Đại dịch và những tác động tới thị trường lao động
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Mỹ, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, loay hoay trước những ảnh hưởng của dịch bệnh tới thị trường lao động - việc làm, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 14,7% vào thời điểm tháng 4/2020 - tương đương 23,1 triệu lao động không có việc làm.
Đây là mức cao nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu thu thập và báo cáo số liệu thất nghiệp năm 1948. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm xuống còn 60,2%, thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây (trung bình 5 năm gần nhất khoảng 63%).
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cùng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và rất nhiều tổ chức khác, đã công bố hàng loạt báo cáo về tình trạng thất nghiệp gia tăng, cùng với những quan ngại liên quan tới sự tồn vong của nền kinh tế và những khuyến nghị chính sách cấp bách.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức ban hành và thường xuyên cập nhật nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, nổi bật nhất là chính sách tăng mức hưởng và thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp lên cao chưa từng có.
Người lao động được kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp thêm 13 tuần so với trước đây và tăng mức hưởng thêm 300 USD mỗi tuần. Lao động tự do, lao động bán thời gian, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp tới 79 tuần. Và nhiều chính sách hỗ trợ khác.
Bước vào năm 2021 với triển vọng sẽ nhanh chóng tạo được miễn dịch cộng đồng khi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được cấp phép, Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai tiêm vaccine rộng rãi. Tính đến nay, 48,75% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine và tổng cộng 56,35% dân số đã được tiêm ít nhất một liều.
Cùng với đó, kinh tế có dấu hiệu hồi phục khi các yêu cầu giãn cách xã hội dần được dỡ bỏ và doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường lao động ở Mỹ cùng vì thế mà trở nên sôi động hơn. Tỷ lệ thất nghiệp quay về mức xấp xỉ dưới 6%. Riêng tháng 6/2021 đã có thêm 850.000 việc làm mới; ngành khách sạn, giải trí thêm 343.000 việc làm; bán lẻ thêm 67,000 việc làm. Lương theo giờ tiếp tục tăng nhẹ, sau khi đã tăng mạnh vào tháng 4 và tháng 5.
Thế nhưng, trong bức tranh có phần sáng sủa ấy, vấn đề về thiếu hụt lao động đang trở nên ngày càng rõ nét hơn. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ vẫn chững ở mức 61,6%. Số người mong muốn quay lại thị trường lao động (muốn có việc nhưng không đang tìm việc) đang ở mức 6,4 triệu; trong số đó có 1,8 triệu người đã từng cố gắng tìm việc trong vòng 12 tháng gần đây.
Quan trọng hơn cả, theo khảo sát của Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia (National Federation of Independent Business), 46% doanh nghiệp nhỏ hiện nay không thể tuyển được người - tương quan với mức trung bình 22% của 48 năm trở lại đây. Trong tháng 4 gần nhất, Mỹ ghi nhận số lượng việc làm trống (việc tìm người) là 9,3 triệu, lớn gấp nhiều lần số lao động tìm được việc làm. Dạo một vòng quanh các báo của Mỹ, cũng sẽ thấy được rất nhiều bài viết trăn trở về vấn đề thiếu hụt lao động hiện nay.
Những lý do
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế bị ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động ngừng, giãn hoặc nghỉ việc. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và mạnh, cùng với việc nhiều lao động rời bỏ thị trường lao động là điều dễ hiểu.
Ngược lại, khi vaccine đã được triển khai tiêm phòng trên diện rộng, kinh tế bắt đầu hồi phục, doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm và thuê lao động, việc thiếu hụt lao động là một câu hỏi chưa có lời giải thích hợp lý.
Từ khía cạnh xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, tâm lý lo lắng dịch bệnh vẫn chưa thực sự được kiểm soát vẫn còn vương vất trong thị trường, dẫn đến việc lao động chưa muốn quay lại đi làm ngay.
Từ khía cạnh kinh tế, nhiều nhà kinh tế học cho rằng việc thiếu hụt lao động hiện nay là hiện tượng “phi tự nhiên”, hệ quả của những chính sách hỗ trợ lao động của Chính phủ. Khi mức trợ cấp thất nghiệp hào phóng và kéo dài, người lao động có ít động lực để quay lại đảm nhiệm những công việc trước đó với mức lương như cũ.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, trợ cấp thất nghiệp quá “rộng rãi” có thể triệt tiêu động lực nhanh chóng tìm việc làm thay thế của người lao động, cùng với một số nguyên nhân khác như dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm kém hiệu quả hoặc khi người lao động vừa làm công việc phi chính thức vừa hưởng trợ cấp. Những “tác dụng phụ” này của bảo hiểm thất nghiệp có thể đã bị làm trầm trọng hóa bởi các chính sách đặc thù hỗ trợ người lao động trong đại dịch của Mỹ.
Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Chicago cũng đã chỉ ra rằng, với mỗi USD tăng thêm không từ lao động trong một giai đoạn nhất định, người lao động sẽ cắt bớt thời gian lao động tương đương khoảng 50 cents và tăng chi tiêu khoảng 60 cents. Nói các khác, khi người lao động có thêm thu nhập không từ lao động, họ sẽ không chỉ tăng chi tiêu mà còn tăng cả thời gian nghỉ ngơi (giảm giờ làm). Trong bối cảnh hiện nay, có thể hiểu các chính sách của Chính phủ Mỹ có thể đã tăng động lực “nghỉ ngơi” cho người lao động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong nền kinh tế.
Vẫn từ khía cạnh kinh tế, lý thuyết kinh tế thị trường bảo đảm rằng thị trường sẽ luôn vận động để tạo ra sự cân bằng giữa cung - cầu lao động. Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, lương hay thu nhập sẽ tăng lên cho đến khi thu hút đủ lao động cho nền kinh tế, tức là khi cung - cầu gặp nhau và sẽ không tồn tại dư thừa lao động hay việc làm. Tuy nhiên, đó là lý thuyết trong tình trạng tối ưu, khi thị trường vận hành trong môi trường không có rào cản. Trên thực tế, nhiều rào cản còn tồn tại như rào cản về tâm lý e sợ dịch bệnh bùng phát trở lại; rào cản chính sách (như đã bàn ở trên); và rào cản quản trị doanh nghiệp - khi doanh nghiệp phải cân nhắc phản ứng của người lao động đang làm việc với mức lương cũ nếu muốn trả lương cao để tuyển thêm lao động mới.
Và nguyên nhân thật sự
Việc thiếu hụt lao động trong nền kinh tế Mỹ có lẽ cần được hiểu từ một góc nhìn rộng hơn phạm vi của 6 tháng đầu năm 2021 hay của dịch Covid-19.
Thứ nhất, khi dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020, nhiều lao động, đặc biệt ở khu vực các thành phố lớn buộc phải chuyển từ chỗ ở hiện tại tới các vùng có chi phí sinh hoạt thấp hơn hoặc về sống với gia đình để tiết kiệm chi phí. Sau khi dịch được khống chế, có lẽ sẽ cần một khoảng thời gian để họ có thể quay lại các khu vực có nhiều việc làm trống.
Thứ hai, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều lao động mất việc đã tính đến việc chuyển đổi nghề nghiệp, đặc biệt là thông qua đào tạo nâng cao trình độ. Khi dịch được kiểm soát, những lao động này chưa tích luỹ kịp kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của việc làm mới, hoặc đang tham gia các khoá đào tạo nên chưa có nhu cầu quay trở lại ngay thị trường lao động. Chưa kể đến, nhiều cá nhân đã coi dịch bệnh là cơ hội để phát triển sự nghiệp riêng. Cụ thể như trong 5 tháng đầu năm 2021, Mỹ đã có 2,5 triệu doanh nghiệp đăng ký mới (so với khoảng 770 nghìn trong năm 2019 và 800 nghìn trong năm 2020).
Thứ ba, ảnh hưởng của dịch Covid-19 là không đồng đều đến các tầng, lớp lao động khác nhau. Nhiều lao động, thí dụ như người cao tuổi, người gần đến tuổi nghỉ hưu, bị mất việc do Covid-19 sẽ có xu hướng không muốn hoặc không thể quay lại thị trường lao động. Theo tính toán của Trung tâm Phân tích Chính sách Kinh tế Schwartz (The New School's Schwartz Center for Economic Policy Analysis), từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021, đã có khoảng 1,1 triệu lao động lớn tuổi bị mất việc và rời bỏ thị trường lao động. Ngoài việc họ không muốn quay lại thị trường (do đã tích lũy đủ để hưởng bảo hiểm xã hội và các tài sản khác), các doanh nghiệp cũng sẽ không có nhiều động lực để tiếp tục thuê họ vào vị trí cũ với mức lương cũ.
Thứ tư, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Mỹ không chỉ giảm khi có dịch Covid-19, mà đã trên đà giảm từ 20 năm trở lại đây. Tỷ lệ này đã ở mức trên 67% năm 2000, xuống mức 63,4% năm 2020 trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Điều này được lý giải trên ba khía cạnh gồm: (i) thế hệ “trẻ em hậu Thế chiến lần thứ hai” (baby-boomers) tại Mỹ đang bước dần vào tuổi nghỉ hưu; (ii) người trẻ ít tham gia vào thị trường lao động truyền thống (tìm việc/xin việc) do sự nổi lên của xu thế làm việc độc lập ứng dụng công nghệ thông tin; và (iii) khoảng cách thu nhập giữa người có bằng cấp và người không có bằng cấp gia tăng nhanh khiến một bộ phận lớn người không có bằng cấp không muốn tham gia vào thị trường lao động.
Thứ năm, không chỉ riêng ở Mỹ mà trên toàn thế giới, xu thế già hoá dân số đang ngày càng hiện hữu. Số lượng lao động mới gia nhập thị trường không đủ để thay thế người nghỉ hưu, dẫn đến việc thiếu hụt lao động về cấu trúc dài hạn của thị trường. Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Tây Âu… đều đã thực hiện thí điểm nhiều chính sách để khắc phục tình trạng này nhưng vẫn chưa đem lại kết quả rõ rệt.
Với năm góc nhìn như trên, việc thiếu hụt lao động ở Mỹ vào thời điểm hiện tại có thể được lý giải một cách rõ hơn. Một mặt, việc thiếu hụt lao động là do nhiều ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19. Mặt khác, là do hệ quả của những xu thế tiềm ẩn trong thị trường lao động - việc làm mà đại dịch toàn cầu đã đẩy nhanh hơn, làm trầm trọng hơn.
Như đã nói ở trên, dịch Covid-19 đem lại nhiều tình huống khá phức tạp cho nền kinh tế Mỹ, làm rõ thêm nhiều vấn đề dài hạn mà Mỹ đang đối mặt. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường lao động đứt gãy, Mỹ đã buộc phải ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, chính những chính sách đó tới nay đang lại là rào cản cho sự phục hồi của thị trường lao động và nền kinh tế. Liệu Mỹ có cần phải có những xử lý cấp thiết để điều chỉnh sự thiếu hụt lao động trong thị trường? Và những chính sách nào nên được áp dụng để giải quyết các yếu điểm dài hạn mà dịch Covid-19 đã làm lộ rõ?
Quan trọng hơn cả, liệu Việt Nam sẽ học được gì từ kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm chính sách của Mỹ?