Nghịch lý tại các ký túc xá sinh viên ở Ðà Nẵng

NDO - Trên địa bàn TP Ðà Nẵng hiện có hơn 40 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, với khoảng 110 nghìn sinh viên. Ðể đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, Ðà Nẵng đã đầu tư và đưa vào sử dụng hai khu ký túc xá (KTX) tập trung, với sức chứa 10 nghìn sinh viên. Thế nhưng, trong khi sinh viên đang rất khó tìm chỗ trọ, thì các khu KTX tập trung lại thưa thớt người ở.

Nhiều ngày ngồi lân la ở quán cà-phê gần cổng khu KTX sinh viên DMC - 579, phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng), chúng tôi mới thuyết phục được Nguyễn Văn Luận, sinh viên Ðại học Sư phạm Ðà Nẵng trò chuyện về cuộc sống và sinh hoạt ở khu KTX. Luận cho biết, sắp tới nghỉ hè, em chuyển ra ngoài, thuê trọ ở cùng bạn, tuy tốn tiền hơn nhưng lại thuận tiện cho sinh sống, học tập. Cũng vì thế Luận mới mạnh dạn trò chuyện cung cấp thông tin, vì ban quản lý KTX đã quán triệt với sinh viên là không được cung cấp thông tin cho báo chí khi chưa được sự đồng ý của ban quản lý.

Lý do mà Luận và rất nhiều sinh viên bỏ ký túc xá ra thuê trọ là việc ban quản lý quá khắt khe, sinh hoạt lại rất bất tiện. Mỗi khu nhà trong KTX cao năm tầng, mỗi tầng gồm 26 phòng ở, mỗi phòng bố trí bốn giường tầng cho tám sinh viên. Tuy nhiên, dù mới xây xong, nhưng thiết kế theo kiểu KTX của 30-40 năm về trước, phòng vệ sinh nằm riêng ở cuối dãy nhà, đánh số và khóa theo phòng ở, diện tích nhỏ nên mỗi lần chỉ một người sử dụng.

Nữ sinh viên Trần Tuyết Nhung, Ðại học FPT Ðà Nẵng cho biết: Mỗi tháng tiền phòng hết 110 nghìn, tính thêm chi phí nước sinh hoạt, tiền điện, tiền rác thì mỗi tháng tốn khoảng 200 nghìn đồng, so với phòng trọ bên ngoài không rẻ hơn là mấy. Một lý do khác khiến sinh viên không mặn mà với khu KTX DMC-579 là khoảng cách đến các trường đại học, cao đẳng khá xa, từ 1,5 đến 2 km, lại không có tuyến xe buýt cho nên sinh viên đến trường phải dùng xe máy hoặc xe đạp, trong khi đường phố đông đúc, nguy hiểm luôn rình rập.

Từ năm 2009, UBND thành phố Ðà Nẵng đầu tư xây dựng hai khu KTX tập trung từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú trong quá trình học tập của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn. Cả hai KTX đều được giao cho liên danh Công ty CP Ðức Mạnh và Công ty CP Ðầu tư và xây dựng 579 (gọi tắt là DMC-579) thi công, điều hành và khai thác.

Ngay khi đưa vào sử dụng, KTX DMC-579 phía tây, sức chứa sáu nghìn chỗ, đã thu hút hơn một nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn quận Liên Chiểu vào lưu trú. Nhưng sau gần một năm, sinh viên đồng loạt bỏ ra ngoài thuê trọ hoặc xin về các KTX của trường, trong KTX DMC-579 chỉ còn chừng 600 sinh viên và nguy cơ tiếp tục giảm xuống. Khu KTX phía đông cũng trong tình trạng khó thu hút sinh viên khi số lượng đăng ký rất thấp.

Trước tình hình đó, cuối tháng tư vừa qua, liên danh DMC-579 và Ðại học Ðà Nẵng đã phải phối hợp tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả các khu KTX tập trung do thành phố xây dựng.

Tại hội thảo, những nguyên nhân khiến sinh viên quay lưng với các KTX do thành phố xây dựng, đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Trong đó, ngoài những khiếm khuyết về thiết kế, thi công, không có nhà cho sinh viên tự nấu ăn, diện tích bình quân phòng ở chật hẹp, việc đi lại khó khăn do xa trường. Một trong những lý do khiến sinh viên không mặn mà với hai KTX DMC-579 là doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng công tác truyền thông, để học sinh sinh viên cùng người dân nắm bắt thông tin liên quan các khu KTX; chưa có các buổi cung cấp thông tin lồng ghép vào chương trình tư vấn tuyển sinh, tiếp sức mùa thi ở các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên.

Bên cạnh đó là cung cách phục vụ thiếu thân thiện, thái độ gay gắt, phiền nhiễu của đội ngũ cán bộ nhân viên quản lý KTX, ảnh hưởng xấu tâm lý, tình cảm của sinh viên. Thậm chí, ban quản lý còn yêu cầu sinh viên trong KTX hạn chế tiếp xúc và không cung cấp thông tin về KTX cho báo chí. Ngay cả ban giám đốc khu KTX cũng luôn chối từ việc cung cấp, trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí bằng thái độ thiếu thiện chí.

Mặc dù Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã khẳng định: Việc điều hành, quản lý, khai thác KTX chủ yếu là phục vụ sinh viên vì mục tiêu an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận. Nhưng trên thực tế, sinh viên phải đóng khá nhiều khoản tiền. Ngoài tiền thuê phòng, tiền điện, nước sinh viên còn phải đóng thêm tiền vệ sinh, gửi xe... Sinh viên Lê Thanh Tuấn, khoa Ðiện tử viễn thông, Ðại học Bách khoa Ðà Nẵng cho biết, nếu tính cả tiền xăng xe đi từ KTX đến trường, tiền gửi xe... thì tổng chi phí cho việc lưu trú tại KTX tập trung tốn kém hơn so với ở trọ gần trường.

Việc xây dựng các khu KTX tập trung cho học sinh, sinh viên theo chủ trương của Chính phủ thật sự là luồng gió mới, tiếp thêm sức mạnh và góp phần giúp TP Ðà Nẵng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý điều hành kém hiệu quả, khiến sinh viên bỏ ra ngoài, KTX mới xây xong nay bỏ hoang gây lãng phí lớn. Ðể khai thác có hiệu quả công trình công ích từ nguồn vốn nhà nước, đơn vị điều hành, quản lý và khai thác phải sửa đổi trước hết từ trách nhiệm, thái độ phục vụ.

Ðồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Ðà Nẵng trong việc cải tạo lại phòng ở theo nhu cầu thực tế của sinh viên, giảm tiền thuê phòng, mở rộng các dịch vụ, tiện ích trong khu KTX, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu đến học sinh, sinh viên và gia đình. Về lâu dài, UBND thành phố cần xem xét phương án giao KTX cho ban quản lý sinh viên các trường đại học, cao đẳng cùng tham gia hoặc trực tiếp quản lý, điều hành, khai thác.

Ðà Nẵng cũng đang xúc tiến xây dựng thêm các khu KTX dành cho sinh viên, công nhân. Vì vậy, cần kịp thời nghiên cứu nhu cầu thực tế để chọn địa điểm xây dựng, thiết kế phải hợp lý, thuận tiện, thái độ phục vụ thân thiện... thì mới thu hút được sinh viên vào ở, tránh tình trạng KTX xây xong bỏ hoang, trong khi sinh viên vẫn mỏi mắt đi tìm nhà trọ như hiện nay.