Ngăn chặn nạn khai thác nghêu bừa bãi ở Tiền Giang

Khu vực được quy hoạch nuôi nghêu ở xã Tân Thành có diện tích 1.800 ha, trong đó có 350 ha tại cồn Ông Mão, huyện Gò Công Ðông đã cắm mốc khoanh vùng quản lý, vì đây là khu vực nghêu giống, sò giống sinh sản tự nhiên hằng năm với số lượng khá lớn.

Theo ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Ðông, năm 1998, bãi nghêu ở Tân Thành, cồn Ngang (Phú Tân) và ở khu vực xã Tân Ðiền nghêu giống tụ hội về sinh sản nhiều vô kể, nghêu nằm dày đặc dưới nền bãi bồi ven biển Gò Công. Chính điều kiện tự nhiên ưu đãi, hào phóng của biển đã kích thích nghề nuôi nghêu ở đây không ngừng phát triển, đời sống người dân Tân Thành và các xã ven biển Gò Công được nâng lên nhanh chóng cũng như nguồn ngân sách của huyện từ nguồn lợi thủy sản này hằng năm tăng cao.

Thế nhưng, từ năm 1999 đến 2005, nguồn lợi nghêu giống ở khu vực này sinh sản tự nhiên hằng năm rất ít ỏi. Nguồn nghêu giống trở nên khan hiếm, giá cả đắt đỏ vì ngay tại mỏ nghêu tự nhiên ở xã Thừa Ðức, Thới Thuận (Bến Tre), nghêu cũng không sinh sản. Do vậy, sự xuất hiện nghêu giống sinh sản tự nhiên trở lạitại khu vực Tân Thành (với giá nghêu giống thời điểm hiện nay thương lái mua đến 1,5 triệu đồng/kg) trở thành món lợi nhuận béo bở kích thích người dân địa phương và các nơi tụ hội về khai thác trái phép.

Vào những ngày này, đến khu vực nuôi nghêu ở xã Tân Thành, mọi người đều tận mắt chứng kiến lực lượng "nghêu tặc" đến cào nghêu trộm cả ngày, lẫn đêm, có lúc lên đến hơn ba nghìn người, cùng hàng chục đầu nậu đến từ các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre... để thu mua nguồn nghêu giống trái phép. Theo ông Trần Hai, Trưởng ban quản lý cồn bãi huyện Gò Công Ðông thì: Vào ngày 20 và 21-6, một số người dân địa phương đi cào hến đã phát hiện nghêu giống sinh sản với số lượng tương đối lớn thì ngay sau đó họ lén lút cào trộm nghêu giống (chủ yếu ban đêm). Thông tin nghêu giống sinh sản lan truyền đi rất nhanh, thu hút mọi thành phần ở địa phương và các tỉnh lân cận đến khai thác nghêu giống trái phép gây nên tình trạng hỗn loạn, mất trật tự nghiêm trọng vào những ngày cuối tháng 6. Lực lượng công an, dân phòng tại chỗ và cả lực lượng chi viện của huyện cũng không ngăn chặn nổi tình trạng khai thác trái phép này.

Theo tính toán của ban quản lý cồn bãi, số lượng nghêu giống thất thoát trong thời gian qua đã lên đến 6, 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ước tính, trên thực tế số lượng nghêu giống bị bọn "nghêu tặc" xâm hại thất thoát còn cao hơn rất nhiều lần vì nghêu giống hiện còn rất ít, cào bừa bãi nghêu sẽ chết nhiều, đồng thời cũng trôi dạt đi nơi khác với số lượng không nhỏ. Hơn nữa, hơn mười hộ ngư dân thả nuôi nghêu ở khu vực này cũng bị bọn "nghêu tặc" tiến công dữ dội.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc xuất hiện nghêu, sò sinh sản, bà Ngô Kim Hạnh, Phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tiền Giang, cho biết: Nghêu giống thường xuất hiện cuối mùa khô, đầu mùa mưa, nghêu cám (25.000 con/kg) thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7. Vào tháng 10 thì nghêu cám trở thành nghêu giống. Nghêu giống xuất hiện trên các bãi không đồng đều, có sự khác nhau lớn về sinh lượng giữa các bãi cồn. Sự xuất hiện của nghêu giống thường không đồng đều và vị trí bãi giống cũng không cố định qua các năm. Ðặc biệt, cồn Ông Mão và Ông Liễu vào thời điểm này rất phù hợp cho nghêu giống sinh sản. Hiện nay, trình độ kỹ thuật nuôi nghêu còn thấp mang tính chất quảng canh là chủ yếu và do quản lý nguồn lợi ở địa phương chưa chặt chẽ, khai thác chưa có kế hoạch làm cho sản lượng khai thác hằng năm biến động lớn, dẫn đến nguồn giống ngày càng khan hiếm.

Trước tình trạng khai thác trái phép gây mất an ninh - trật tự và mất nguồn thu ngân sách hằng năm của huyện từ nguồn lợi thủy sản tự nhiên tương đối lớn ở khu vực nuôi nghêu Tân Thành đầu tháng 7, tỉnh đã điều một trung đội cảnh sát cơ động phối hợp cùng bộ đội biên phòng tỉnh đến hỗ trợ lực lượng tại chỗ nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, đồng thời ổn định tình hình an ninh - trật tự các xã ven biển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Ðông Huỳnh Thị Tỏ cho biết: Trong hai ngày qua (2 và 3-7), tình hình khai thác nghêu giống trái phép tại biển Tân Thành đã tạm lắng dịu. Huyện cũng đã xin ý kiến tỉnh cho phép lực lượng cảnh sát cơ động kéo dài thời gian bảo vệ để tránh tái diễn trở lại tình trạng lộn xộn, mất an ninh - trật tự tại đây. Huyện đã thành lập Ban vận động tuyên truyền đến nhân dân các xã ven biển Gò Công nâng cao ý thức cảnh giác cũng như tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản có giá trị ở địa phương. Ðồng thời, huyện cũng đã tiến hành khoanh vùng khu vực nghêu giống sinh sản, cắm cột mốc, biển báo để người dân biết và lực lượng bảo vệ thuận lợi hơn trong thi hành nhiệm vụ. Theo đó, UBND huyện Gò Công Ðông cũng đã gửi văn bản đến các tỉnh lân cận để hỗ trợ, vận động người dân nêu cao ý thức trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.