Xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi

Bài 2: Xã, huyện miền núi nghèo ghi danh nông thôn mới

Mô hình trồng cây cam trên vùng đồi núi xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa).
Mô hình trồng cây cam trên vùng đồi núi xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Sau 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng với sự ưu tiên hỗ trợ của Trung ương, địa phương, hàng nghìn thôn, bản, xã, huyện ở vùng miền núi đầy gian khó đã tự hào ghi tên mình vào bản đồ nông thôn mới (NTM) toàn quốc.

Những trở ngại do địa hình trắc trở, thiên tai khắc nghiệt, hạ tầng thiếu đồng bộ... đã được các địa phương từng bước khắc phục nhờ NTM. Khơi dậy sức dân, nâng cao vai trò chủ thể của người dân là bài học xuyên suốt được các địa phương tập trung thực hiện.

Sánh bước cùng miền xuôi

Ông Xã Văn Bình ở bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, những ngày đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, bản thân tôi và bà con trong bản còn rất mơ hồ nhưng sau khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, tôi và mọi người đã hiểu rõ sự cần thiết phải xây dựng NTM mà người dân trực tiếp tham gia và được hưởng lợi. Suy nghĩ của ông Bình cũng là cách tiếp cận NTM của hơn 1.000 gia đình dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã Hữu Kiệm, địa phương vốn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 72%.

Nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Hữu Lương cho biết: Để cởi bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có quyết tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình trước hết huyện và xã đã dày công tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu biết về xây dựng NTM là phải làm như thế nào rồi sau đó mới tuyên truyền cho người dân. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho rằng: Những chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm... có thể lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nhưng riêng việc nâng cao thu nhập cho bà con là vấn đề khó, có tính lâu dài. Nếu giải được “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân cũng đồng nghĩa với giải quyết được việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đây là những tiêu chí cực kỳ khó, nhưng vô cùng quan trọng trong xây dựng NTM. Với cách nghĩ đó, Hữu Kiệm đã chọn giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng và trồng rau sạch phục vụ thị trường trong và ngoài huyện. Thông qua hỗ trợ sản xuất từ các chương trình của Chính phủ, các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò theo kiểu cầm tay chỉ việc. Hữu Kiệm còn được tiếp sức, khi Huyện ủy Kỳ Sơn ra Chỉ thị 17: “Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo”, và phát động phong trào “các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện giúp đỡ hộ nghèo”. Nhờ bắt mạch đúng điểm yếu, đả thông trúng nguyện vọng của bà con, xã Hữu Kiệm đã phát triển đàn gia súc lên hơn 2.000 con cùng hàng nghìn con gia cầm, xây dựng thành công nhiều mô hình phát triển sản xuất cho thu nhập cao... góp phần nâng mức thu nhập của người dân lên 32,6 triệu đồng/người/năm. Hữu Kiệm là xã 135 đầu tiên của huyện biên giới 30a Kỳ Sơn được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Huyện Vũ Quang được thành lập năm 2000, từ những xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của ba huyện: Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ (Hà Tĩnh). “Ra riêng” trong hình hài của huyện nghèo 30b gặp muôn vàn khó khăn, các thế hệ lãnh đạo, nhân dân Vũ Quang đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển cho mỗi giai đoạn, thực hiện linh hoạt các giải pháp kích cầu sản xuất nhằm khai thác thế mạnh lợi thế về rừng và đất rừng theo hướng phát triển cây ăn quả có múi và chăn nuôi quy mô lớn. Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Bùi Khắc Bằng cho biết, tháng 3/2021, Vũ Quang là huyện miền núi đầu tiên của cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM. Kết quả này là nỗ lực của cả một quá trình, trong đó quan trọng nhất là đóng góp của nhân dân thông qua các cơ chế, chính sách kích cầu của huyện. Từ năm 2010 đến nay, có hơn 7.000 hộ dân trên địa bàn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Đáng chú ý, bình quân mỗi năm, số thu ngân sách ở Vũ Quang chỉ đạt hơn 20 tỷ đồng nhưng trong chín năm qua, địa phương này đã mạnh dạn trích hơn 65 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. “Sau khi đã tìm ra đường hướng phát triển sản xuất, chúng tôi tập trung hướng về cơ sở để đồng hành, chăm lo cho người dân. Ngoài việc điều động, luân chuyển hầu hết các đồng chí lãnh đạo phòng, ban chuyên môn về các xã khó khăn nhằm tạo chuyển biến trong xây dựng NTM, địa phương đã phát động phong trào “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới”. Khi cán bộ từ cấp huyện, xã xuống cơ sở, xắn tay, lội ruộng cùng đảm nhận những phần việc khó đã khích lệ và huy động sự tham gia sôi nổi của người dân”, đồng chí Bùi Khắc Bằng cho biết thêm.

Cần “cú huých” đủ mạnh

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm cho khu vực này nên đã tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống người dân và làm thay đổi diện mạo các bản làng, địa phương. Đến nay đã có 280 xã và một huyện miền núi ở khu vực Thanh Nghệ Tĩnh đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, nhìn chung bức tranh phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực miền núi, nhất là các xã vùng biên giới, rẻo cao vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế, phát triển kinh tế thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao...

Xã Mường Chanh, một trong những địa phương khó khăn của huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa), sau 10 năm xây dựng NTM, Mường Chanh mới đạt bình quân 3/19 tiêu chí NTM; trong xã mới có bản Na Hin được công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2018 nhưng qua kiểm tra vào tháng 10 năm nay, việc duy trì thành quả bản NTM chưa đạt yêu cầu. Tại buổi làm việc với xã Mường Chanh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thẳng thắn phê bình: Kết quả đạt được qua 10 năm xây dựng NTM chưa xứng với tiềm năng cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, đầu tư từ ngân sách nhà nước; trong đó có nguyên nhân một bộ phận cán bộ, nhân dân còn trông chờ, ỷ lại, dựa vào hỗ trợ của cấp trên, thiếu tự thân vận động vươn lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) Nguyễn Văn Kỷ chia sẻ, ngoài những khó khăn do địa hình núi cao cách trở, trình độ dân trí thấp, dân cư phân bố thưa thớt, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, nên chậm đổi mới, không chịu khó lao động, nên cái nghèo đeo đẳng, từ đó phong trào xây dựng NTM kém hiệu quả ngay từ thôn, bản. Đã có rất nhiều mô hình do Nhà nước hỗ trợ, thực hiện thu hút người dân tham gia, nhưng sau khi kết thúc mô hình thì không ai làm theo. Vì vậy việc mô hình không nhân rộng được, một phần do không phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng phần nữa là ý thức người dân không chịu học hỏi. “Địa phương thuộc xã nghèo, nên không thu hút được đầu tư. Bình quân mỗi năm ngân sách xã thu khoảng 15 triệu đồng, ngay cả việc huy động 5% vốn đối ứng đầu tư các công trình hạ tầng, địa phương cũng tìm không ra” - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lâm ngậm ngùi.

Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), sau khi mở hướng, phát triển được quy mô sản xuất, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương có 1.000 ha/3.000 ha cam Vũ Quang đã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, song địa phương đang đau đầu tìm lối tiêu thụ cho 30 nghìn tấn cam/vụ. Nỗi niềm của lãnh đạo huyện Vũ Quang cũng là nỗi lo chung của bà con ở khu vực miền núi Thanh Nghệ Tĩnh khi các nông sản ở đây đang loay hoay tìm thị trường tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) Nguyễn Hữu Hiến kiến nghị: Sau khi đạt chuẩn bản NTM, xã NTM, đồng nghĩa với việc các địa phương thoát khỏi xã nghèo, không còn được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, xã nghèo. Đây là “nút thắt” khó gỡ trong quá trình tuyên truyền, thực hiện chương trình. Vì vậy nên chăng Nhà nước tiếp tục duy trì một số cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thời gian nhất định sau đạt chuẩn NTM nhằm tạo động lực khuyến khích cán bộ, nhân dân quyết tâm xây dựng NTM vừa duy trì trạng thái chuyển tiếp hợp lý trong cách nghĩ, cách làm của các địa phương.

Đồng quan điểm trên, hầu hết lãnh đạo các địa phương cho rằng, phần lớn các xã miền núi, rẻo cao hiện nay đang loay hoay tìm nguồn lực để phát triển giao thông, điện lưới và các công trình hạ tầng khác. Trong đó, giao thông là xương sống để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế-xã hội, cần được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, nếu không có “cú huých” mạnh từ cơ chế, chính sách riêng cho khu vực này thì việc phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng ở đây sẽ gặp muôn vàn khó khăn và nguy cơ tụt hậu so với các vùng miền khác sẽ hiện hữu.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 30/11/2021.