Ai Cập phản ứng về chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah

Nguồn tin từ Bộ quốc phòng Israel cho biết quân đội nước này đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho chiến dịch quân sự ở Rafah - thành phố ở Dải Gaza mà Israel coi là thành trì cuối cùng của phong trào Hồi giáo Hamas. Bộ Quốc phòng Israel đã mua 40.000 lều bạt, với sức chứa 10-12 người/lều, để cung cấp cho những người Palestine ở Rafah phải di dời trước khi quân đội Israel phát động chiến dịch tấn công.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. (Ảnh REUTERS)
Nhiều người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. (Ảnh REUTERS)

Một nguồn tin từ Chính phủ Israel tiết lộ Nội các chiến tranh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu dự kiến nhóm họp trong 2 tuần tới để thông qua kế hoạch cho phép dân thường sơ tán. Kế hoạch này có thể diễn ra trong khoảng 1 tháng.

Các nước đều cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của bất kỳ hoạt động quân sự nào ở thành phố Rafah. Ai Cập ngày 24/4 tuyên bố bất kỳ sự hiện diện nào của quân đội Israel ở khu vực biên giới sẽ cấu thành hành vi vi phạm hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel được ký năm 1979. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Israel thúc đẩy hợp pháp hàng chục tiền đồn định cư ở Bờ Tây là hành động “nguy hiểm và liều lĩnh”.

Kêu gọi viện trợ 1,2 tỷ USD cho Palestine

Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) đã kêu gọi 1,2 tỷ USD viện trợ nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Dải Gaza và Bờ Tây. Khoản viện trợ này nhằm triển khai các nỗ lực nhân đạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ khoảng 1,7 triệu người ở Dải Gaza bị ảnh hưởng do xung đột và hơn 200.000 người ở Bờ Tây, trong đó có cả Ðông Jerusalem.

Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình, cho biết thiệt hại do xung đột tại Gaza ở quy mô lớn trong khi bạo lực đang gia tăng ở Bờ Tây. Theo ông Lazzarini, điều quan trọng là phải giúp UNRWA cung cấp hỗ trợ nhân đạo và phát triển trong lĩnh vực y tế và giáo dục.

Ðiều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza của LHQ, bà Sigrid Kaag đã kêu gọi thay đổi mô hình viện trợ để đáp ứng nhu cầu to lớn của dân thường. Theo cơ quan y tế tại Gaza, kể từ khi xảy ra xung đột Hamas-Israel hồi tháng 10/2023 đến nay, hơn 34.000 người đã thiệt mạng. Bà Kaag cho biết thêm sinh kế, nhà cửa, trường học và bệnh viện ở đây cũng đã bị phá hủy. Một số bệnh viện đang phải nỗ lực để hoạt động do thiếu nguồn cung trầm trọng và mất điện thường xuyên. Bà Kaag cảnh báo khi mùa hè đến gần và nhiệt độ tăng cao, các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xảy ra ở Gaza. Sự khan hiếm thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cũng có nguy cơ dẫn đến mất trật tự xã hội.

Biểu tình tại Mỹ ủng hộ người dân Palestine

Liên quan đến dư luận về tình hình tại Dải Gaza, để thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Palestine, sinh viên nhiều trường đại học ở Mỹ đã tiếp tục tham gia biểu tình trong ngày 24/4 khiến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất huy động Lực lượng Vệ binh quốc gia thiết lập trật tự.

Hoạt động biểu tình bắt đầu tại Ðại học Columbia ở New York, nơi nhà chức trách đã thực hiện hàng chục vụ bắt giữ hồi tuần trước sau khi giới chức trường đại học đã phải gọi cảnh sát để chấm dứt một hoạt động mà các sinh viên Do thái cho rằng mang tính đe dọa và bài Do thái. Ngày 24/4, biểu tình tiếp tục xảy ra tại Ðại học Nam California và ở Texas, nơi xảy ra đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát chống bạo động khiến hơn 20 người bị bắt giữ.

Sinh viên cũng đã kêu gọi biểu tình tại các trường khác bao gồm Yale, MIT, UC Berkeley, Ðại học Michigan và Ðại học Brown. Ðại học Bách khoa bang California đã chuyển sang học trực tuyến và hủy bỏ các hoạt động khác sau khi người biểu tình lập rào chắn trong khuôn viên trường. Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) đang phối hợp với các trường đại học nhằm ngăn chặn các mối đe dọa bài Do thái và bạo lực có thể xảy ra liên quan đến làn sóng biểu tình đang diễn ra.