Triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

NDO -

Sáng 23-7, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận tại hội nghị.

Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 138/CP; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, nhấn mạnh, để công tác phòng, chống tội phạm (PCTP), buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL-GLTM-HG) thời gian tới có chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP và BCĐ 389 quốc gia yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, 389 quốc gia. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm; tình trạng BL-GLTM-HG xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu...

Thứ hai, các bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực các BCĐ và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia PCTP; các kế hoạch chuyên đề về chống BL-GLTM-HG.

Làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống BL-GLTM-HG.

Thứ ba, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực hiện hiệu quả công tác PCTP, chống BL-GLTM ngay trong chính lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “liêm chính, bản lĩnh”, có phẩm chất chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án.

Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, tội phạm vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, đất đai, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, buôn lậu cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự cũng như không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội...

Thứ năm, tiếp tục rà roát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan công tác PCTP, BL-GLTM-HG, tăng mạnh chế tài xử lý để răn đe, phòng ngừa vi phạm hiệu quả. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác; mở rộng hợp tác quốc tế.

Thứ sáu, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCTP, BL-GLTM-HG; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 44/TW-KL ngày 22-1-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ bảy, các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về tội phạm, BL-GLTM-HG.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an: Làm tốt nhiệm vụ thường trực của BCĐ 138/CP; chỉ đạo các lực lượng công an triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm về môi trường, ma túy, sử dụng công nghệ cao, xâm hại, bạo hành trẻ em, mua bán người... ; xử lý nghiêm đối với cán bộ, chiến sĩ có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay hoặc thiếu trách nhiệm để tội phạm hoạt động (gắn trách nhiệm của Giám đốc Công an địa phương).

Thực hiện hiệu quả cao điểm đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm bảo vệ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dịp Quốc khánh 2-9 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021...

Bộ Tài chính làm tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực BCĐ 389 quốc gia; linh hoạt trong việc phân công nhiệm vụ, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp tốt Văn phòng Thường trực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác tham mưu, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, GLTM, trốn thuế...

Bộ Công thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa quy trình; cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm đúng thời hạn quy định, không để nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phối hợp bộ, ngành, địa phương có giải pháp đồng bộ tăng năng lực cạnh tranh hàng hóa Việt Nam. Bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu, phối hợp chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tranh thủ, khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết. Nâng cao nhận thức về xuất xứ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, kho tàng, bến bãi, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, kiên quyết không để tình trạng vận chuyển hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, buôn lậu diễn ra trên địa bàn quản lý, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 ở các nước đang diễn biến phức tạp.

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường (QLTT),... xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá các loại hàng hóa khác qua đường biển.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác PCTP, BL-GLTM-HG; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trong thực thi công vụ; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về tình hình an ninh trật tự, về các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn...

Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan bằng camera và quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, nhất là khi công chức hoạt động công vụ ở ngoài trụ sở, như kiểm tra sau thông quan, kiểm tra thực tế hàng hóa.

Tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan; củng cố, hoàn thiện phần mềm quản lý rủi ro, bảo đảm tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Tổng cục Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ; ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, khai báo gian dối về giá, chi phí để trốn thuế; đẩy mạnh việc nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức để phòng ngừa tiêu cực....

Tổng cục QLTT làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp lực lượng, chia sẻ thông tin với các lực lượng liên quan; đề cao trách nhiệm người đứng đầu lực lượng QLTT tại các địa phương, điều chuyển, bố trí công tác khác nếu địa bàn để xảy ra tình trạng bày bán, tàng trữ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc kéo dài. Xây dựng quy trình giám sát chặt chẽ hoạt động công vụ của công chức QLTT. Đẩy mạnh việc phòng, chống mua bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, GLTM qua môi trường mạng internet).
 

Triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia -0
Quang cảnh hội nghị. 

* BCĐ 138/CP cho biết, lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá gần 20 nghìn vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 84,04%), bắt 45.004 đối tượng; triệt phá hơn 1.000 băng nhóm tội phạm các loại, nhất là đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan "tín dụng đen”. Phát hiện, khởi tố điều tra 20 vụ, 26 đối tượng vi phạm các quy định liên quan phòng, chống dịch bệnh; gần 9.000 vụ việc vi phạm hành chính; tội phạm và vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ liên quan phòng, chống dịch bệnh xảy ra 13 vụ, khởi tố 11 vụ, 11 đối tượng.

Phát hiện, đấu tranh: gần 11.300 vụ, hơn 11.200 tổ chức, cá nhân phạm tội về kinh tế; gần 14 nghìn vụ, hơn 14 nghìn tổ chức, cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; hơn 14 nghìn vụ, gần 20 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra hơn 60 nghìn vụ, gần 91 nghìn bị can; cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố hơn 31.200 vụ, với gần 56 nghìn bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 32 nghìn vụ với gần 59 nghìn bị cáo; đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 73,4% số vụ và 68,7% số bị cáo.

BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực BCĐ đã triển khai công tác đồng bộ, quyết liệt, do đó nhiều vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, BL-GLTM-HG bị triệt phá. Trong sáu tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm (giảm 12% so cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước 11.291 tỷ 708 triệu đồng (tăng 83% so cùng kỳ), khởi tố 1.128 vụ (giảm 14% so củng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so cùng kỳ).