Cần tháo gỡ vướng mắc để nhiều lao động tiếp cận gói hỗ trợ an sinh xã hội hơn

NDO -

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành có liên quan và 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho 1,63 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đến nay, đã có 1,608 triệu người lao động, người sử dụng lao động tại Hà Nội đã nhận hỗ trợ với kinh phí hơn 424 tỷ đồng.

Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong mùa dịch tại Hà Nội.
Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong mùa dịch tại Hà Nội.

Mặc dù thành phố Hà Nội đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 11/12 nhóm chính sách theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều nhóm đối tượng có tỷ lệ được hỗ trợ chưa cao.

Tại nhóm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương, hiện 28/30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ 14.043 lao động tạm hoãn HĐLĐ với kinh phí là 55,91 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả cho 11,061 lao động với số tiền 43,71  tỷ đồng.

Đối tượng nhận hỗ trợ chưa nhiều

Đối với nhóm người lao động ngừng việc, mới có 14/30 quận, huyện, ra quyết định hỗ trợ cho 249  lao động với số tiền 333 triệu đồng (trong đó, đã hỗ trợ 201 lao động với số tiền 280 triệu đồng).

Về hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội mới thực hiện hỗ trợ một lao động với số tiền 3,71 triệu đồng. Hay như việc hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch, Sở Du lịch Hà Nội mới ra quyết định hỗ trợ được cho 69 người và mới có 23 người trong số đó được nhận hỗ trợ với số tiền 85,3 triệu đồng.

Đáng chú ý, sau gần ba tháng triển khai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội chưa nhận được hồ sơ nào xin hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về tình hình, kết quả thực hiện một số chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn được tổ chức ngày 8/9, nhiều ý kiến cho rằng thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các gói hỗ trợ an sinh trong thời điểm giãn cách xã hội cũng là một nguyên nhân khiến việc triển khai bị chậm. Công tác rà soát một số nhóm đối tượng tại một số đơn vị còn hạn chế, nhất là đối với nhóm lao động tự do, một số nơi còn có tâm lý chờ người dân đến làm các thủ tục, dẫn đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng chưa kịp thời và đúng thời điểm. Thành phố kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách.

Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, thủ tục giải quyết chế độ cho các F1 đã hoàn thành cách ly đang gặp khó khăn.

Thí dụ, về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ hỗ trợ cho đối tượng F1 đã hoàn thành cách ly, Khoản 4, Điều 27 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly gồm 4 loại giấy tờ, trong đó có "Biên nhận thu tiền ăn của cơ sở cách ly. Song trong thực tế triển khai, hầu hết các đối tượng F1 không có giấy biên nhận thu tiền ăn (cơ sở cách ly không cấp hoặc đã cấp, nhưng đánh mất hoặc chuyển khoản chung cả nhóm). Vì vậy, nhiều quận, huyện không thu được hồ sơ, hoặc rất ít hồ sơ.

Về đối tượng hỗ trợ, tại điểm 4, điểm 6 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP quy định: người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được hưởng chính sách hỗ trợ khi tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Như vậy, những người lao động làm việc tại hộ kinh doanh và các loại hình sản xuất kinh doanh khác phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng do tác động bởi dịch Covid-19 nếu đủ điều kiện theo quy định cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, một trong các điều kiện để người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là phải đang tham gia bảo hiểm xã hội đến tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Nhưng trên thực tế, tại các địa phương trên toàn quốc, nhiều người lao động chưa ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ, hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, một bộ phận người lao động không đủ điều kiện để nhận được gói hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Có một tình trạng đang diễn ra phổ biến ở Hà Nội và các địa phương trong cả nước đó là người lao động không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm đang làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các đơn vị khác. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội đã đề nghị các cơ quan chức năng bổ sung đối tượng nêu trên được hưởng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đồng thời quy định về điều kiện được hưởng và trình tự thủ tục để áp dụng trong toàn quốc.