hướng dẫn khi yêu cầu phải đi cách ly tập trung, sáng 11/11, đại diện UBND quận Thanh Xuân khẳng định, quận đang làm đúng hướng dẫn và quy định của thành phố Hà Nội.

Cụ thể, ngày 29/10/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 243/KH-UBND về thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đối với người đến từ địa bàn có dịch (địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế), người tiếp xúc gần (F1): thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Riêng đối với người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người dưới 18 tuổi (trẻ em) thực hiện cách ly tại nhà và có người chăm sóc cách ly cùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết, phường đang triển khai việc phân loại, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung theo đúng quy định Văn bản 243/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Ông Nam cho biết, sau khi cả nước triển khai thích ứng an toàn linh hoạt theo Nghị quyết 128, số ca nhiễm tại Hà Nội đang tăng nhanh và bùng phát nhiều ổ dịch nhỏ. Nếu để F1 tại nhà sẽ thiếu lực lượng giám sát.

“Giả dụ nếu có 50 điểm có F1, chúng tôi không đủ lực lượng giám sát F1 tại nhà vì có không ít F1 viện lý do cần phải ra ngoài làm việc. Trong khi đó, việc cách ly tập trung có người giám sát chặt chẽ, có người lấy mẫu, thăm hỏi, chăm sóc thường xuyên và khi F1 trở thành F0 sẽ xử lý được ngay. F1 tại nhà có thể tiện cho người dân nhưng quản lý kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, việc xác định F1 đi tập trung hay không phụ thuộc vào việc cán bộ y tế sẽ điều tra trực tiếp, hỏi các thông tin của F0 và các F1 để phân loại. Bên cạnh đó, căn cứ theo đúng hướng dẫn của Văn bản 243, các đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, người già có bệnh nền sẽ được cách ly tại nhà.

Hà Nội chưa thay đổi phương án cho toàn bộ F1 cách ly tại nhà

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, đặc thù của Hà Nội khác các tỉnh và đến nay, thành phố vẫn giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và việc điều trị tập trung F0.

Ông Tuấn lý giải, thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực và số cơ sở cách ly tập trung với khoảng 60 nghìn đến 70 nghìn F1 trở lên. Đến khi toàn thành phố có khoảng hàng trăm nghìn trường hợp F1 trở lên mới tính đến phương án cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, Hà Nội đặc thù đất chật người đông không bảo đảm đủ an toàn khi cách ly tại nhà.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11 tại Quốc hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng trao đổi về công tác cách ly F1 của thành phố Hà Nội.

Theo bà Hà, hiện nay theo quy định tại Nghị quyết 28, Quyết định 4800 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, năng lực y tế, năng lực triển khai các khu cách ly tập trung, xem xét các điều kiện cách ly tại nhà, từng địa phương sẽ chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp về công tác phòng, chống dịch bệnh, với mục đích là bảo đảm an toàn sức khỏe tốt nhất cho người dân và phòng, chống sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bà Hà khẳng định, Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng có dịch về và quản lý cách ly F1.

Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát sinh những ca F0 trong cộng đồng, không rõ nguồn lây, đặc biệt trong ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca bệnh, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng, dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội sẽ diễn biến rất phức tạp và khó lường.

“Trên cơ sở diễn biến tình hình dịch bệnh, Hà Nội sẽ tiếp tục có những điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, các biện pháp cách ly bảo đảm vừa thực hiện đúng các quy định tại Nghị quyết 128, vừa phù hợp thích ứng linh hoạt với tình hình cụ thể của địa phương”, bà Hà nói.

Vô tình
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời phiên chất vấn sáng 10/11. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, Hà Nội là trung tâm về mặt chính trị, kinh tế của đất nước nên mọi quyết định, chính sách và hoạt động về phòng, chống dịch phải được thực hiện và đánh giá rất kỹ lưỡng.

“Bộ Y tế đã trao đổi với thành phố Hà Nội, trong những trường hợp như vậy thì không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày và trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đã nêu rất rõ trường hợp này chỉ cách ly tại nhà 7 ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Trên cơ sở đánh giá lại những nguy cơ, các địa phương điều chỉnh dần những vấn đề về áp dụng các biện pháp đặc biệt phòng, chống dịch cho phù hợp và đồng bộ chung cho tất cả các tỉnh, thành phố. Và chúng tôi lưu ý là ở cùng một cấp độ thì không nên khác nhau quá nhiều”.

Quyết định số 3638/QĐ-BYT, ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19”:

Trường hợp F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Trường hợp F1 được phân thành 2 cấp bậc gồm:

Nếu tiếp xúc với F0 có triệu chứng: Một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc trong vòng 3 ngày trước khi F0 khởi phát triệu chứng cho đến khi được cách ly y tế. Tiếp xúc trước đó trên 4 ngày đều không được tính. Thời điểm F0 khởi phát bệnh được tính là ngày bắt đầu có triệu chứng bất thường về sức khỏe theo các dấu hiệu phía trên.

Nếu tiếp xúc với F0 không triệu chứng, chia thành 2 trường hợp.

Nếu F0 đã xác định được nguồn lây, một người chỉ trở thành F1 khi tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây đến khi được cách ly y tế.

Nếu F0 chưa xác định được nguồn lây: F1 là người tiếp xúc với F0 trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế.

Một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm:

- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng.

- Người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh xác định.

- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc.

- Người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông…