EU chưa đạt được thỏa thuận áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga

NDO -

Hãng tin Bloomberg, ngày 8/5, đưa tin, đại diện thường trực các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa đạt được thỏa thuận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Nhà máy lọc dầu của Gazprom Neft ở Omsk, Nga. (Ảnh: Reuters)
Nhà máy lọc dầu của Gazprom Neft ở Omsk, Nga. (Ảnh: Reuters)

Đáng chú ý, Hungary tiếp tục ngăn chặn đề xuất của EU trong việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời trì hoãn toàn bộ gói trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Cùng ngày 8/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Bulgaria, Asen Vasilev cho biết, nước này cũng đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) hoãn áp đặt lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu của Nga.

Ông nhấn mạnh nếu EC không hoãn lệnh cấm này thì Bulgaria sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt. Hiện các cuộc đàm phán về 1 lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga đang diễn ra.

Theo hãng tin TASS của Nga, 1 nguồn tin ngoại giao cho biết, EC đã buộc phải hạ thấp các yêu cầu liên quan việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, sau 2 ngày đàm phán không thành công giữa các đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU về gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào Moskva.

EC đề xuất hoãn 3 tháng việc ban hành lệnh cấm vận chuyển dầu Nga, đồng thời giúp các nước gặp khó khăn nhất phát triển cơ sở hạ tầng dầu mỏ bằng các khoản đầu tư từ nguồn ngân sách của EU để tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Nhiều cơ quan truyền thông cho rằng, ngoài Hungary và Slovakia, có thể Cộng hòa Séc, Bulgaria và 1 số quốc gia thành viên EU khác sẽ được hoãn áp đặt cấm vận Nga.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 8/5, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga, cam kết cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga.

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, G7 cam kết giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, trong đó có việc loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu.

G7 khẳng định "sẽ thực hiện điều này một cách kịp thời, có trật tự và theo những cách để thế giới có đủ thời gian bảo đảm nguồn cung thay thế".

Tuy nhiên, tuyên bố không nêu cụ thể cam kết của từng nước trong việc giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Tuyên bố cũng cho biết, các nước thành viên G7, gồm: Anh, Canada, Đức, Italia, Mỹ, Nhật Bản và Pháp sẽ thực thi các biện pháp nhằm cấm hoặc ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ quan trọng mà Moskva phụ thuộc.

Ngoài ra, G7 sẽ duy trì và tăng cường chiến dịch chống lại giới tinh hoa Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người này.