Xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán

NDO -

Thông tin về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không công bố thông tin đã làm xáo trộn thị trường chứng khoán những ngày gần đây.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Phản ứng ngay lập tức, phiên giao dịch hai ngày 11 và 12/1, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã chìm ngập trong sắc đỏ. Tâm lý bức xúc, lo lắng hiện rõ trong cộng đồng các nhà đầu tư trên thị trường.

Về việc bán cổ phiếu không đúng quy định của ông Trịnh Văn Quyết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định giao Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1.

Các công ty chứng khoán cũng được yêu cầu dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 11/1 để xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt và ngăn chặn cá nhân tiếp tục vi phạm.

Cùng với đó, HoSE cũng hủy bỏ toàn giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết hôm 10/1.  

Có thể nói, việc “bán chui” hàng triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết đã khiến không ít nhà đầu tư bức xúc, vì đây không phải là lần đầu ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán cổ phiếu mà không công bố thông tin.

Năm 2017, nhà đầu tư này đã bất ngờ “bán chui” 57 triệu cổ phiếu, gây nên những tác động không nhỏ tới thị trường vào thời điểm đó.

Nhận xét về sự việc này, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, không chỉ bị hủy bán toàn bộ số cổ phiếu FLC hôm 10/1, ông Trịnh Văn Quyết còn bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền tối đa và còn có thể bị chế tài bổ sung.  

Rõ ràng, với việc cổ phiếu FLC và các mã chứng khoán liên quan khác tiếp tục bị bán tháo trong các phiên giao dịch tiếp theo thì sự thiệt hại của nhiều nhà đầu tư cổ phiếu “họ” FLC là rất lớn, và không khó để hình dung ra sự thất vọng, lo lắng của họ.

Sự đổ vỡ về giá của một cổ phiếu có sức dẫn dắt thị trường có lẽ còn rất nhỏ so với sự đổ vỡ về niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Việc hủy giao dịch với một trường hợp không công bố thông tin là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bàn luận về sự việc hy hữu này, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nhà đầu tư đều cho rằng, mọi con mắt hiện đang đổ dồn về phía cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu không xử lý thật nghiêm, thật quyết liệt và tận gốc của vấn đề, nếu không có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự, thì trong tương lai không xa, kỷ luật, kỷ cương, sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bị xâm phạm nhiều hơn, nặng nề hơn.

Sự việc lần này một lần nữa gióng lên yêu cầu cấp thiết về một chế tài mạnh mẽ hơn, có khả năng “đánh chặn” các vi phạm tương tự xảy ra. Đây cũng là mong muốn của các nhà đầu tư, nhất là khối đầu tư nước ngoài.

Theo đó, không những phải có biện pháp cấm giao dịch đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn nên cương quyết xem xét xử lý vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Có như thế, mới tránh được việc “tối kỵ” của thị trường chứng khoán là hủy giao dịch, cũng như mới lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán còn non trẻ của chúng ta.