Nắng nóng làm tăng nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương

NDO -

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp độ ẩm giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, khiến nguy cơ cao cháy rừng ở nhiều địa phương.

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Hoàng Liên cùng người dân địa phương thường xuyên kiểm tra, phát dọn cây cỏ khô, phòng ngừa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô.
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Hoàng Liên cùng người dân địa phương thường xuyên kiểm tra, phát dọn cây cỏ khô, phòng ngừa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô.

* Chiều 30-3, Đài khí tượng - thủy văn Lào Cai cho biết, xuất hiện gió nóng (còn gọi là gió Ô Quý Hồ) ở thị xã Sa Pa, với đặc trưng là hanh khô, độ ẩm rất thấp, thổi với cường độ khá mạnh, làm tăng nguy cơ cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và vùng phụ cận.

Theo Trạm khí tượng tại Sa Pa ghi nhận được, bầu trời ít mây và nắng chói chang, gió nóng Ô Quý Hồ thổi theo hướng tây nam, tốc độ 4m/s, độ ẩm giảm xuống còn 14%. Với đặc tính nóng khô, nên mỗi khi xuất hiện, gió nóng Ô Quý Hồ làm tăng nguy cơ cháy rừng, đẩy cấp báo động cháy rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên và vùng phụ cận lên cao.

Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên, ông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, Vườn quốc gia Hoàng Liên rộng hơn 28 nghìn ha, trải rộng qua ba xã của thị xã Sa Pa (Lào Cai) và hai xã của huyện Tam Đường (Lai Châu). Do ảnh hưởng của gió nóng, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã đặt trạng thái báo động cảnh báo cháy rừng cấp 4, thuộc diện nguy hiểm (có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh), sau cấp 5 là cấp cuối cùng, thuộc diện cực kỳ nguy hiểm.

Hiện tại, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã tập trung lực lượng, lập 15 chốt canh ở những khu vực trọng yếu, thường xuyên duy trì lực lượng kiểm lâm tại đây, kịp thời phát hiện và xử lý ngay tại chỗ, phòng ngừa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô nguy hiểm.

Theo Đài khí tượng - thủy văn Lào Cai, gió nóng Ô Quý Hồ tiếp tục kéo dài trong vài ngày nữa, đến ngày 2-4, sẽ giảm bớt và chấm dứt. Qua theo dõi nhiều năm, gió nóng Ô Quý Hồ thường xuất hiện tùy theo khối không khí nóng từ phía bắc tràn tới, kéo dài từ tháng 2 năm trước đến tháng 5 của năm sau, cao điểm nhất là vào tháng 4. Rất nhiều vụ cháy rừng ở Sa Pa thường xảy ra vào khoảng thời gian gió nóng Ô Quý Hồ xuất hiện.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ.

Nắng nóng làm tăng nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương -0

Ngày mai, 31-3, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam kết hợp với hiệu ứng phơn, ngày mai, nắng nóng diện rộng tiếp tục xảy ra ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, mở rộng ra các tỉnh phía Tây Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi hơn 37 độ C; riêng khu vực vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi hơn 40 độ C; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ C.

Khu vực Hà Nội trong các ngày 31-3 và 1-4, có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 40-55%. Thời gian có nhiệt độ hơn 35 độ C từ 12-16 giờ.

Cảnh báo, đợt nắng nóng này ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2-4.  Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.  

Dự báo trong ba ngày tới, chỉ số UV cực đại ở khu vực Bắc Bộ có dao động nhẹ, hai ngày đầu, chỉ số này phổ biến ở mức nguy cơ gây hại rất cao, ngày thứ ba, chỉ số UV có xu hướng giảm nhẹ, ở mức nguy cơ gây hại trung bình. Các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục duy trì ở mức nguy cơ gây hại rất cao.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Để phòng tránh tác hại của tia UV khi trời nắng nóng, người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng như: Áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài tối màu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt.

Ngoài ra, người dân nên đeo kính râm bảo vệ mắt, lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99 -100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da chung quanh. Đồng thời nên bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím.