Khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 11

NDO -

Ngày 16-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã khai mạc. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội. 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo Đại hội. 
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu chỉ đạo Đại hội. 

Cùng dự, có đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đại diện các ban Đảng, bộ, ngành của T.Ư, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt của BCH Đảng bộ qua các thời kỳ. Đại hội có 342 đại biểu chính thức, đại diện hơn 59.592 đảng viên.

Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ nhiệm kỳ qua do đồng chí Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày tại Đại hội nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội 10 Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội 10 đề ra. Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,22%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.458 USD năm 2020 (gấp 1,66 lần so năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thủy sản từ 40,39% xuống còn 31,54%; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%.

HD_2-1602822024275.jpg
 Quang cảnh Đại hội.

Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 72%. Trong sản xuất nông nghiệp, Kiên Giang chú trọng nhiều hơn vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, từ 78,22 triệu đồng/ha/năm tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm; các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều...

Kiên Giang đã ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành cơ bản hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản tập trung; đã hoàn thành đưa vào sử dụng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Xẻo Nhàu, nâng cấp cảng cá An Thới...

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 755.000 tấn (đạt 99,93% so Nghị quyết). Kiên Giang đã tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã công nhận 79/117 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra.

Kiên Giang cũng đã tập trung phát triển, mở rộng hệ thống thương mại, đa dạng các ngành dịch vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là dịch vụ du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,29%/năm; kim ngạch xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực so với nhiệm kỳ trước, đạt 780 triệu USD, tăng 19,5% so năm 2015.

Tổng lượng khách du lịch đạt hơn 28,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỷ đồng, nổi bật là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Tổng thu ngân sách đạt 49.807 tỷ đồng, tăng 24,3% so đầu nhiệm kỳ; riêng năm 2020 đạt 11.540 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so năm 2015 (vượt Nghị quyết).

Đặc biệt, Kiên Giang đã đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong nhiệm kỳ tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 225.681 tỷ đồng, gấp 1,44 lần so đầu nhiệm kỳ và chiếm 76,3% GRDP toàn tỉnh và tăng 53,17% so giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,19%.

Nhiệm kỳ qua, tỉnh Kiên Giang đã tập trung đầu tư cho một số công trình trọng điểm, có tính đột phá như: Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường ven biển Rạch Giá - Hòn Đất, Rạch Giá - Châu Thành, Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu, đường trục nam - bắc đảo Phú Quốc, đường tỉnh 963B (Bến Nhứt - Giồng Riềng), cảng hành khách Rạch Giá, cảng Bãi Vòng, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, mở rộng nhà ga Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc...

HD_5-1602822023761.jpg
Đồng chí Trương Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Đại hội. 

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã chú trọng làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt được kết quả bước đầu, qua đó đã góp phần phòng ngừa, răn đe, hạn chế xảy ra sai phạm..

Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, những kết quả mà tỉnh Kiên Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua rất ấn tượng, cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kiên Giang. Tuy nhiên, đồng chí Trương Hòa Bình cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong nhiệm kỳ qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo, Đảng bộ Kiên Giang cần tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế theo chiều sâu, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tự nhiên, tiềm năng về nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Về nông nghiệp, Kiên Giang cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cần tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, theo chuỗi giá trị, tập trung cho nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, gắn với nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường và lợi nhuận của nông dân.

Tiếp tục tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22-1-2018 về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với phát triển du lịch; tổ chức sắp xếp lại khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển chế biến thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngư dân khai thác thủy sản, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản tận diệt ven bờ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt tập trung lãnh đạo phát triển các vùng du lịch trọng điểm mà tỉnh đã xác định, trong đó cần tiếp tục xác định Phú Quốc phải trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế theo định hướng của Trung ương.

Kiên Giang cần nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, có chương trình kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đồng thời huy động hợp lý các nguồn lực để tiếp tục xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tăng cường liên kết vùng, nhất là liên kết với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kiên Giang cần quan tâm giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, trình độ dân trí, nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách và an sinh xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng mức sống người dân, quan tâm hơn nữa công tác phát triển văn hóa, chỉ số phát triển con người. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước, thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân vùng căn cứ cách mạng đã chịu nhiều thiệt hại, mất mát, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. 

Kiên Giang phải tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tập trung lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục làm tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, đặc biệt phải quan tâm việc tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa có đức, có tài, có trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp đặc điểm, thế mạnh tỉnh cho trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm.